Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Lợi nhuận đi xuống, do đâu?
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:29, 23/04/2021
|
Vừa qua, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor (mã VIF, sàn HNX) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Có tổng cộng 111 cổ đông tham dự, đại diện hơn 347 triệu cổ phần, tương ứng 99,3% vốn điều lệ. Trong đó có 66 cổ đông trực tiếp đến tham dự.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2020, công ty tạo rừng mới 2.663ha, khai thác gỗ rừng trồng đạt 2.691 ha.
Báo cáo tài chính công ty mẹ thể hiện, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 đạt 769 tỷ đồng; giá vốn chiếm 637 tỷ đồng; lợi nhuậ gộp đạt 131 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2020 đạt 1.217 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 341 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm.
Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 đạt 1.849 tỷ đồng; lợi nhuận gộp bán hàng 308 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính là 224 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết 147 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 2.235 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 301 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch.
Theo báo cáo HĐQT, công ty đã hoàn thành thoái vốn 4/11 đơn vị là Vinafor Cần Thơ, LN Cao Bằng, MDF Tân An Hòa Bình, CTCP Formach….
Tại phần thảo luận, các cổ đông đặt câu hỏi về việc lợi nhuận những năm gần đây của Vinafor có dấu hiệu đi xuống, lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 1.091 tỷ đồng, năm 2018 là 860 tỷ đồng, năm 2019 là 553 tỷ đồng, năm 2020 là 300 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận chủ yếu trông chờ vào cổ tức từ liên doanh Yamaha, vậy mảng kinh doanh chính là lâm sản và gỗ bị lỗ ra sao?
Ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT của Vinafor cho biết, ngành nghề chính vẫn đang có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận không bằng so với liên danh Yamaha. Một số đơn vị có tỷ suất lợi nhuận cao. Vì vậy, không thể nói hoạt động chính không có lãi. Mặt khác, đầu tư sản xuất nông nghiệp có tính chất chu kỳ kéo dài, lợi nhuận chưa thu hoạch, phải chờ 3-5 năm.
Đối với câu hỏi Vinafor có dự kiến niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hay không, ông Phí Mạnh Cường cho biết, Tổng công ty chưa có kế hoạch chuyển sàn vì cơ quan quản lý có thể có phương án sáp nhập sàn HNX và HOSE.
Về kế hoạch năm 2021, Vinafor dự kiến đạt doanh thu hợp nhất đạt 2.445 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 335 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cây nông lâm nghiệp Hòa Bình; bổ sung vốn, cho vay vốn tại các đơn vị lâm nghiệp để tổ chức trồng rừng theo kế hoạch, định hướng nghiên cứu tiền khả thi các dự án như đầu tư mở rộng dây chuyền 2 sản xuất ván MDF tại Công ty MDF Vinafor Gia Lai, dự án viên nén gỗ…
Tại Đại hội, công ty đã thông qua việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của HĐQT và quy chế hoạt động của Ban kiểm soát. Đồng thời bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2025.
Vinafor cổ phần hóa năm 2016, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ... