Thanh xuân với tôi
Văn hóa - Ngày đăng : 08:54, 07/04/2021
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đặng Ngọc Bích Trâm công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
|
Trên chiếc xe khách như bao lần trước, từ một vùng quê An Giang để trở lại với một Sài Gòn đầy nhộn nhip và bộn bề tôi trở lại với công việc của một cô banker sau ngày nghỉ cuối tuần. Đồng hồ 17h rồi, xe vẫn đang lăn bánh để nhanh chân cho khách đến Sài Gòn đúng giờ. Nhìn cảnh chiều tà, hoàng hôn buông dần lòng tôi bỗng lắng đọng lại.
Thời gian trôi nhanh không chờ đợi bất kỳ điều gì, từ cô gái nông thôn lên thành thị, từ cô sinh viên vừa ra trường trải qua bao việc để rồi cơ duyên nào đó đã bước vào cánh cửa của ngân hàng. Thế đó, vậy mà đã bốn năm tôi đi qua và gắn bó với nghề bank mọi người ạ.
Ngày ấy, khi chọn thi vào trường đại học, ba mẹ muốn con gái học ngành dược. Nhưng không hiểu sao, lúc đó tôi lại đam mê ngân hàng đến lạ. Suy nghĩ đơn giản lắm, cơ vì bản thân thích bank, thích được giao tiếp với nhiều người, thích môi trường làm việc sang trọng, thích mang nhưng bộ quần áo đẹp (vì những chị gái, anh trai thật xinh xắn khi khoác lên người những bộ đồng phục có cánh của bank). Đó có lẽ là những suy nghĩ thật trẻ con. Rồi bằng những gì có thể, cô gái đã thuyết phục ba mẹ để được học chuyên ngành tài chính ngân hàng. Một chuyên ngành mà tôi đã mơ ước được làm, được trải nghiệm và cống hiến.
Cũng như bao người, tôi cũng đã trải qua những công việc trái ngành. Và rồi, tôi tự hỏi bản thân đã hài lòng với công việc đó chưa?. Câu trả lời đã thôi thúc tôi hành động. Qua những thông tin trên internet từ các trang ngân hàng, thông tin tuyển dụng từ người thân, bạn bè tôi đã ứng tuyển vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – lòng hồi hộp đến lạ. Vừa mong đây sẽ là cơ hội để khẳng định bản thân nhưng cũng không ít những lo lắng, hoang mang. Trải qua sơ tuyển, thi tuyển rồi phỏng vấn, qua mỗi vòng thì sự hồi hộp đều tăng lên.
Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, máy tính thông báo có một thư được gửi đến, vội vàng mở thì nhận được thông báo trúng tuyển từ SCB. Lòng tôi vui mừng khôn xiết. Từ ngày nhận được email “định mệnh” ấy, tôi đã là một banker.
Ảnh tác giả cung cấp |
Ngày mới bước vào Ngân hàng SCB, bao nhiêu điều ngỡ ngàng, có thể nói lòng rối như tơ, bởi mọi thứ xung quanh tôi quá lạ, con người, công việc tất cả đều mới mẻ. Cũng bởi một môi trường quá chuyên nghiệp và đẳng cấp từ SCB - Bến Thành. Bản thân tôi như thu bé lại để tìm kiếm một lớp bọc bao phủ mình.
Nhưng rồi từ một cô gái chập chững mới bước vào nghề, nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ tận tình của các anh chị đi trước, thông qua những lớp đào tạo nghiệp vụ của SCB, sự nỗ lực cố gắng và luôn trau dồi thêm vốn kiến thức, tôi - một cô giao dịch viên - dường như đã đi vào quỹ đạo và guồng quay của công việc.
Là một giao dịch viên mới hiểu được câu nói “hết giờ chứ không bao giờ hết việc”. Những công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày: tiếp đón khách hàng đến quầy, đáp ứng đúng mục đích giao dịch của khách, tìm hiểu thêm các nhu cầu của khách, thông tin đến những sản phẩm mới để khách hàng có sự lựa chọn tối ưu nhất. Trong quá trình hạch toán phải hạn chế tối đa những sai sót, bởi trong ngành tài chính có một câu nói "trật con toán bán cái nhà” là vậy. Rồi những công việc không tên cứ đua nhau kéo đến cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng. Những con số thi nhau múa hát trên máy tính…
Công việc dù có nhiều, có chiếm hết quỹ thời gian của tôi nhưng được làm công việc mình yêu thích thì đó là nhiệt huyết để bản thân vượt qua mọi thứ. Và tôi luôn nghĩ con người tạo ra công việc thì chắc chắn phải giải quyết được nó.
