Bộ Xây dựng yêu cầu 15 chủ đầu tư phải trả lại phí bảo trì cho dân

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:03, 07/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu 15 chủ dự án chuyển trả cư dân 250 tỷ đồng phí bảo trì tại 21 chung cư ở Hà Nội. Trong số này có các dự án của nhiều doanh nghiệp tên tuổi như CapitaLand, Văn Phú, Hải Phát...

Tại các kết luận thanh tra vừa công bố, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư tại 21 toà nhà. Đây là phần tiền 2% mà người mua phải nộp thêm ngoài chi phí căn hộ, thường giao tạm cho chủ đầu tư.

Theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014, kinh phí bảo trì chung cư, chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích bán, cho thuê. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người thuê, mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán. Khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển cho ban quản trị gồm cả lãi suất để quản lý, sử dụng.

Quy định là vậy, trên thực tế đã nổ ra nhiều tranh chấp khi chủ đầu tư cố tình không bàn giao lại kinh phí bảo trì cho ban quản trị hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Theo đó, tại thời điểm thanh tra, nhiều chủ đầu tư vẫn quản lý khoản tiền phí bảo trì, gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để lấy lãi. Có trường hợp, chủ đầu tư bàn giao chậm hoặc bàn giao không đầy đủ phí bảo trì toà nhà. Tại nhiều chung cư, do chủ đầu tư và ban quản trị không thống nhất được phân chia diện tích chung - riêng, diện tích được chủ đầu tư giữ lại nên không quyết toán được, khiến chậm bàn giao phí bảo trì 1-3 năm.

Dự án Seasons Avenue (CT09, Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mộ Lao, quận Hà Đông) của Công ty TNHH Đầu tư CapitaLand - Hoàng Thành đang "om" phí bảo trì của cư dân

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, đa phần các chung cư chưa quyết toán kinh phí bảo trì. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc để tìm được tiếng nói chung đi đến thống nhất, việc phân chia diện tích chung - riêng, diện tích mà chủ đầu tư được giữ lại...

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều chủ dự án lấn chiếm, chiếm dụng không gian sở hữu chung của các tòa nhà để sử dụng vào mục đích riêng như chia không gian kỹ thuật, sảnh, hành lang, sân thượng thành một số phòng cho ban quản lý dự án, đơn vị quản lý vận hành tạm sử dụng hoặc kinh doanh không đúng theo hồ sơ bản vẽ thiết kế đã phê duyệt.

Vì vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu 15 chủ đầu tư trả lại 250 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì cho 21 chung cư.

STT Tên chung cư Chủ đầu tư
1 Hope Residences (đường Chu Huy Mân, phường Phúc Đồng, quận Long Biên) Công ty cổ phần phát triển nhà Phúc Đồng
2 Sun Grand City Ancora Residence (Số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) Công ty cổ phần Xây dựng, Đầu tư Bất động sản Việt Minh Hoàng
3 Toà nhà HH1 và HH2 thuộc dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7
4 Chung cư Thông tấn xã Việt Nam (Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7
5 Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội (phường Xuân Pương, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7
6 C14-Bộ Công An (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần Tập đoàn Bắc Hà
7 Chung cư C51-C44 (Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, phường Xuân La, quận Tây Hồ) Công ty cổ phần Tập đoàn Bắc Hà
8 Nhà chung cư Hinode City (số 201 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng
9 Riverside Garden (số 349 phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) Công ty Tập đoàn VIDEC
10 Toà nhà chung cư Intracom 1 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông
11 Toà nhà chung cư Intracom Riverside Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông
12 Nhà chung cư CT1, CT2A, CT2B, CT3 - Gelexia Riverside (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam
13 The Van Phu - Victoria (khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông) Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest
14 Toà nhà hỗn hợp Hateco Hoàng Mai (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) Công ty cổ phần Hateco Hà Nội
15 Nhà chung cư CT-1A, CT-1B, CT-2 thuộc dự án khu nhà ở Hateco 6 (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco
16 Toà nhà F, G, H, K, L thuộc tổ hợp chung cư cao tầng khu hỗn hợp nhà ở HH02 (khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai
17 Công trình nhà ở cao tầng tại lô đất CT1 (khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông
18 Công trình nhà ở cao tầng tại lô đất CT2 (khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông
19 Seasons Avenue (CT09, Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mộ Lao, quận Hà Đông) Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư CapitaLand - Hoàng Thành
20 HPC Landmark 105 (khu đô thị mới Văn Khê mở rộng, phường La Khê, quận Hà Đông) Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô
21 Hanoi Homeland (lô đất NO23, dọc đường trục 5 kéo dài, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô

Cơ quan chức năng cũng quyết định xử phạt hành chính 7 chủ đầu tư gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô; Công ty cổ phần Tập đàn Nam Mê Kông; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC; Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng; Công ty cổ phần Xây dựng, Đầu tư bất động sản Việt Minh Hoàng, với tổng số tiền 820 triệu đồng.

Đồng thời, các chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung các tòa nhà chung cư, trả lại tình trạng ban đầu hơn 1.000 m2 bị lấn chiếm

Ngoài dự án The Van Phu - Victoria (quận Hà Đông) đang "om" phí bảo trì thì dự án Home City của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest cũng dính lùm xùm, bị cư dân phản đối.

Theo Điều 37, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó quy định chi tiết về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo đó, nếu chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về số tài khoản và số tiền trong tài khoản. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin này. UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Trong trường hợp chủ đầu tư có tài khoản kinh doanh nhưng không còn tiền hoặc không còn đủ tiền để khấu trừ theo quy định thì UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan công an và cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư tại dự án nơi có nhà chung cư hoặc tại dự án khác để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.

Minh Hoàng