Mối nhân duyên với nghề ngân hàng
Văn hóa - Ngày đăng : 10:19, 12/04/2021
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Thanh Trúc, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
|
1. Tôi biết đến tiền vào năm 4 tuổi khi được lì xì, biết dùng tiền mua đồ chơi năm 6 tuổi lúc học mẫu giáo, nhưng tới năm 18 tuổi, tôi mới lần đầu được đặt chân đến nơi cất giữ, giao dịch chúng. Ngân hàng là thứ gì đó quá xa lạ, và việc dùng một tấm thẻ hình chữ nhật để rút tiền mặt trở nên không tưởng với tôi khi đó. Cái gì cũng lạ lẫm, nhìn ngân hàng to rộng, ngó bộ đồ học sinh của bản thân, giật mình bị “khớp” ngay tức khắc. Giờ nghĩ lại tự nhiên hơi mắc cười, bởi rõ là khách hàng, mà thấy ai cũng sợ hãi.
Chắc cũng có nhiều bạn như tôi ngày ấy, mới chập chững vào Đại học thì mon men làm thẻ ATM đặng gia đình gửi tiền vào cho tiện, hoặc để đi làm thêm thì người ta trả lương cũng dễ dàng hơn.
Tấm thẻ vào đời của tôi đến từ ngân hàng duy nhất của cả huyện khi đó, chỉ nghe tên thôi đã biết ngay nó cực thân thiết với nông dân: Agribank. Nhìn thấy trước quầy đợi có các cô, chú chân chất y như ba mẹ mình, rồi lại bắt gặp nụ cười thân thiện của các giao dịch viên cũng nói giọng Bình Định gần gũi, tự nhiên tim đập vững vàng trở lại. Chút xa lạ của lần đầu cứ thế tan biến đâu “hết trơn hết trọi”.
Ngày nhận thẻ, để thực hành rút, chuyển tiền trên ATM được chính xác, chị giao dịch viên tên Hiền khi đấy còn dẫn tôi ra tận trụ trước cổng ngân hàng, thao tác mẫu không chỉ một lần, bởi tôi chả nhớ nổi nhiều bước. Chị hỗ trợ tôi đổi mã pin, rồi tự động quay đi để tôi không lộ mật khẩu, dù rằng khi ấy tôi chẳng có chút ý thức bảo vệ quyền riêng tư nào. Giờ nghĩ lại, càng khâm phục cái tâm và tầm của ngân hàng lớn trong khối “Big 4”, bởi họ gần như chẳng lừa dối khách hàng dù cho người đó đang không hề hay biết.
2. Khoản tiền đầu tiên tôi rút qua ATM được gửi từ một người lạ. Chị ấy lập một quỹ học bổng và hỗ trợ tiền học phí cho các sinh viên vượt khó có thành tích cao. Cái duyên tôi đến với quỹ của chị cũng hệt như cái duyên lúc tôi làm thẻ ngân hàng vậy, ngỡ ngàng và nhiều cảm xúc.
Khoản tiền thứ hai là từ ba tôi. Ông không có thẻ ngân hàng nên phải ra tại quầy Agribank để gửi. Thời đó xã tôi còn lạc hậu lắm, và một người nông dân luống tuổi như ba đã rất vất vả để hiểu và điền đúng tờ giấy thông tin. Tôi nhớ mãi cái giọng hồ hởi của ba truyền ra từ điện thoại hôm đó. Ông dặn tôi kiểm tra xem tiền đã vào tài khoản chưa, rồi còn luôn miệng khen là nhân viên Agribank hỗ trợ tận tình lắm. Nghe nói lúc ấy ba tôi viết sai cả mấy tờ giấy gửi, vậy mà không hề bị phàn nàn gì cả. Tự nhiên thấy ấm lòng và biết ơn những chị giao dịch viên ở đó dễ sợ, bởi họ đã đối xử tử tế với khách hàng như ba tôi.
Agribank đồng hành cùng tôi trên những chặng đường gian khó, những ngày đứng chờ rút tiền ở trụ có biểu tượng sọc đỏ để đóng học phí. Tất cả trở thành một dấu ấn khó phai, đến tận bây giờ khi đã thôi trăn trở về vấn đề cơm áo, lúc đi ngang qua những nơi đấy, lòng vẫn thấy nghẹn ngào.
3. Chắc cái duyên với ngân hàng sâu quá, nên sau này các thành viên của gia đình tôi đều lần lượt trở thành nhân viên trong ngành. Đầu tiên là chị gái. Chị ấy thi đỗ vào Agribank, đến giờ này đã có 15 năm công tác. Tiếp đó là chị dâu cùng anh rể, giờ đã là kiểm soát viên với 10 năm kinh nghiệm. Rồi hai em họ cùng người em rể út cũng đã có 9 năm làm ngân hàng trong thành phố. Cả bạn bè chung lớp, hay đồng nghiệp cũ thân thiết, giờ cũng công tác trong ngành ngân hàng. Lúc tết về hội họp, nhìn đâu cũng thấy cán bộ nhân viên trong ngành. Có khi do “chấp niệm” ngày trước của bọn trẻ chúng tôi sâu đậm quá, nên cứ quyết chí thi vào ngân hàng cho bằng được cũng nên!
Hôm trước chị tôi bảo, sắp tới ngày kỉ niệm 70 thành lập ngành ngân hàng rồi. Đời người có bao lâu để chứng kiến được thêm cái 70 năm lần nữa? Tự nhiên thấy hơi ngậm ngùi.
Ở một nơi nào đó, ngân hàng đã trưởng thành mạnh mẽ, cống hiến không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Với tuổi của một đời người, ngân hàng như người già uyên bác luôn hỗ trợ con cháu. Với nền tài chính, ngân hàng lại là một đứa trẻ hiếu học không ngừng hoàn thiện và vươn cao. Từ những bước đầu chập chững, ngân hàng đã đồng hành cùng tôi lớn lên từng ngày.
Mọi lời nói hoa mỹ giờ đây chắc đều trở nên thừa thãi, chỉ biết chúc cho ngân hàng tôi yêu và cả ngành ngân hàng tiếp tục vững vàng, ổn định và phát triển trong nhiều cái 70 năm tiếp nữa.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |