Người đồng hành
Văn hóa - Ngày đăng : 09:15, 13/04/2021
Truyện ngắn dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Hòa Xuân Đông, Đông Hòa, Phú Yên.
|
Mối tình huyền thoại
Tôi đậu đại học. Mẹ nói không đủ khả năng. Mẹ bảo đăng kí học một trường trung cấp nào đó trong tỉnh, dễ thở hơn. Nhà mình nghèo.
Tôi buồn rầu từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo. Thật lòng không cam tâm. Chia sẻ nỗi niềm đó với một đứa bạn, nó bảo Ngân hàng Agribank đang có chương trình hỗ trợ cho sinh viên vay học đại học. Ôi trời, có cách rồi! Mới có cảm giác như bầu trời sắp đổ ào nên đã sung sướng ngất ngư khi chụp được chiếc phao cứu sinh. Tôi về thưa chuyện đó với mẹ. Dõng dạc hứa, đi học sẽ ráng lấy học bổng, ra trường đi dạy sẽ trả khoản nợ vay sinh viên đó. Mẹ đồng ý vay để trở thành cô giáo.
Ra trường, tôi tình nguyện đi dạy xa. Đi dạy xa, đương nhiên tôi ở nội trú. Chúng tôi tắm rửa tại một cái giếng bỏ hoang trước cổng trường, liền kề là sân bóng. Bữa đó, có một trái bóng nằm gọn trên thau đồ chờ giặt, chàng trai chạy lại, ôm trái bóng trên chiếc quần “em bé” của tôi, vừa đi vừa tủm tỉm cười làm tôi đỏ mặt.
Tối hôm sau, cả nội trú và mấy cầu thủ bóng chuyền địa phương đi uống cà phê. Tôi và chàng trai hôm trước đi cùng xe. (Mấy anh sắp xếp một chiếc xe dư cho hai đứa không xe mượn). Suốt dọc đường, tôi ra rả không ngớt. Từ đêm đó, buổi tối anh hay đạp xe lên nội trú chơi. Mang theo bịch sinh tố (hoặc nước mía) và một viên kẹo sữa.
Hoan khá bảnh. Nước da ngăm ngăm. Đôi mắt to, hơi lồi. Nụ cười nửa miệng có sức quyến rũ kì lạ, nó đủ sức để quật ngã bất kì một cô nàng kiêu kì nào – tôi nghĩ vậy. Anh học xong trung cấp tại chức luật và chưa xin được việc (với tấm bằng ấy, tôi cũng không hy vọng gì). Trong khi chờ việc, những buổi chặt mía, cuốc cỏ đã làm tôi thậm xưng nghĩ, anh là người yêu lao động.
Duyên nợ thật không cách chi giải thích. Tôi đường đường cô giáo trẻ. Không đẹp nhưng đặc biệt. Vui tươi, sống động. Nội trú có hàng tá thầy độc thân tình nguyện đưa đón, đến mức cầm đèn pin dắt đi tiểu tiện nhưng lại phải lòng chàng trai, trên răng dưới… dép.
Tình yêu bắt đầu như vậy. Không có gì ngoài đạp xe, kẹo và nước mía. Anh là mối tình đầu. Yêu là lo lắng là hết lòng, đó là tâm niệm của tôi. Nhất định phải làm cái gì đó để chứng tỏ tình yêu.
Hôm đó, Agribank huyện về trường trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó – việc làm nhân văn mà hằng năm ngân hàng vẫn làm. Nghe các anh chị trong trường bảo, muốn làm gì cứ lên Agribank, từ máy tính, tủ lạnh đến tậu xe, mua đất cất nhà. Tôi bèn te te đến ngân hàng xin vay tín chấp. Nhân viên phụ trách địa bàn trả lời giáo viên hợp đồng không vay được. Nhưng sau khi nghe tôi trình bày mục đích vay tiền mua xe phục vụ công việc, và kế hoạch tuyển công chức trong đợt tới thì hồ sơ được chấp nhận. Cầm mười triệu đồng, tôi mua chiếc xe máy, có điều nói khéo chưa có bằng lái để Hoan đứng tên và đem hẳn về nhà. Tôi hạnh phúc như vừa làm được một điều gì đó lớn lao.
Hẹn hò một năm, khi hai đứa đã thưa với gia đình chuyện muốn cưới hỏi, tôi mới dám đến thăm nhà chồng tương lai.
Con đường đất, lổn ngổn ổ gà ổ voi. Xe dừng trước một khoảnh đất rộng. Cỏ tranh mọc um tùm – y như rừng. Giữa vườn rừng là một ngôi nhà tranh vách đất, bên hông có cái giếng và chiếc gàu dây. Điểm cộng duy nhất là bên cạnh chiếc ti vi trắng đen cũ kĩ có cây đàn organ – tôi bao dung nghĩ những người có tâm hồn nghệ sĩ thường ít quan tâm đến tiền bạc.
Ba mẹ anh ép tôi ở lại dùng cơm. Rau dền vườn nhà, mắm ruột cá ồ và một con cá nục đỏ nướng. Bắt đầu bữa cơm, bé Út vòng tay:
- Con mời ba mẹ, em mời anh chị dùng cơm!
Đây là sự khác biệt của ngôi nhà nhỏ này. Tôi hoàn toàn bị thu phục.
Đồng nghiệp đe “Vợ hơn chồng khó hạnh phúc lắm!”; “Lấy nó về mai mốt hái rau nấu cháo heo. Nhà đó thích chơi chứ không thích làm”. Kệ. Tôi không tin nghèo là cái tội. Ba mẹ ở nhà cũng hỏi qua về điều kiện, tỏ ý lo lắng nhưng thấy tôi kiên quyết thì đồng ý ghép đôi.
Ba mẹ Hoan nói với tôi hai bác cũng ủng hộ nhưng gia đình bác chỉ có công chứ không có tiền làm đám cưới. Tôi làm sao dám thưa chuyện đó với ba mẹ mình. Ngay tuần sau, tôi một mình lên Agribank, xin được đáo nợ cũ lên hai mươi triệu để cầm về hơn mười triệu đưa ba mẹ anh lo đám cưới.
Đám cưới tưng từng rộn rã. Đêm tân hôn, vợ chồng trẻ ngủ tạm chiếc chiếu dưới đất. Thực tại phũ phàng như cái tát cho những ý nghĩ bay bổng trước đó.
Hôm sau, cộng trừ nhân chia, sau khi thanh toán các khoản nợ nần cho đám cưới, chúng tôi chỉ còn đủ tiền mua cái nệm rẻ bỏ dưới đất và cho em trai anh vài trăm xuống phố học.
"Người ta cưới xong đếm tiền, mình ngồi đếm nợ" Hoan nói bằng vẻ buồn rầu. Tôi động viên anh, cũng là động viên chính tôi:
"Chúng ta sẽ là đôi vợ chồng nghèo nhưng hạnh phúc nhất thế gian".
Một thời gian sau tôi có thai, sinh con. Mỗi lần đi dạy về, thấy con trai bò lê bò càng dưới nền đất, mình mẩy nhuốm bùn vì vừa chơi vừa tè, đau lòng không tả xiết. Hạnh phúc nghèo nàn là hạnh phúc mong manh. Khó quá, một mái nhà tranh để hạnh phúc chỉ còn là lời hát.
Tôi lại tìm đến Agribank. Lại xin được đảo nợ cũ và xin vay sổ đỏ. Người phụ trách hướng dẫn về nhà tách thửa cầm sổ đỏ lên ngân hàng giải quyết.
Xe đạp thành xe máy. Nhà tranh đổi nhà ngói. Chúng tôi là khuôn mẫu hạnh phúc. Vợ đi dạy, chồng làm cán bộ văn hóa xã. Vợ chồng trẻ, từ hai bàn tay trắng nay có nhà, có xe. Ngoài vay, tôi còn phải làm việc như điên. Tin không, đi dạy mà vẫn nuôi bò, nấu rượu. Đùng đùng mang cuốc, vác rựa lên rẫy như một bà nông dân. Tối mặt tối mũi, dè sẻn từng đồng chứ dễ gì có được cơ ngơi ấy. Người ta khen giỏi, tôi bảo ứng trước của ngân hàng nên giờ phải cày trả. Có người bảo tôi to gan, ngân hàng trừ hết lấy gì mà ăn. Nhưng tôi, về cơ bản vẫn muốn tự đứng trên đôi chân của mình. Nếu phải mượn người thân, bạn bè để gây dựng thì tôi thà đi “mượn” ngân hàng. Có vay có trả, nghề đời nó vậy. Tôi phải cảm ơn ngân hàng vì khi chưa có được phần dôi dư cần thiết thì tôi cũng lo được cho mái ấm của mình những tiện nghi tối thiểu.
Đổ vỡ
Cuộc đời vô thường hay trò đùa vĩ đại của số phận – hiểu sao cũng được. Chỉ cần gặp khúc cua, con đường sẽ rẽ. Câu này đúng với tôi cả nghĩa đen lẫn bóng. Hôm đó chồng đang nhậu nhưng tôi điện về chở xuống bệnh viện thăm ông bác phía chồng bị tai nạn. Say mà cầm lái, qua cua tự té, kết quả tôi sém gặp tử thần.
