Là "không".... là "một"...

Văn hóa - Ngày đăng : 09:15, 10/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau gần hai năm công tác, tôi lại đưa mình trở lại vạch xuất phát điểm, bắt đầu ở vị trí cán bộ kế toán tại một chi nhánh đang trong giai đoạn chuẩn bị đi vào hoạt động ở khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh...

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Tống Thị Hoàng Hà, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chi nhánh Tân Sài Gòn. 

 

Đôi lúc tôi vẫn hay ví von bản thân là Thị (một nhân vật trong truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân) - một người với con số không tròn trĩnh, không chiều cao, không một mối quan hệ và bắt đầu là không niềm yêu thích với nghề ngân hàng. Ấy vậy mà thấm thoát cũng gần bốn năm tôi được gọi là “công dân ngân hàng”.

Ngay đến tận bây giờ, thầy cô, bạn bè thời áo trắng vẫn còn chưa thể tin cô học trò nhỏ lớp chuyên văn năm nào giờ lại đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Chắc có lẽ tôi đến với nghề bởi một chữ “duyên”. Cô gái mười tám tuổi năm ấy mơ ước trở thành một luật sư đứng tại phiên tòa để bảo vệ công lý, thế nhưng cánh cửa đại học lại đóng lại. Rớt đại học, một cú sốc tưởng chừng bầu trời sụp đổ. Thế rồi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - một phương án dự bị, một khối thi không chuyên. Như người “chết đuối vớ được cọc”, tôi cũng như bao sĩ tử khác hân hoan cặp sách rời xa nhà vào thành phố.

Đôi lúc nhìn những tấm bằng khen, những tấm huy chương của bản thân, tôi lại chạnh lòng và đã hơn một lần nghĩ đến việc dừng bước để làm lại từ đầu. Thế mà sau bốn năm học tập tôi cũng đã như bao bạn bè, khoác lên mình chiếc áo cử nhân hân hoan bước ra xã hội. Những năm tháng đại học dạy cho tôi biết những con số, những báo cáo tài chính, những nguyên lý kế toán cũng không hề khô khan và khó nhằn như trong tưởng tượng. Bỏ qua những tự ti của bản thân, tôi đặt lại ước mơ và mục tiêu của mình, chẳng có gì là không thể nếu bản thân biết cố gắng.

Cô sinh viên mới ra trường năm ấy cũng đã thuận lợi đến với “mối tình đầu”, trở thành một công dân ngân hàng, đặt những viên gạch đầu tiên trong con đường của mình. Tại đây tôi được sự hướng dẫn tận tình của các anh chị đi trước để vận dụng những kiến thức được học trên giảng đường vào thực tiễn công việc. Từ con số không tròn trĩnh, tôi bắt đầu một tình yêu với nghề, một chút kinh nghiệm cho bản thân. Chẳng có con đường nào là trải đầy hoa hồng cả, bản thân ngay lúc bắt đầu cũng có quá nhiều bỡ ngờ, từ “nhà trường” bước ra “nhà người ta” là cả một bước chuyển mình dài. 

Sau gần hai năm công tác, tôi lại đưa mình trở lại vạch xuất phát điểm, bắt đầu ở vị trí cán bộ kế toán tại một chi nhánh đang trong giai đoạn chuẩn bị đi vào hoạt động ở khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh. Những ngày tháng đầu phải nói quá nhiều khó khăn. Vỏn vẻn ba mươi lăm con người, từ nhiều đơn vị công tác khác nhau, những mảnh ghép đôi khi trục trặc, chưa hiểu ý nhau trong công việc. Nhưng trên tất cả, là sự cố gắng để ghép thành một tên tuổi Vietcombank Tân Sài Gòn tại thị trấn Nhà Bè. Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau là đang “khởi nghiệp”, có khó khăn, có vất vả nhưng không được chùn bước. Tôi như cô sinh viên mới ra trường lại bắt đầu từ đầu, học những thứ mới mà bản thân chưa từng làm, chưa từng tiếp cận, như một chân trời mới để khám phá.

Ảnh tác giả cung cấp

Phải nói nghề ngân hàng – đã chọn là chọn sự bận rộn làm niềm vui. Đúng như vậy, công việc ngân hàng không chỉ đơn thuần là việc mặc những bộ đồ đẹp, ngồi trong máy lạnh, làm việc với máy tính mà phải thường xuyên đi khách hàng, các chứng từ và số liệu cũng vội làm để kịp báo cáo, tiến độ công việc được giao. Có những lúc 21h -22h khuya, đèn các phòng vẫn còn sáng để vội soạn tờ trình ngày mai kịp giải ngân. Nhìn các anh chị nhà thật xa chi nhánh, có khi tận khu vực phía tây, phía đông thành phố nhưng vẫn hăng say trong công việc quên cả giờ giấc, mà đôi lúc chạnh lòng, thấy thương, thấy quý những đồng nghiệp của mình. Đặc biệt, vào những thời điểm lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… khối lượng khách hàng, công việc lớn thường xuyên tăng ca về trễ, nhưng gương mặt ai cũng rạng ngời sự cố gắng. Thấy thương lắm những đứa bé từ nhỏ cũng đã biết nhớ, biết thương màu áo ngân hàng mà bố mẹ các con khoác lên mình hàng ngày từ sáng sớm tới tối muộn. Thấy chua xót lắm khi đọc những bài báo với tựa đề: nỗi khổ của gái ngân hàng, mặt xinh, lương cao nhưng mãi độc thân … Nghề ngân hàng như một bông hoa hồng rực rỡ kiêu hãnh, nhưng cũng đầy gai nhọn. Đôi lúc những khó khăn, những cản trở trong giai đoạn đầu cũng làm tôi lung lay ý chí. Nhưng thật may mắn, tôi luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ của các anh chị lãnh đạo phòng, của ban giám đốc, ban chấp hành công đoàn.
 
Một chi nhánh còn non trẻ, xuất phát điểm từ con số không bây giờ đã một tuổi. Một năm, đối với nhiều người không có ý nghĩa gì, nhưng với chúng tôi là cả sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể ba mươi lăm cán bộ nhân viên. Tôi vẫn luôn rất thích một câu nói “muốn đi thật nhanh thì đi một mình, muốn đi thật xa hãy đi cùng với nhau”.  Đôi lúc có người chợt hỏi tôi: có ý định “nhảy” ngân hàng không?. Tôi vẫn hay nói vui rằng: cô gái 26 tuổi đã đủ chín chắn, đủ tuổi để chọn “một mối tình” và “kết hôn”. Có một nơi để gọi là “nhà” và tôi gọi Vietcombank Tân Sài Gòn là “nhà của Hà”.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Tống Thị Hoàng Hà