Dành trọn niềm tin yêu

Văn hóa - Ngày đăng : 18:00, 12/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mẹ bảo mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể quên cái nụ cười tươi rói của cô ấy, nụ cười thiện lành và ấm áp. Sau này mấy lần mẹ quay lại mong tìm gặp cô để cảm ơn nhưng cô đã chuyển công tác đến chi nhánh khác nên mẹ chẳng thể gặp.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu"  của tác giả Lê Đình Trung (xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

 

Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, để anh em tôi được đến trường học như chúng bạn cùng trang lứa, bố mẹ tôi phải miệt mài hàng ngày trên những cánh đồng lúa. Thế nhưng những giọt mồ hôi ướt đẫm tuôn rơi suốt cả mùa hè nắng như đổ lửa lẫn mùa đông lạnh cắt da cắt thịt để cày, cấy, làm thuê làm mướn cho người ta cũng chỉ đủ ăn chẳng dư giả gì. Bố tôi vốn đã ốm yếu do căn bệnh phổi từ hồi đi C sang Lào thời chiến tranh, nay lại lao động không lúc ngơi nghỉ nên đã đổ bệnh.

Căn bệnh lao lực khiến bố ốm yếu phải nằm nhà cả mấy tháng trời chẳng thể lao động nặng nhọc như trước. Ngồi trên giường bệnh mắt bố buồn xa xăm nhìn vào khoảng sân trống hoắc trước nhà mà miên man bao nỗi niềm. Bố thương mẹ một mình nhọc nhằn sớm hôm trên cánh đồng với chiếc máy cày. Bố lo cho con đường đi học của hai anh em tôi không biết sẽ thế nào. Những ngày ấy, nhìn bố hao gầy với những trăn trở, mẹ tôi chỉ biết trốn đằng sau trái bếp len lén lau đi những giọt nước mắt khẽ rơi. Tôi thương bố mẹ lắm nhưng chẳng thể làm gì hơn ngoài cố gắng đỡ đần mẹ nấu nồi cám lợn hay băm bèo cho gà ăn. Anh tôi năm ấy học lớp bảy, một hôm anh gọi tôi ra sau nhà khẽ bảo:

"Anh học không giỏi, có đi học cũng chẳng để làm gì. Giờ bố ốm tiền thuốc men tốn cả triệu đồng, mình mẹ chẳng thể lo cho cả hai đứa đi học. Anh sẽ nghỉ học cùng đi cày phụ mẹ. Em đi học nhớ phải cố gắng học nốt cả phần của anh".

Tôi nghe anh nói mà khóc lúc nào chẳng hay, nước mắt ngắn dài nói mãi chẳng nên câu. Hai anh em ôm chầm lấy nhau giữa trưa nắng, chúng tôi năm ấy đã biết giá trị của đồng tiền quý đến nhường nào. Tiền là thuốc cho bố, tiền là những giọt mồ hôi của mẹ, tiền là con đường tới trường. Tiền là hạnh phúc của một gia đình.

Chiều hôm đó, bố mẹ tôi mắt đỏ hoe gọi anh em tôi đến ngồi vào bàn. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình anh em tôi ngồi với bố mẹ một cách nghiêm trang như vậy. Câu chuyện của anh em tôi buổi trưa không biết sao mà bố mẹ biết được. Bố ôn tồn:

"Bố mẹ còn lo cho các con được, việc của các con ở thời điểm này là học và học thật tốt. Bố cấm, không có đứa nào được có tư tưởng nghĩ đến việc bỏ học. Bố sẽ từ mặt không nhận là con nếu đứa nào bỏ học".

Những lần nghịch dại trước anh em tôi bị bố mẹ đánh, mắng thậm chí dọa đuổi ra khỏi nhà, nhưng đây là lần đầu tiên bố nói “từ mặt”. Có lẽ bố biết và hiểu việc học đối với anh em tôi quan trọng như thế nào, đó là con đường giúp chúng tôi đi xa khỏi lũy tre làng, xa cánh đồng thấm đẫm mồ hôi đấng sinh thành. Ba mẹ con tôi lại khóc, những giọt nước mắt của xót thương.

Tối đó, anh em tôi nằm ở giường ngoài nghe bố mẹ nói chuyện gì đó mãi đến tận khuya mới đi ngủ. Sáng hôm sau, mẹ dậy thật sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh em tôi và thuốc cho bố thì cắp theo chiếc nón lên chiếc xe đạp đi đâu đó. Bố ở nhà hết đứng lại ngồi, đi đi lại lại, chốc chốc lại ngóng ra phía cửa xem mẹ về chưa. Anh em tôi chơi ở sân thấy bóng mẹ liền gọi bố, bố tôi đang uống chén trà liền bỏ đó chạy ra sân. Mẹ tôi xuống xe chẳng buồn dựng chiếc xe đạp để nó ngã kềnh giữa sân, mừng mừng tủi tủi chạy về phía bố tôi mếu máo nói như khóc:

"Được rồi ông ơi, được rồi".