Mỗi ngày trôi qua với SCB làm bản thân tôi trở nên trưởng thành hơn. Có thể nói, thanh xuân của tôi trở nên đong đầy hơn khi được gắn bó với công việc, với con người và môi trường nơi đây. Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tiếp xúc với nhiều khách hàng, va chạm với những tình huống oái ăm, giúp bản thân có thêm một kinh nghiệm mới và động lực mới.
Trong quầy dịch vụ khách hàng, các em bé nhỏ được bố mẹ dẫn đi cùng vào bank, trông cứ đáng yêu đến thế khi miệng mút những viên kẹo ngọt lịm, rồi tay không quên cầm theo vài chiếc trên khay kẹo ở quầy. Nhìn các em vui vẻ, các ông bố bà mẹ cũng háo hức trò chuyện luyên thuyên. Song đó, cũng có những anh, chị nét mặt vội vã khi sắp đến giờ đón con tan học. Rồi những cô chú hơi khó tính, có vẻ cáu gắt nhưng khi được chia sẻ những câu chuyện, được quan tâm thấu hiểu thì những khách hàng này cũng trở nên dễ tính hơn và gần gũi hơn. Rồi các ông, các bà đôi khi “tay xách nách mang” vài túi trái cây từ quê lên tặng cho các nhân viên trong quầy giao dịch để ăn lấy thảo, rồi bảo “trái cây ở quê không phân bón gì đâu con ạ”. Được khách hàng tin yêu làm tôi thêm thương mến cái nghề này.
Với đồng nghiệp, đó là những chuỗi ngày có làm thì có chơi. Tất bật với việc hạch toán, sổ sách, giấy tờ, chứng từ là vậy nhưng vẫn dành cho nhau thời gian để xả stress. Những buổi café ăn uống, những câu chuyện "tám" với nhau trên trời dưới đất không hồi kết của phòng dịch vụ khách hàng. Có đôi lúc mệt nhoài mọi người hay chia sẻ những câu nói hài hước trong nghề bank, những câu nói vui nhộn trong: Banker có gì vui?. Rồi khoe nhau từng thỏi son mới, chiếc váy mới mua, hay nhưng đôi giày cao gót xinh xắn. Nó như những liều thuốc quý giá để mọi người có thêm sức sống mới trong công việc.
Vậy đó, mệt thật nhưng rất hạnh phúc vì bản thân được gắn bó với công việc mình đã đam mê và theo đuổi, được gắn bó với môi trường đầy tình thân. Bốn năm một thời gian không quá dài, cũng không phải là ngắn. Có thể nói, nó đã là một phần thanh xuân với tôi. Những cảm xúc mà tôi đã trải qua với nghề.
Sắp tới đây, tôi phải rời xa SCB Bến Thành để đến công tác ở một đơn vị kinh doanh mới tại SCB. Lòng vừa vui vì bản thân đã đặt ra những mục tiêu mới cần phải chinh phục ở vị trí nhân viên tư vấn tài chính nhưng lại cũng rất buồn vì phải chia tay SCB Bến Thành - nơi tôi đã gắn bó 4 năm với những con người thật sự đáng kính.
Nhưng dù có đi đâu, tôi vẫn là người SCB. Mỗi ngày trôi qua sẽ là một niềm vui mới. Người ta hay bảo nhau cuộc vui nào rồi cũng sẽ kết thúc, nhưng với tôi, tôi luôn quan niệm: Như chưa hề có cuộc chia ly, chỉ cần có lý do thì ta lại sẽ gặp nhau. Cũng như trong ngân hàng, có bứt phá, có vượt qua thách thức mới đạt được những chỉ tiêu cao.
Chuyến xe hôm nay đặc biệt đến vậy và nhanh đến Sài Gòn như vậy. Một cô gái đã thực sự trải lòng mình, sống với cảm xúc của mình trong khoảnh khắc này. Đã 19h30 rồi, tiếng còi xe khách báo đến trạm. Lưu những dòng ghi chú thật dài sau bao lần xóa - tẩy và đánh lại trong chiếc điện thoại. Lòng không quên lời cảm ơn SCB, vì đã góp phần làm nên thanh xuân với tôi.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |