Kỷ niệm về người nữ Chủ tịch công đoàn

Văn hóa - Ngày đăng : 10:28, 08/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những gì cô đã làm sẽ mãi truyền lửa cho các thế hệ đi sau như chúng tôi tiếp tục phát huy để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp luôn là đơn vị sôi nổi trong các hoạt động công đoàn và phong trào đoàn thể, không phụ những tâm huyết mà cô đã xây dựng trong suốt thời gian qua.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Xuân Thảo, công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp.

 

Là một đứa chuyên về các môn học tự nhiên từ thời còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi không giỏi viết văn hay làm thơ, nhưng hôm nay nhân hướng tới Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam, tôi muốn viết lên cảm nhận của mình về một người nữ Chủ tịch công đoàn đầy tâm quyết với hoạt động công đoàn và phong trào đoàn thể thông qua những mẩu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến trong suốt khoảng thời gian gần mười năm được sống và làm việc cùng cô. Đó là cô Trần Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp - Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Nhớ lại năm 2011, khi tôi đến nộp hồ sơ thi tuyển vào ngân hàng, là sinh viên mới ra trường, tôi không khỏi lo lắng. Lúc đó, đang đứng ở sảnh trước của cơ quan, chưa biết phải đi lối nào thì vô tình gặp cô, cô nở nụ cười thân thiện và bước đến hỏi tôi: “Con tìm ai” tôi rụt rè đáp: “Dạ, dạ con muốn đến phòng Hành chính Nhân sự để nộp hồ sơ thi tuyển ạ!”. Cô nhẹ nhàng hướng dẫn, sau đó tôi cảm ơn, chào cô và đi theo lối hướng dẫn, trong đầu tôi thầm nghĩ: “Nhân viên ở đây sao mà thân thiện, gần gũi quá”.

Khi đến phòng Hành chính Nhân sự nộp hồ sơ, tôi mới biết người tôi vừa gặp tên Mai, cô là Phó Giám đốc - Chủ tịch công đoàn cơ sở, tôi thoáng chút bất ngờ, bởi lẽ trong suy nghĩ của tôi, người làm lãnh đạo thường rất nghiêm nghị, quan cách nhưng cô thì hoàn toàn ngược lại, ở cô toát ra vẻ gần gũi, thân thiện lắm!

Và rồi tôi cũng trúng tuyển vào Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, cùng lượt với tôi còn có 9 người nữa, cũng là sinh viên mới ra trường.

Những ngày đầu làm việc, có một kỷ niệm về cô mà tôi nhớ mãi đến bây giờ. Hôm đó, cô cho mời những công chức mới trúng tuyển xuống phòng, cô nói: “Hôm nay cô gọi tụi con xuống đây là để giao cho tụi con một nhiệm vụ”, nghe đến giao nhiệm vụ, mấy đứa tụi tôi sợ lắm, cô nói tiếp: “Cơ quan mình có hoạt động đọc báo vào mỗi buổi sáng, nhưng hoạt động này tạm ngưng một thời gian rồi, do các cô chú đã lớn tuổi, nay tụi con mới vào, cô muốn giao lại nhiệm vụ này”, một đứa trong nhóm liền hỏi cô: “Cô ơi, giờ ai cũng có điện thoại hết, người ta tự đọc báo được mà cô”, cô cười nói: “Cô biết, nhưng cô muốn tụi con duy trì hoạt động này là có mục đích khác, tụi con cứ làm đi, sau này tụi con sẽ thấy được kết quả của nó”.

Vậy là theo chỉ đạo của cô, tổ đọc báo sáng được thành lập, mỗi buổi sáng đúng 7h30 từng thành viên trong tổ đọc báo luân phiên tìm các tin, bài về hoạt động ngân hàng để đọc cho toàn thể nhân viên trong cơ quan nghe. Thời gian đọc báo mỗi buổi sáng chỉ vỏn vẹn 15 phút thôi nhưng những lần đọc báo đầu tiên là cả vấn đề đối với các thành viên trong tổ, một phần do tâm lý chủ quan, phần thì do tâm lý sợ đám đông nên đứa thì đọc vấp, đứa thì đọc bỏ chữ…, mọi người trong cơ quan có hôm cười ầm cả lên, khiến chúng tôi ngượng đỏ cả mặt.

 

Một hôm, sau giờ đọc báo sáng, cô lại lần nữa mời tổ đọc báo xuống phòng, cô nhẹ nhàng kể: “Trước đây cơ quan mình ít người trẻ, chỉ mỗi mình cô đọc báo thôi, tụi con biết không lần đầu tiên đọc báo, cô run lắm, chưa đọc hết bài cô đã bỏ chạy, nhưng về phòng ngồi nghĩ lại, chuyện đọc báo chỉ là chuyện nhỏ, tại sao mình phải sợ, thế là từ đó mỗi buổi tối cô luôn dành thời gian chọn bài báo và ngồi đọc đi đọc lại bài báo mà ngày hôm sau phải đọc, nhờ vậy cô đọc trôi chảy và dần dần quen với đám đông, sau đó cô tập thêm cách diễn đạt để cách đọc được sinh động và cuốn hút hơn”, nghe cô kể, các thành viên trong tổ đọc báo tự nhủ với lòng là từ nay phải nghiêm túc trong việc mình làm, từ những việc tưởng chừng như nhỏ này.

