Cám ơn Shinhan Bank đã cho tôi gặp người sếp tuyệt vời

Văn hóa - Ngày đăng : 09:50, 23/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ai đó đã nói với tôi rằng: “Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi”…

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Minh Hằng, công tác tại Ngân Hàng Shinhan Việt Nam - Chi nhánh Phạm Hùng, Hà Nội.

 

Trước đây khi còn là học sinh, ai cũng đều phải cố gắng chăm chỉ học hành, làm học sinh ngoan ngoãn. Lúc cần phải học tập, hãy học tập cho tốt, điều này quả thực rất quan trọng. Khi bước vào trường đời, dang tay đón những sóng gió, ai ai cũng mang trong mình một hoài bão, một ước mơ, theo đuổi theo thứ mình muốn mà quên mất rằng, muốn làm tốt thì hãy cố gắng đi theo một người thầy giỏi.

Đúng như lời Jack Ma nói đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc vô cùng: "Trước 30 tuổi, hãy đi theo một ai đó. Thường khi ở một công ty lớn, bạn có thể học được một quy trình rất tốt, bạn là một phần nhỏ của một cỗ máy lớn. Nhưng nếu bạn ở trong một công ty nhỏ, bạn sẽ học được sự nhiệt tình và đam mê, học cách ước mơ và học cách hoàn thành rất nhiều thứ trong một khoảng thời gian.

Vì vậy, trước 30 tuổi, điều quan trọng không phải là bạn làm cho công ty nào mà là bạn theo ông chủ nào. Điều này rất quan trọng, bởi một ông chủ tốt sẽ dạy bạn những thứ tốt y như vậy".

Tôi tự hào vì mình được làm trong một môi trường năng động – thân thiện – chuyên nghiệp. Ở đây tôi có thể phát huy được hết năng lực của mình, được làm việc với đồng nghiệp chuyên môn sâu, nghiệp vụ vững và nhiệt huyết trong công việc. Và cảm thấy mình thật may mắn, khi trước thềm tuổi 30, tôi đã gặp được người lãnh đạo sáng suốt, điều hành công việc một cách có khoa học, luôn là người mang lại sinh khí cho công ty đó là “sếp của tôi” - đã dạy cho tôi những bài học quý giá trong suốt 3 năm qua.

Trong suốt khoảng thời gian được làm việc cùng bác, từ bác luôn tỏa ra một năng lượng tích cực, một sự cố gắng bền bỉ, ngày ngày nỗ lực không ngừng mà chúng tôi nhìn theo học tập. Bác cũng rất chăm chỉ tìm hiểu kiến thức và dạy lại cho nhân viên cẩn thận. Nhiều lần tôi phải tự hỏi, động lực nào khiến cho bác hăng say và hết mình vì công việc như vậy?

“Trước khi rời khỏi Việt Nam, tôi sẽ cố gắng để chi nhánh chúng ta đạt No 1 toàn cầu” – và cùng với bác, chúng tôi đã làm được điều đó!

“Trước khi đưa ra một quyết định gì, phải phán đoán thật kỹ vào, không thể máy móc dựa trên số liệu và giấy tờ được”.

“Quan tâm và dõi theo từng khách hàng, chính là trách nhiệm và bổn phận của mỗi nhân viên chúng ta”.

“Đừng ngại che dấu đi những gì mình không biết, không biết thì hãy cứ hỏi tôi, tôi sẵn sàng chỉ dạy cho bạn bất cứ lúc nào”.

 

Tôi biết chìa khóa của những câu nói trên chính là sự quan tâm chân thành. Tôi còn nhớ như in lớp học do chính bác đứng lớp dạy cho nhân viên về doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có gì giống và khác nhau.

Những lần hai bác cháu đi gặp khách hàng tỉnh xa, mải đến cho kịp giờ mà nhỡ bữa, hai bác cháu phải ăn tạm đồ ăn bên đường, trò chuyện vui vẻ. Bác hay kể cho nghe những mẩu chuyện đời sống, những vấp váp thời đầu mới đi làm và dạy cho chúng tôi nên chú ý đến điều gì trong cuộc sống.

Tôi còn sẽ nhớ mãi hình ảnh bác vò đầu bứt tai khi gặp vấn đề khó khăn nhưng vẫn động viên nhân viên và cùng chúng tôi giải quyết. Mắc sai lầm thì ai cũng mắc sai lầm, cái chính là phải rút ra được bài học, biết sửa sai và lấy đó làm động lực để vươn lên. Tôi biết chìa khóa của câu chuyện đó chính là sự quan tâm chân thành.

“Khi tôi rời khỏi Việt Nam, điều làm tôi lo lắng nhất vẫn làm đám nhân viên “tiểu yêu” này”.

Chỉ một câu nói đó thôi cũng khiến tôi bật khóc. Tôi còn muốn làm việc với bác, tôi còn muốn học thêm nhiều điều nữa từ bác. Nhưng tôi biết rằng, việc quay trở về Hàn Quốc sau một thời gian dài công tác tại Việt Nam và với những nỗ lực của bác, bác sẽ còn thành công hơn nữa.

Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn tới Shinhan Bank đã cho tôi được gặp gỡ với những người sếp, những người đồng nghiệp tuyệt vời, dạy cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp.

Tại Việt Nam, tôi – cũng như nhân viên chi nhánh, cũng vẫn sẽ nỗ lực, tiếp tục làm việc để thành công hơn nữa. Rồi chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Là vì chúng ta vẫn chung mái nhà Shinhan. Chúng ta vẫn mãi là Shinhanita. 

 

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Lê Minh Hằng