Bố tôi thở phào khẽ nở một nụ cười, nụ cười tưởng đã biến mất từ cơn bạo bệnh nay lại nở lên trên khuôn mặt bố:

"Tốt rồi, tốt rồi"

Hóa ra tối hôm đó bố mẹ tôi bàn với nhau đi vay tiền ngân hàng. Khổ một nỗi, nhà tôi hoàn cảnh như vậy làm gì có thứ tài sản nào để cầm cố mà ngân hàng người ta chịu cho vay. Mẹ tôi nghe đâu trên thị trấn có Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank) có hỗ trợ vay vốn nông nghiệp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo như gia đình tôi. Nên đêm đó hai bố mẹ bàn nhau đánh liều cầm cuốn sổ hộ nghèo lên thị trấn một chuyến xem sao.

Mẹ tôi đi đôi dép tổ ong rách hàn ngang, hàn dọc, đội chiếc nón lá bạc màu lỗ chỗ vết thủng dựng chiếc xe đạp cà tàng một góc, rụt rè bước vào quầy giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ kể lại, hôm đó run lắm, nhìn khách khứa và nhân viên đều ăn mặc đẹp đẽ mỗi mình quê mùa bước vào. Lúng túng còn chưa biết phải làm gì, thì một cô giao dịch viên đã niềm nở gọi lại hỏi xem có cần gì giúp không. Mẹ tôi trình bày hoàn cảnh cũng như mong muốn, cô ấy nghe xong hỏi lại mẹ, thế bác cần vay bao nhiêu ạ? Mẹ tôi ngập ngừng:

"Không có tài sản gì thế chấp vay hai… hai chục triệu được không cô?".

Những tưởng cô ấy sẽ từ chối ngay, vì hai chục triệu là con số quá lớn và đặc biệt lớn hơn nữa với một gia đình hộ nghèo như nhà tôi. Dù biết đó là số tiền rất lớn nhưng bố mẹ tôi đã tính cả rồi, chỉ khi có đủ hai chục triệu thì mới giúp gia đình tôi có chút vốn và thoát khỏi cảnh cơ cực trước mắt. Thế nhưng, cô ấy nhẹ nhàng trả lời: “Dạ được bác, để cháu hướng dẫn các thủ tục”. Ngay sáng đó mẹ tôi đến ủy ban xã xin xác nhận hộ nghèo, một số giấy tờ khác được cô giao dịch viên hoàn thiện giúp.

Mẹ tôi cầm cục tiền trên tay mà run lẩy bẩy, những đồng tiền mới tinh không nếp gấp, cảm ơn cô giao dịch viên rồi rít. Cô ấy dặn đi dặn lại mẹ tôi phải cất tiền cẩn thận không có rơi mất lúc đi đường và không quên chúc gia đình tôi sớm vượt qua khó khăn.

Mẹ bảo mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể quên cái nụ cười tươi rói của cô ấy, nụ cười thiện lành và ấm áp. Sau này mấy lần mẹ quay lại mong tìm gặp cô để cảm ơn nhưng cô đã chuyển công tác đến chi nhánh khác nên mẹ chẳng thể gặp.

Số tiền vay được mẹ mua một con bò cái, phần mua thuốc và phần đóng học phí cho anh em tôi. Những con bò con cứ thế nối đuôi nhau ra đời trong niềm phấn khởi của gia đình tôi. Nhờ được hỗ trợ vay với lãi suất thấp số tiền vay ngân hàng sau vài năm gia đình tôi đã trả đủ cả gốc và phần lãi.

 

Câu chuyện về Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm ấy cả nhà chúng tôi chẳng ai có thể quên. Thời gian qua đi, anh em tôi lớn dần đi làm thi thoảng gửi biếu bố mẹ chút ít tiền tiêu, ông bà tích góp được bao nhiêu đều đem gửi Agribank cả. Không phải muốn kiếm lời lãi gì, cũng như anh em tôi luôn gửi tiền vào ngân hàng này vì đó là cách gia đình tôi ghi nhớ, cảm ơn Agribank đã giúp chúng tôi trong những ngày khó khăn năm cũ. Có người khen, có người chê về ngân hàng này, nhưng tôi và gia đình vẫn dành trọn một niềm tin yêu.

Nhân bài viết này tôi xin được cảm ơn đến cô giao dịch viên năm xưa, cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên Ngân hàng Agribank. Cảm ơn mọi người đã mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời, cảm ơn vì luôn đồng hành và giúp đỡ những người nông dân còn nhiều lắm những vất vả gian truân. Cảm ơn và cảm ơn.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 Lê Đình Trung