Mãi về sau này, khi tổ đọc báo đã đi vào nề nếp, mọi người mới thấy được kết quả từ việc làm này. Giờ thì những đứa trẻ tụi tôi ai nấy đã tự tin hơn rất nhiều, có thể phát biểu, trình bày báo cáo trong các cuộc họp, tọa đàm ở cơ quan, hay xa hơn nữa là các buổi: “Tuyên truyền chủ trương, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng” cho người dân ở vùng biên giới Hồng Ngự, Tân Hồng.

Cả tổ đọc báo không ai nói ai nhưng chúng tôi thầm cám ơn cô vì điều này!

Với bộn bề công việc chuyên môn là thế nhưng cô luôn là người tâm quyết trong các hoạt động từ thể thao, văn nghệ đến tham gia các cuộc thi do các cấp phát động. Cô luôn là người tìm kiếm những hoạt động mới để phát động mọi người trong cơ quan cùng tham gia.

Trong số các hoạt động đó, phải kể đến việc cô đã tìm kiếm và mang môn bóng chuyền hơi nữ về cơ quan. Tôi nhớ đó là năm 2012, khi đi dự Tổng kết công tác thi đua tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang, thấy mọi người giao lưu môn bóng chuyền hơi nữ rất vui, khi về trở về cơ quan cô đã tự mình liên hệ để xin thể lệ thi đấu và đặt mua bóng. Sau đó cô còn mời huấn luyện viên đến tập luyện cho các nhân viên nữ trong cơ quan. Từ khởi đầu đó, môn bóng chuyền hơi được duy trì tập luyện thường xuyên trong Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho đến nay.

Không những vậy, phong trào bóng chuyền hơi nữ ngày càng nở rộ, lan rộng đến các ngân hàng trên địa bàn, trở thành môn thi đấu chính thức trong Hội thao các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hàng năm. Gần đây nhất, ngay khi nhận được văn bản phát động sáng tác clip tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động năm 2020 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cô tiếp tục là người đứng ra phát động và kêu gọi cả cơ quan tập luyện. Lần này, cô đích thân tham gia với mọi người, dù khá bận rộn với công việc chuyên môn nhưng cô luôn tranh thủ từng chút thời gian để tập luyện. Nhìn cô như vậy tôi thầm nghĩ: “Sao cô có tinh thần nhiệt quyết đến thế, không biết khi bằng tuổi cô mình có được như thế không!”.

Rồi trải qua gần một tháng tập luyện tích cực, cuối cùng clip tập thể dục giữa giờ của cơ quan tôi cũng hoàn thành để gửi tham dự cuộc thi. Kết quả thật bất ngờ, cơ quan tôi là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và là một trong hai đơn vị thuộc ngành Ngân hàng được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao giải.

Tôi cứ tưởng sau khi quay clip dự thi xong thì thôi, nhưng cô lại tiếp tục phát động toàn thể công chức trong cơ quan đúng 9h mỗi ngày xuống sân sau để tập thể dục giữa giờ. Nhờ vậy mà phong trào thể dục giữa giờ của cơ quan tôi tiếp tục duy trì đều đặn cho đến nay.

Nếu như trong công tác chuyên môn cô nghiêm túc, quyết đoán bao nhiêu thì trong các hoạt động công đoàn, phong trào đoàn thể cô lại càng trở nên gần gũi, thân thiện với mọi người bấy nhiêu.

Tôi nhớ lần đó, Đoàn thanh niên tụi tôi đang chuẩn bị tập tiết mục múa “Để Mị nói cho mà nghe” để phục vụ hội nghị của cơ quan, khi xin ý kiến, cô nói: “Cô ủng hộ hết mình, tụi con cứ tập đi, có khó khăn thì báo cô”. Tụi tôi biết lãnh đạo thì bận trăm công ngàn việc, nhưng không ngờ cứ cách một hay hai ngày, vào cuối giờ chiều, cô lại ghé xem chúng tôi tập luyện, khi thì để góp ý chỗ này chỗ kia, khi lại mang vài miếng bánh cho tụi tôi ăn đỡ đói.

Có lần thấy tụi tôi đang góp tiền để mua đồ ăn trước khi tập văn nghệ, cô nói “tụi con góp mỗi đứa bao nhiều, cho cô góp với”, một đứa trong nhóm nhanh nhảu trả lời: “Dạ, 100K cô ơi”, cô liền nói: “Cô góp 500K luôn, khi nào thiếu cứ nói cô”. Cả nhóm tụi tôi vỗ tay rần rần và từ đó trong các hoạt động của Đoàn thanh niên, tụi tôi vẫn hay gọi cô với biệt danh vui là “Má Mị” với hàm ý cô như là một người mẹ luôn quan tâm, động viên những đứa con của mình vậy!

Những mẩu chuyện tôi kể trên đây chỉ là một vài kỷ niệm riêng của tôi về cô, không thể ghi nhận hết những đóng góp của cô cho hoạt động công đoàn và hoạt động đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp. Tựu chung lại, khi nói về cô chỉ có hai từ “tâm huyết”.

Năm nay là năm cô về hưu, hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao, chúng tôi sắp phải chia tay cô, nhưng những gì cô đã làm sẽ mãi truyền lửa cho các thế hệ đi sau như chúng tôi tiếp tục phát huy để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp luôn là đơn vị sôi nổi trong các hoạt động công đoàn và phong trào đoàn thể, không phụ những tâm huyết mà cô đã xây dựng trong suốt thời gian qua.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

Nguyễn Thị Xuân Thảo