Khủng hoảng lộ diện từ hồi tôi còn hôn mê trong bệnh viện. Trầm trọng hơn khi được/bị trả về trong tình trạng hỏng một con mắt, một cánh tay. Chồng rêu rao vợ chấn thương sọ não nên ương ương dở dở rồi công khai ăn nằm với người đàn bà khác. Đi vui vẻ, về nhà chì chiết. Vợ đang bệnh mà như cái gai trong mắt, cái xương trong thịt. Đau đớn thiếu nước nhảy lầu.
Bỏ qua tự trọng đàn bà, tôi quỳ xuống níu chân "Anh sao cũng được nhưng đừng ly hôn!". "Muộn rồi!", chồng hét. Không phải giống cái tát mà giống bị nhổ nước bọt vào mặt hơn. Mệt lả và cô đơn. Tôi nguyền rủa cái ngày tô son điểm phấn về... ngôi nhà tranh độc nhất xứ núi. Tôi đã sống như góa phụ trong chính ngôi nhà của mình một thời gian, sau đó chính thức đường ai nấy đi.
Thu dọn những thứ tồi tàn, quẹt nước mắt, xách con về lại quê nhà.
Chàng trai đến từ ngân hàng
Nhà ba mẹ chật chội, ẩm thấp. Đêm ngủ, giật mình thon thót vì chuột bò qua tóc. Tôi lạnh người, ngồi bật dậy như cái lò xo, khóc sụt sùi. Thương mình ít, thương ba mẹ nhiều. Cả đời, không có được ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ.
Không còn lựa chọn khác, tôi lại tìm đến Agribank. Tôi tin sẽ tìm được sự chia sẻ ít nhiều ở đó, trước giờ tôi vẫn tâm niệm, đây là ngân hàng của người nghèo.
Tiếp tôi, một chàng không già, không trẻ. Nhìn anh rất khó đoán tuổi, vẻ thản nhiên điềm tĩnh lộ trên khuôn mặt tràn trề khí chất. Sau khi nghe tôi nói về nguyện vọng vay tiền, anh trả lời, cô được thấu chi mười tháng lương, chúng tôi không làm hơn được, muốn vay thêm khoản vay tiêu dùng, cũng được nhưng e rất khó vì lương 6,6 triệu là số thu nhập không cao.
Anh làm đúng nguyên tắc công việc nhưng tôi buồn nhiều, chính xác là sự kì vọng đã hụt hẫng. Về tới nhà, nhìn cảnh nhà lại muốn khóc, tôi buồn tới mức suy sụp. Giận mình trước giờ vô tâm, là đứa con duy nhất có lương nhưng khi làm ra tiền lại bỏ quên cha mẹ. Tiền đâu để sang sửa nhà cửa, mà để vậy rất căng. Hai vợ chồng già thì được chứ thêm mẹ con tôi về sống chui rúc như chuột khổ quá.
Một đồng nghiệp thân bảo tôi nên trình bày thật hoàn cảnh của mình với ngân hàng. Hy vọng được thông cảm. Tôi đi vay chứ không phải đi mượn, không được thì thôi, rên là hèn, năn nỉ là nhục. Đừng hòng bắt tôi phải hạ giá, cuộc đời dù bầm dập thì tôi vẫn muốn giữ cho mình chút kiêu hãnh cuối cùng. Thật lầm lạc. Đó là cách để vớt vác sĩ diện sau những thua buồn chất ngất ư? Đồ khùng! Con bạn thân rủa xả vào mặt. Nó bảo chàng trai bên ngân hàng đó tên Phong, nó từng đối thoại rồi, ảnh thuộc mẫu dễ thông cảm. Rồi nó ra lệnh, thu xếp đi, nó sẽ là người trực tiếp chở tôi đến ngân hàng lần nữa.
Lần này tôi đủ bình tĩnh để trình bày nguyện vọng và nói rành mạch những khó khăn tài chính.
"Nếu cô giáo đã khó khăn như vậy mà vay thêm nữa sẽ là điều khó càng thêm khó".
Tôi nghĩ mình lại bị từ chối, đôi mắt nhanh chóng rớt lệ. Chàng trai ngân hàng nhìn tôi khóc, chắc đã chạm đến lòng trắc ẩn nên cũng thinh lặng, ánh nhìn tỏ rõ hàm ý thông cảm sâu xa. Gương mặt đang lặng lẽ bỗng sáng lên, Phong gõ mạnh vào đầu rồi vui mừng nói:
"Ngân hàng hiện có chương trình cho vay ưu đãi đối với những giáo viên đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu theo gói vay này thì lãi suất sẽ thấp. Cô sẽ không bị áp lực nhiều về lãi ngân hàng", nói rồi, Phong đưa tôi bộ hồ sơ, bảo tôi về hoàn thành rồi đem lên sớm.
Sau khi nhận hai mươi triệu tiền vay kiểu chính sách, tôi cười như mếu. Phong quan tâm hỏi:
"Cô giáo có vẻ buồn hơn?"
"Vì lỡ cỡ quá, bao nhiêu đây e là không đủ".
"Khéo vun vén sẽ đủ. Nếu muốn thêm, cô giáo có thể đem sổ đỏ của bố mẹ đến để vay tiếp, bố cô sẽ đứng tên thừa kế số nợ vì ông đã hết tuổi vay tiền. Nhưng với đồng lương của mình, liệu cô có thể vừa lo con ăn học, lo cha yếu mẹ già và trả lãi ngân hàng mà không bị áp lực?", Phong khuyên tôi nên thu vén trong số tiền đó. Biết đủ sẽ đủ. Đây là một tiểu tiết không thể làm lơ. Đành rằng, Agribank cũng sợ tôi không đủ khả năng thanh toán nợ nhưng rõ ràng tôi lương giáo viên biên chế, họ cứ tới tháng trừ lãi thôi, cán đã bị nắm thì tôi có chạy đằng giời. Nhưng Phong vẫn khuyên tôi đừng vay thêm. Tôi nhìn thấy trong mắt anh sự chia sẻ chân thành, điều đó làm tôi cảm động. Hay tại bộ dạng như cái khăn giấy trên bàn bị vò nát sau bữa ăn của tôi đã gợi được lòng trắc ẩn từ anh? Sao cũng được, tôi vẫn cảm ơn sự chia sẻ đó.
Cầm số tiền ít ỏi, tôi đi tư vấn một vài người quen, họ bảo rất khó. Tại chỗ đất ở ngày xưa là đất ruộng có bùn, ba mẹ làm ngôi nhà tạm để ở thì được chứ tôi muốn kiên cố một chút phải gia công nhiều ở phần móng, sẽ tốn một khoản không hề nhỏ trong khi vật liệu, công thợ, mọi thứ đều lên giá. Rối reng, chưa bao giờ tôi hận bản thân như lúc này. Bất lực. Tôi khóc tức tưởi, khóc thành tiếng, khóc to, khóc cho tuôn trào hết những uất ức, những tồi tàn của quá khứ đắng cay.
Có điện thoại, tôi từ chối không nghe. Lại đổ chuông, trong làn nước, tôi nhìn thấy cái tên Phong Agibank. Vẫn không nghe. Chuông lại đổ, tôi cầm điện thoại lên, miễn cưỡng nhấn nút nghe. Đầu dây bên kia, Phong nói bằng giọng vui mừng:
"Đoàn thanh niên của Agribank tại địa phương có chương trình xóa nhà tạm cho những hộ khó khăn. Xét thấy hoàn cảnh của bố mẹ cô giáo, tôi đã đề xuất với cấp trên, ưu tiên cho ba mẹ cô một suất. Không quá nhiều nhưng tôi gọi điện báo tin, với hy vọng trang trải được ít nhiều khó khăn cho cô. Tôi nghĩ, với số tiền cô vay được, cộng thêm sự hỗ trợ bên chúng tôi, chắc gia đình cô cũng có được một nơi chui ra chui vào cao ráo, sạch sẽ như cô mong ước".
Trời ơi, tôi vui mừng thiếu nước nhảy cẫng. Mười triệu mà ít gì. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tôi cảm ơn ríu rít.
Một căn nhà nhỏ dễ thương được kiến thiết. Trong đôi mắt già nua của bố mẹ lộ rõ niềm vui. Tôi cảm thấy được an ủi nhiều.
Ngay sau đó, tôi nhận được phần quà lớn từ chương trình quay số trúng thưởng của ngân hàng sau khi làm quyển sổ tiết kiệm, gửi số tiền chồng cũ bán nhà chia.
Phúc đã trùng lai, lần này tôi lại khóc – những giọt nước mắt này cũng mặn nhưng vị rất dễ chịu. Tôi không lau, cứ để nó lăn từ từ, tôi muốn được chậm rãi thưởng thức những giọt nước mắt hạnh phúc hiếm hoi. Phong gọi điện, hẹn cà phê chúc mừng. Tôi gật đầu đồng ý, nghe nơi lồng ngực có chút rộn ràng.
Tôi nghĩ, đời ai rồi cũng có những bi kịch đẫm máu hay những hào quang dù chỉ là phút chốc để kể. Nhưng ngẫm lại, từ đầu đến giờ, tôi thực sự không hình dung được, đời mình rồi sẽ thế nào nếu thiếu Agribank!.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |