Mẹ và tấm vé số trước cổng ngân hàng
Văn hóa - Ngày đăng : 10:05, 21/04/2021
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Minh Châu, tỉnh Ninh Thuận.
Đó là những ngày cận kề Tết mà mẹ và gia đình tôi không thể nào quên.
Mẹ tôi làm ngân hàng? Là thế nhưng không hẳn là thế. Bởi mẹ tôi chỉ là người thu lãi suất hàng tháng cho Ngân hàng Chính Sách Xã Hội tại địa phương. Tôi cũng không biết cơ duyên nào công việc ấy lại đến được với mẹ tôi?.
Ngày 28 Tết hai năm trước, một cụ già cuối xóm ghé đến nhà tôi. Ngập ngừng trước cổng mãi, cụ mới dám đặt chân vào.
“Lan ơi! Lan ơi! Có ở nhà không?”
Nghe tiếng người í ới ngoài cửa, tôi nói lớn: “Dạ có, đợi mẹ con một chút” rồi ùa ra phía cổng. Tôi dẫn cụ vào bên trong.
“Dạ, thím Cầu tìm con?” – Mẹ tôi hỏi khi vừa từ phía nhà bếp tiến lên phòng khách. Cụ nhìn mẹ tôi hồi lâu, ấp úng rồi nói:
“Thím, … thím, … thím muốn vay chút tiền, con làm giấy tờ giúp thím được không?”
Trên mặt bàn, cuốn sổ hộ nghèo được cụ đặt năm yên, ngay ngắn.
Mẹ tôi mỉm cười rồi bảo.
“Cận Tết, ngân hàng không làm việc, phải qua Tết mới làm lại thím ơi!”
Cụ xìu nét mặt. Những vết nhăn nheo trên khuôn mặt co lại, có lẽ cụ đang lo lắng.
“Mà thím mới thanh toán khoản nợ trước với ngân hàng xong, sao bây giờ lại muốn vay gấp thế?”
Cụ buồn rầu nói:
“Thằng con của thím bị tai nạn, chạy vạy đủ nơi nhưng vẫn không đủ!”
Cả nhà tôi nhìn cụ, không biết phải làm sao! Cụ ngập ngừng rồi nói tiếp:
“Con cứ chở thím lên ngân hàng, có gì cụ sẽ xin người ta.”
Suy nghĩ của người già, hay người dân quê tôi vẫn còn đơn giản như thế. Họ cứ nghĩ vay vốn ngân hàng đơn giản như mượn qua mượn lại nơi tình làng nghĩa xóm. Mẹ tôi khuyên cụ mãi nhưng cụ vẫn không hiểu được vấn đề. Mẹ tôi đành chở cụ lên Ngân hàng Chính sách xã hội tại thị trấn. Đến nơi, cánh cổng ngân hàng đã đóng im lìm. Cơ quan nhà nước đã nghỉ Tết được vài hôm.
Nhìn cánh cổng đóng chặt, cụ nói với mẹ tôi: “Biết làm sao bây giờ!”.
Sau này nghe mẹ kể lại tôi mới biết, khi nghe câu nói của cụ, mẹ cảm thấy xót xa. Mẹ tôi vẫn thường như thế, dễ đọng lòng trước nỗi niềm của người khác. Sẵn tiện, trước cổng ngân hàng, mẹ an cụ bằng việc mua hai tờ vé số, mẹ nói với cụ: “Nhỡ may mai trúng con sẽ cho cụ số tiền ấy!”
Ngày hôm sau, tôi thấy mẹ thức dậy từ rất sớm rồi rời đi. Đến trưa, trong bữa cơm gia đình, mẹ nói với ba:
“Năm nay, anh chịu khó không mua thêm một chậu mai kiểng nữa, em đã ghé thăm con thím Cầu và gửi thím hai triệu. Em nói dối với thím, tờ vé số hôm qua trúng rồi”.
Những ngày đầu tháng, mẹ tôi thường lái xe đi khắp xóm, đến những hộ gia đình đã vay vốn của ngân hàng. Đến nơi, mẹ gửi phiếu cho người vay rồi thu lại khoản tiền lãi suất phải đóng mỗi tháng.
Đúng ngày 10, mẹ sẽ thanh toán các khoản thu cho ngân hàng. Nghe có vẻ dễ dàng, đơn giản, nhưng không phải vậy. Diện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,… họ phải tằn tiện, chi li, tích cóp mới có thể gửi số tiền lãi suất mỗi tháng cho mẹ tôi.
Tờ vé số và bà cụ trên không phải là câu chuyện duy nhất mà mẹ tôi từng trải qua khi làm công việc thu lãi suất cho ngân hàng.
Nhiều lần đi thu tiền trở về, mẹ buồn ra mặt. Mẹ bảo, sao nhiều gia đình còn khổ quá đỗi? Họ không thể đóng tiền, họ khất lại vài hôm nhưng mẹ lại không trách được họ, chỉ thấy thương họ thêm. Trừ những người quyết chí làm ăn, mấy ai giàu có mà phải đi vay vốn để trang trải cho cuộc sống. Những lần làm sổ sách cho người ta vay vốn, mẹ tôi không phụ thu đồng nào. Mẹ bảo, họ nghèo khổ mới vay, mình không có tiền giúp đỡ họ thì gửi họ cái nghĩa cái tình.
Ngân hàng cho người dân vay vốn cũng như bán một tờ vé số cho dân nhưng chắc chắn tấm vé ấy sẽ trúng thưởng. Cũng là những con số nhưng đó là hai dãy số khác nhau. Một bên chờ vào vận may, bên còn lại là biến con số ấy thành những con số khác. Điều quan trọng là người dân biết làm lợi từ khoản tiền mà ngân hàng trợ giúp.
Mẹ tôi kể, nhiều gia đình mua thêm trâu bò, phân bón cho nương đồng và đã vượt qua cái nghèo nhờ vào khoản vay này. Nhiều bạn sinh viên học tập thành công cũng nhờ sự trợ giúp của ngân hàng tại địa phương.
Phần mẹ tôi, đến bây giờ, mẹ vẫn làm công việc ấy và không biết sẽ làm đến khi nào. Tuy không được đào tạo từ những trường Đại học, cao đẳng chuyên ngành ngân hàng chính quy nhưng mẹ tôi đã quen dần với những con số, mẹ vẫn biết làm việc bằng lương tâm nghề nghiệp của một cán bộ ngân hàng.
Hi vọng, câu chuyện của mẹ tôi tuy nhỏ bé nhưng có thể là điều để người khác học tập.
Và người đầu tiên học hỏi chính là tôi. Cảm ơn mẹ vì bài học ý nghĩa về chữ tình.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |