Điều hành chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:47, 22/04/2021
Ngày 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2021 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.
Lãi suất cho vay giảm, thị trường tiền tệ và ngoại hối được duy trì ổn định
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các vụ, cục của NHNN đã thông tin một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2021, định hướng nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo.
Theo đó, trong những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Đ.K |
Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, công tác điều hành chính sách tiền tệ vừa qua cũng như trong 4 tháng đầu năm 2021 cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, trên nền tảng của kinh nghiệm năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. “Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong năm 2021”, Phó Thống đốc Thường trực nói.
Theo Phó Thống đốc Thường trực, ngành ngân hàng tiếp tục đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp, cho những lĩnh vực hồi phục nhanh cũng như những lĩnh vực cần ưu tiên. Đồng thời tiếp tục kiểm soát, đảm bảo ổn định, lành mạnh các TCTD trên cơ sở kết quả các đề án cơ cấu của những năm vừa qua. “Những ngân hàng nào tốt rồi, ổn định rồi thì nâng tầm lên ở tầm cao nữa, ổn định mở rộng, còn những ngân hàng nào chưa thực sự mạnh, chưa thực sự đáp ứng đúng mong muốn của đề án thì tiếp tục thực hiện ở những năm tới”, Phó Thống đốc nói thêm.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, trong quý I/2021, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.
NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay. Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. "NHNN cũng giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ so với cuối năm 2020", lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ.
Theo ông Hà, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 16/4/2021, tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Ảnh: Đ.K |
Doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 (Nghị quyết số 01), trong những tháng đầu năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Báo cáo của NHNN cho thấy, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là gần 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tạm tính đến cuối tháng 3/2021, dư nợ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trong, trong đó có tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.327.762 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 11,52%, chiếm 24,78%). Ước cuối tháng 4/2020, dư nợ lĩnh vực này khoảng 2.287.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực có dư nợ lớn nhất trong 5 lĩnh vực ưu tiên.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ĐK |
Tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán trong thời gian qua đã được NHNN tiếp tục hoàn thiện. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ (như 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án).
Đến cuối tháng 3/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng. Trong khi đó giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng.
Kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo trong năm 2021, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, NHNN điều hành CSTT tiếp tục triển khai theo định hướng tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, diễn biến tỷ giá, cung cầu ngoại tệ để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng sẽ tiến hành tổng kết Đề án 1058 và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Tăng cường làm việc trực tiếp với TCTD để chỉ đạo về công tác xử lý nợ xấu, xây dựng các kịch bản để kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Tại buổi họp báo, NHNN đồng thời, thông tin một số hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng đã và sắp diễn ra trong thời gian tới.