Trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm sẽ giúp các tổ chức tín dụng cân đối nguồn lực trong việc hỗ trợ khách hàng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:44, 13/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư 03/2021/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo nhận định của các chuyên gia, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các NHTM.

 

Bổ sung và mở rộng các điều kiện cơ cấu lại khoản nợ

Trao đổi với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, một lãnh đạo vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành với những điểm phù hợp với tình hình thực tiễn và có phần mở hơn so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Có thể kể đến như liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp thì Thông tư 03 có phần mở hơn so với trước. Cụ thể, Thông tư 01/2020 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trước ngày 23/1/2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch nhưng tại Thông tư 03 quy định là trước ngày 10/6/2020.

Lý giải việc lấy mốc thời gian 10/6/2020, vị lãnh đạo trên cho biết, đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định mở các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này, các TCTD cũng đã nhìn nhận được hết các rủi ro của khách hàng, cũng như nhận thức rõ hơn tác động của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp, nên khi thực hiện cho vay đã định kỳ hạn và lường trước khoản vay sẽ là thời hạn nào thì doanh nghiệp mới trả nợ được.

“Bản thân các ngân hàng khi xét duyệt các khoản vay mới sau ngày 10/6/2020 sẽ phải nhận thức được, phải hình dung được và phải chủ động tình hình và quyết định việc cho vay sẽ như thế nào, chứ không thể dùng tư duy cũ, cho vay theo kiểu cũ và chờ đợi cơ quan quản lý là không phù hợp”, vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Đối với việc phân loại nợ, Thông tư 03 quy định số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định. Tuy nhiên, để tránh một cú sốc “lợi nhuận” diễn ra tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.

Cụ thể, theo nội dung sửa đổi, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa: (1) dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và (2) số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31/12/2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023.

Lý giải việc đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm, đại diện lãnh đạo vụ chuyên môn của NHNN cho biết, nếu yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro ngay thì sẽ gặp vấn đề, bởi ngân hàng lớn mạnh có thể trích lập ngay được nhưng những ngân hàng năng lực tài chính chưa đảm bảo có thể bị lỗ. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình trong 3 năm, trích lập dần từ 30% đến 60% hoặc 100%. Với lộ trình này, các TCTD có thể trích lập mức tối thiểu 30% trong năm đầu tiên nhưng nếu lợi nhuận tốt có thể trích lập nhiều hơn.

Dưới góc nhìn của NHTM về Thông tư 03, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, Thông tư 03 cho phép phân bổ trích lập dự phòng trong vòng 3 năm sẽ giúp các TCTD cân đối nguồn lực trong việc hỗ trợ khách hàng, cũng như không ảnh hưởng quá lớn đến kế hoạch kinh doanh do áp lực trích lập dự phòng, vì suy cho cùng các TCTD đang dùng tiền túi (giảm bớt lợi nhuận) để hỗ trợ khách hàng.

“Với trách nhiệm đồng hành cùng NHNN và Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nền kinh tế thì Sacombank đã có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, đồng thời cũng giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho rằng, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các NHTM.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp, việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.

Về phía NHTM, việc sửa đổi này sẽ có tác động tích cực nhiều hơn, cả trong ngắn và dài hạn. Trong đó, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu mở rộng.

“Việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu được quy định trong Thông tư 03 dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB nhấn mạnh.

Thời điểm 31/12/2021 chưa phải là chốt chặn

Theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng đến nay ngân hàng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ, kể cả việc cấp vốn điều lệ với NHTM nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới… cho khách hàng và phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng.

Việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 sửa đổi bổ sung sẽ không chuyển nhóm nợ tương ứng đối với khách hàng và được xem xét cho vay mới nếu dự án có tính khả thi và đáp ứng được điều kiện của các TCTD. Song về bản chất khoản nợ đó là nợ dưới chuẩn và phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình là 3 năm. Hơn nữa, trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các TCTD sẽ không có nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vậy nên, áp lực của ngân hàng là rất lớn.

“Để giải quyết dứt điểm các khó khăn cho các TCTD, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tôi cho rằng, Chính phủ cũng phải có một Nghị định tương tự Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, về khoanh nợ, với thời hạn khoanh nợ tối đa là 2 năm. Nếu được như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các TCTD và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, TS.Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.

Trong khi đó, đại diện vụ chuyên môn NHNN cho biết, thời điểm cơ cấu nợ kéo dài đến ngày 31/12/2021 không phải là chốt chặn. Nếu tình hình thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ, NHNN có thể sửa thông tư kéo dài thời hạn này.

Ngô Hải - Bảo Đăng