Công việc “giàu cảm xúc”…

Văn hóa - Ngày đăng : 10:55, 19/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhắc đến ngành ngân hàng, mọi người thường nói “giàu lương”, “giàu thưởng” nhưng nghề ngân hàng cũng thật “giàu cảm xúc”. Những cảm xúc mà cán bộ phải yêu ngành, yêu nghề lắm mới cảm nhận được. Những tâm sự của một người trong nghề dưới đây là một ví dụ. Bạn hãy đọc, hãy lắng nghe, hãy cảm nhận và hãy cùng cảm thông nhé!

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Văn Thọ, công tác tại trụ sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

 

Tôi viết những dòng này sau khi ngồi với một người bạn đang công tác trong mảng xử lý, thu hồi nợ. Con gái đầu lòng mới đầy năm, trong khi anh đã công tác xa nhà cả mấy tháng nay. Bên cạnh những trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ là những câu chuyện về cuộc sống gia đình. Những câu chuyện đó đã làm thay đổi cái nhìn của tôi về công việc xử lý nợ cũng như về những cán bộ ngân hàng công tác trong mảng xử lý, thu hồi nợ.

Nhắc tới công việc xử lý thu hồi nợ, mọi người thường nghĩ tới những người có những đặc điểm nghề nghiệp với khuôn mặt lạnh lùng hay cá tính mạnh mẽ… Tuy nhiên, hôm nay muốn đề cập tới một khía cạnh khác của công việc xử lý, thu hồi nợ ở một khía cạnh khác, một công việc đáng trân trọng và giàu cảm xúc…

Cảm xúc đến từ khách hàng

Không giống như cho vay, cán bộ xử lý thu hồi nợ cũng gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với nhiều khách hàng nhưng nếu như khi cho vay, khách hàng – những người khi xin vay vốn đang ấp ủ những kế hoạch, dự định, những phương án kinh doanh khả thi với tinh thần đầy nhiệt huyết thì những khách hàng khi để xảy ra nợ xấu, vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau, không còn khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, với tâm trạng chán nản, tiếc nuối. Họ tiếc nuối cho thời kỳ vàng son, tiếc nuối cho thương hiệu, tài sản đã tốn nhiều công sức gây dựng qua nhiều năm.

Bên cạnh những nội dung làm việc về xử lý nợ, những tâm sự, những chia sẻ, những giọt nước mắt đầy tiếc nuối của khách hàng mang lại cho cán bộ ngân hàng nhiều cảm xúc. Đó là sự đồng cảm với người chủ doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ phá sản, mất trắng mọi thứ; đó là sự tức giận khi khách hàng không hợp tác, thách thức ngân hàng trong xử lý thu hồi nợ; đó là sự thất vọng mỗi lần khách hàng không tới làm việc như lịch hẹn hay kết quả xử lý không có kết quả…

Sự tiếc nuối này dẫn đến sự thiếu thiện chí hợp tác với ngân hàng khi làm việc về vấn đề xử lý tài sản để thu hồi nợ. Thời gian và hiệu quả xử lý nợ của ngân hàng phần lớn cũng xuất phát từ sự thiện chí hợp tác của khách hàng. Để rồi, từ chỗ là đối tác hợp tác trong kinh doanh, dẫn đến là nguyên đơn, bị đơn gặp nhau để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cảm xúc đến từ bên thứ ba dùng tài sản bảo đảm cho khoản vay

Trong công tác xử lý thu hồi nợ, đối với những khách nợ không còn khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngân hàng sẽ phải thực hiện phát mãi, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba bảo đảm cho khoản vay bao giờ cũng mang lại nhiều cảm xúc, những cảm xúc khó có thể đặt tên.

Anh bạn tôi kể, có lần anh cùng cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục kê biên một tài sản là căn nhà của mẹ thế chấp bảo đảm cho khoản vay cá nhân của con trai. Do kinh doanh thua lỗ, người con trai không phối hợp với ngân hàng xử lý nợ, bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi ngân hàng buộc phải thưa kiện ra Tòa, cơ quan thi hành án thực hiện các thủ tục kê biên tài sản là ngôi nhà đứng tên người mẹ để xử lý, thu hồi nợ cho ngân hàng. Ngôi nhà chỉ có người mẹ đang ở và là tài sản duy nhất của gia đình.

Trong khi cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục kê biên, người mẹ khóc lóc, van xin cơ quan chức năng dừng xử lý tài sản, vì nếu không còn căn nhà này bà không còn biết ở đâu và cũng không còn chỗ để thờ phụng bố mẹ và người chồng quá cố…

Bạn tôi kể chứng kiến cảnh đó anh ra ngoài hút vài điếu thuốc để tĩnh tâm do không kìm nén được cảm xúc của mình…

Ngân hàng kê biên được tài sản để xử lý thu hồi nợ, đáng lẽ anh phải vui mới phải nhưng anh nói hôm đó anh thấy rất buồn, vì anh nghĩ đến người mẹ già đã thế chấp tài sản duy nhất là ngôi nhà đang ở giúp con vay vốn ngân hàng để kinh doanh…

Cảm xúc đến từ gia đình

Bạn tôi mới cưới vợ, do đặc thù công việc nên anh hay phải đi công tác xa nhà, thời gian ngắn thì một tuần, thời gian dài nhất thì vài tháng. Anh kể, suốt 9 tháng 10 ngày vợ anh bầu bí thì thời gian anh ở bên chăm sóc vợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhấp ngụm cà phê, rồi đưa mắt nhìn xa xăm. Anh nói vợ anh lấy anh vất vả hơn người khác, anh thương vợ những lúc bầu bí ở nhà một mình chăm sóc bố mẹ chồng, những lúc một mình ở nhà chăm con nhỏ.

Anh nói muốn giúp vợ, muốn ở bên cạnh giúp vợ chăm sóc bố mẹ, chăm sóc con nhở nhưng đặc thù công việc nên không thể sắp xếp bố trí thời gian được, những khi công tác xa anh thấy nhớ nhà và nhớ con da diết…

Rít một hơi thuốc dài, anh nói: “Đặc thù công việc nên thế, các đơn vị kinh doanh khó khăn, vất vả lắm, mình không giúp anh em cán bộ lúc này thì giúp lúc nào nữa. Cũng may là vợ mình hiểu và thông cảm cho công việc của mình, chỉ thương cô ấy vất vả quá…”.

Cần những người có năng lực và biết kiểm soát cảm xúc

Xử lý, thu hồi nợ là công việc yêu cầu cán bộ phải có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn. Cán bộ công tác trong mảng xử lý, thu hồi nợ của ngân hàng phải có kiến thức tổng hợp, từ kinh nghiệm về tín dụng đến kiến thức về pháp luật cũng như khả năng giao tiếp và đặc biệt đây là công việc không giành cho người giàu lòng trắc ẩn.

Xử lý nợ phải biết kiểm soát cảm xúc, không được để cảm xúc ảnh hưởng đến kết quả làm việc, kết quả xử lý nợ đối với khách hàng nợ xấu.

Tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng sử dụng tiền gửi của cá nhân, của tổ chức để cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, ngân hàng phải thu hồi vốn vay để thực hiện trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức tin tưởng đã gửi tiền.

Mỗi cán bộ xử lý nợ cần biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, làm việc có trách nhiệm với ngân hàng và với cả khách hàng đã gửi tiền cho ngân hàng.

Xử lý, thu hồi nợ là một công việc như bao công việc khác, những cán bộ xử lý nợ trong ngân hàng xứng đáng nhận được sự trân trọng bởi những khó khăn, vất vả của công việc này. Xin dành tặng những ai là cán bộ ngân hàng công tác trong mảng xử lý thu hồi nợ một câu trong bài hát “Một rừng cây, một đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu? Phải đâu trong đục cũng đành. Phải không em, phải không anh…”.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Nguyễn Văn Thọ