Sacombank – Nơi tôi luyện đam mê và thắp lửa thành công
Văn hóa - Ngày đăng : 17:28, 20/04/2021
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Thiện Nhân, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
|
Nhắc đến Sacombank, người ta sẽ nghĩ đến điều gì nhỉ? Là cuộc sáp nhập lịch sử? Mạng lưới điểm giao dịch khổng lồ? Kết quả xử lý nợ ấn tượng hay là tính tuân thủ kỷ luật đến mức nghiêm ngặt?.
Nói đùa chứ, các bạn nhân sự trẻ trẻ bây giờ, vẫn hay ví Sacombank như bà cô bên chồng khó tính. Tất tần tật mọi thứ ở Sacombank đều phải chỉn chu, từ trang phục, bàn làm việc cho đến cách thành lập hồ sơ, dự án… ngay cả tư thế chào hỏi, giao nhận giấy tờ với khách hàng cũng có chuẩn mực để làm theo.
Chà… đúng là “khó tính” thật đấy nhỉ. Nhưng biết làm sao bây giờ, cái tính kỷ luật đó là thứ mà tôi yêu nhất ở mái nhà này, thứ trui rèn nên thành công của tôi và là thứ đã đưa chúng tôi – tập thể cán bộ nhân viên ngân hàng kinh qua bao sóng gió để vững bền tới bây giờ.
Tôi xin phép được giấu tên mình trong bài viết này, vì những gì tôi muốn là thông qua chương trình, có thể chung tay truyền cảm hứng làm việc, khao khát vươn lên và theo đuổi đam mê nghề nghiệp cho mọi người.
Tôi đến Sacombank khi trong tay đã có một ít kinh nghiệm và được mời đảm nhận vị trí quản lý. Tuy nhiên, tôi đã từ chối và chỉ xin đảm nhận vị trí giao dịch viên bình thường. Bởi, tôi luôn tâm niệm: “Muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ những bước nhỏ, muốn điều hành một tập thể nhất định phải thấu hiểu nội tại và cơ chế vận hành của tập thể đó”.
Tôi muốn hiểu Sacombank trước, muốn biết hoạt động của ngân hàng, cách Sacombank tiếp cận thị trường và tạo ra nguồn thu. Chức danh giao dịch viên nghe có vẻ nhỏ bé nhưng đây lại là nơi quyết định hình ảnh ngân hàng trong mắt khách hàng và là một trong những kênh trực tiếp tạo ra lợi nhuận.
Các bạn hẳn đều biết công việc của một giao dịch viên là như thế nào rồi nhỉ. Nói đơn giản thì là gói gọn trong từ “tất bật”. Sáng tất bật tới ngân hàng, lắm khi làm quên cả ăn. Chiều tất bật kiểm kê, vừa hoàn tất nhìn ra đã thấy phố lên đèn. Bận rộn và áp lực như thế nên thú thật, thời gian ấy, những nguyên tắc làm việc của ngân hàng khiến tôi khó chịu vô cùng. Nhất là những khi tôi đang quay cuồng với núi công việc mà bên tai cứ văng vẳng “tập hồ sơ để bên này cho dễ phân loại”, “tóc bị rớt kìa búi lên đi em” hay “màn hình máy tính hơi bừa nhé”.
May sao, giữa bộn bề như thế mà tôi chưa có ý định bỏ cuộc bao giờ. Có lẽ là do trời sinh bản tính tôi ngoan cường, chẳng phải chính tôi muốn làm công việc này để thấu hiểu Sacombank hơn à?
Nghĩ thế nên tôi bắt đầu phân tích các quy trình, hồ sơ và cuối cùng, tôi ngộ ra rằng, những thứ tôi cho là nguyên tắc kỷ luật khô khan thực ra là cách để sắp xếp công việc tốt nhất. Hồ sơ phân loại từ đầu sẽ đỡ nhọc công tìm kiếm, màn hình sắp xếp ngăn nắp sẽ hạn chế sai sót nhập liệu. Ngay cả việc búi tóc cho gọn, mặt mũi tươi tắn khi giao tiếp với khách cũng là cách để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của ngân hàng.
