Những kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác tại Vụ Tài chính – Kế toán, NHNN Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 11:14, 19/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tôi yêu NHNN không phải chỉ bởi NHNN cho tôi một công việc mà nhiều hơn thế, NHNN đã cho tôi những cảm xúc không dễ gì có được.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Ngô Thị Ánh Nguyệt, công tác tại Vụ Tài chính – Kế toán, NHNN.

 

Tôi có thời gian công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tính đến nay đã 13 năm, đó là quãng thời gian không ngắn và cũng không dài trong cuộc đời của một cán bộ nhà nước. 13 năm qua, trong tôi có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có. Đó là những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng nghiệp; kỷ niệm về các sự kiện trọng đại của ngành, của đơn vị; kỷ niệm khi có người bạn đời cũng là cán bộ NHNN.

Mỗi kỷ niệm là mỗi mảnh ghép đáng trân quý trong cuộc đời tôi và trong đó, những kỷ niệm khi xử lý công việc hàng ngày tại Vụ Tài chính - Kế toán, NHNN là những kỷ niệm rất đẹp và sâu sắc đối với tôi.

Vụ Tài chính - Kế toán là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, có chức năng tham mưu giúp Thống đốc NHNN thực hiện công tác tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng công trình của NHNN; quản lý nhà nước về kế toán, đầu tư xây dựng của ngành Ngân hàng và tham mưu Ban lãnh đạo NHNN thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng.

Với khối lượng công việc nhiều, đa dạng và phức tạp nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể cán bộ công chức Vụ Tài chính - Kế toán đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp chung vào thành tích của NHNN Việt Nam. Đặc biệt, ấn tượng nhất trong tôi là các đồng nghiệp ở Vụ Tài chính - Kế toán đều có một tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp và hăng say. Chính vì lẽ đó, tôi đã thực sự bị sức hút của công việc và lĩnh hội được rất nhiều thứ khi công tác tại Vụ: Sự đam mê, kinh nghiệm, sự thân thiện của đồng nghiệp.

Các hoạt động phong trào tại Vụ Tài chính - Kế toán cũng rất thiết thực, lôi cuốn những người trẻ như tôi, đó là những kỷ niệm thật sự ấm áp, ấn tượng và cảm động bởi tình cảm của mọi người dành cho nhau.

Và xúc động khi được tham gia những hoạt động từ thiện như: Ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại trong cơn bão lũ hay những chuyến từ thiện cho các em ở trại trẻ mồ côi, các cụ già không nơi nương tựa ở trại dưỡng lão… nhìn ai đó hạnh phúc khi được nhận những món quà nhỏ bé nhưng chan chứa tình cảm từ mình thì trong những khoảnh khắc ấy tôi càng cảm nhận cuộc sống này đối với mình có nhiều ý nghĩa.

Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ về tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng công trình và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Vụ Tài chính - Kế toán còn được Thống đốc NHNN giao nghiên cứu, xử lý đơn thư về tiền gửi tiết kiệm của công dân trước khi có pháp lệnh và 2 Luật Ngân hàng.

Trong suốt 70 năm qua, Vụ Tài chính - Kế toán đã nghiên cứu, xử lý kịp thời, đầy đủ khoảng 1.000 đơn thư về tiền gửi tiết kiệm, tiền vàng tạm gửi, tạm giữ, tiền gửi ngân hàng chế độ cũ, biên lai trên mức thu đổi… trong đó việc xử lý chi trả tiền gửi tiết kiệm của bộ đội trước khi đi chiến trường B đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi.

Hình ảnh thẻ tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi chiến trường vào những năm 1960

Năm 1992, để ghi nhận công lao của cán bộ, chiến sỹ đi chiến trường B, NHNN (do Vụ Tài chính - Kế toán tham mưu) và Bộ Quốc phòng đã có tờ trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chi trả tiền gửi tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi chiến trường được đảm bảo bằng thóc/gạo tại Văn bản số 1305/PPLT ngày 07/12/1992 của Văn phòng Chính phủ (khác với tiền gửi tiết kiệm của công dân thông thường được chi trả đầy đủ cả gốc và lãi, trong đó khoản lãi sẽ được tính toán theo số dư nợ gốc và lãi suất cụ thể do Ngân hàng quy định trong từng thời kỳ).

Việc chi trả này tiếp tục được thực hiện cho đến nay theo ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính tại Công văn số 19-TC/TCNH ngày 23/1/1999. Đây không chỉ đơn thuần là một công việc cần phải thực hiện đó còn là sự tri ân đối với những người có công với cách mạng đã hi sinh xương máu vì sự yên bình và hạnh phúc của đất nước ngày hôm nay.

Khi nhìn kỷ vật của các liệt sỹ, các chiến sỹ trong thời kỳ kháng chiến như: Sơ yếu lý lịch; Quyết định đi B; Giấy chuyển đi; Các giấy tờ sinh hoạt Đảng; Bản sao Chứng minh thư, Huân chương; Kỷ niệm chương; Bằng khen;.. trong tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả đó là lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc khi biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong đó có những người con thân yêu của miền Nam và miền Bắc đã hăng hái lên đường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Họ đã cống hiến hết tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời, ra đi không tiếc máu xương để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Rất nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trận và mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, để chúng ta hôm nay được hưởng giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình và hạnh phúc.

Đất nước được rạng rỡ như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của các anh. Tôi luôn nhớ từng cái tên, từng địa chỉ của những người con đã hi sinh vì đất nước như liệt sỹ Lê Ân, liệt sỹ Nguyễn Xân ở Quãng Ngãi, liệt sỹ Đinh Xuân Đôn ở Quảng Bình, liệt sỹ Lương Văn Sáu ở Bình Định… Những con người ấy đã làm nên lịch sử của Việt Nam và chúng tôi những cán bộ Ngân hàng Trung ương đã góp một phần nhỏ bé để đền đáp những công lao to lớn đối với những con người đã làm lên lịch sử.

Hôm nay khi ngồi viết lại những cảm xúc của mình khi được làm việc tại Vụ Tài chính – Kế toán, NHNN, nhất là việc xử lý chi trả tiền gửi tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi B, những cảm xúc lại ùa về trong tôi. Tôi thầm cảm ơn tất cả, cảm ơn gia đình, cảm ơn đồng chí, đồng nghiệp.... những người mang đến cho tôi cảm nhận tình yêu trong cuộc sống này.

Tôi yêu NHNN không phải chỉ bởi NHNN cho tôi một công việc mà nhiều hơn thế, NHNN đã cho tôi những cảm xúc không dễ gì có được. Tôi biết rằng, 70 năm thành lập NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung là một chặng đường lịch sử dài, có những người cống hiến cho sự nghiệp ngân hàng đã không còn trên cõi đời, có những người đã sống trọn đời cùng với tuổi của ngân hàng, có người nhiều tuổi, người ít tuổi gắn bó với ngân hàng.

Rồi mai đây sẽ có nhiều người mới đến, sẽ lại được tuyển dụng vào làm việc và chúng tôi sẽ ngày càng trưởng thành dưới vòng tay của một người mẹ chung đó là NHNN. Ngay từ giây phút được tuyển dụng, tôi đã tự hứa với bản thân mình sẽ là một đứa con trung thành của NHNN và nguyện góp phần xây dựng NHNN ngày càng lớn mạnh.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Ngô Thị Ánh Nguyệt