Kỷ luật không phải tự nhiên sinh ra, chúng là kết quả của những nghiên cứu, là kinh nghiệm đúc kết của người đi trước, đồng thời là thứ thống nhất các phòng ban vào chung một hệ thống hoạt động nhất quán. Nếu tôi làm tốt, những người có mối liên hệ công việc với tôi cũng làm tốt. Ngược lại, nếu tôi có gì sơ suất, cả một hệ thống sẽ bị ảnh hưởng, đôi khi là những ảnh hưởng không hề nhỏ. Khi ý thức được việc đó, tôi trở nên cẩn thận và chu đáo với công việc của mình hơn.
Nói thì lúc nào cũng dễ nhưng tại thời điểm đấy, lắm lúc tôi chóng hết cả mặt khi phải vừa đảm bảo tốc độ xử lý yêu cầu của khách hàng vừa cố gắng theo đúng mọi quy trình dù là nhỏ nhất. May mắn là những lúc khó khăn, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên của mình. Kể cả khi sau này, tôi có dịp trải nghiệm ở các vị trí cao hơn, tôi vẫn có những cộng sự mẫn cán, những bàn tay dẫn dắt tài hoa và nhạy bén. Họ lắng nghe tôi, chia sẻ kinh nghiệm cùng tôi, đồng hành với tôi trong việc thực hiện những ý tưởng đổi mới và đôi khi là động viên tôi bứt phá trên những hành trình xa hơn.
Cần gì phải nói xa xôi, tôi nhớ có năm tôi được điều về một chi nhánh làm việc. Tôi và vị giám đốc chi nhánh đó đã có những mẫu thuẫn nhất định trong quản lý điều hành. Dù ở vị trí thấp hơn nhưng chiếu theo các nguyên tắc làm việc minh bạch, công khai của ngân hàng, tôi biết mình đúng. Ngay khi tôi tưởng mình sẽ đơn phương xử lý sự vụ thì nhân viên của tôi, đồng nghiệp cùng cấp và đặc biệt là những lãnh đạo từ Hội sở đã sát cánh bên tôi, cùng tôi xem xét vấn đề và tiếp thêm niềm tin để tôi mạnh mẽ bảo vệ chính kiến cúa mình.
Hay giai đoạn ngân hàng đang phải đối mặt với sóng gió trên hành trình phát triển, một lần nữa tôi lại được sát cánh cùng những con người giàu nhiệt huyết. Chúng tôi từng thức trắng đêm để cùng nhau phân tích tình hình, từng rong ruổi trên những chuyến đi Nam Bắc để tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh, từng cùng nhau ăn mì tôm trong phòng họp khi phải gấp rút hoạch định các chiến lược tương lai. Tôi thực sự trân quý những tình cảm này và đến tận bây giờ, tôi vẫn còn giữ những mối quan hệ sâu sắc đó.
Trở lại một chút với câu chuyện về cô giao dịch viên bé nhỏ là tôi lúc đấy nhé, có thể nói việc tôi hoàn thành xuất sắc công việc và đúc rút những bài học quý giá giai đoạn đó đã trở thành nền tảng cho sự phát triển không ngừng của mình. Nhưng dù ở vị trí nào, tôi cũng vẫn giữ một nguyên tắc làm việc: Thực hành kỷ luật ở mức độ cao nhất và luôn đồng hành cùng cán bộ nhân viên, luôn hỗ trợ đồng đội của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sacombank chúng tôi, sóng gió kinh qua cũng nhiều. Nếu không phải nhờ hệ thống các nguyên tắc hoạt động – mà nay đã trở thành cái khung của văn hóa doanh nghiệp, nếu không phải nhờ sự đoàn kết đồng lòng, trước sau như một, làm sao chúng tôi có thể huy động toàn bộ sức mạnh nội tại chỉ trong thời gian ngắn, làm sao chúng tôi có thể đạp sóng, rẽ gió để đi đến thành quả của hôm nay.
Đôi khi ngẫm lại, nếu ngày xưa tôi không vào Sacombank và cũng không có cơ hội được rèn luyện trong môi trường “khó tính” này, chắc gì tôi đã là tôi bây giờ. Người ta hay nói “Những người yêu nhau rồi cũng sẽ về bên nhau”, tôi với Sacombank hẳn đã gắn bó với nhau bằng một mối lương duyên của số mệnh.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi gắm đến các bạn trẻ rằng, ước mơ chỉ có thể trở thành hiện thực nếu bạn dám đương đầu và dám trui rèn mình qua những thử thách. Làm sao bạn biết bình minh đẹp đến nhường nào nếu không kiên quyết vùng ra khỏi sự cám dỗ của chăn ấm nệm êm, phải không?.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |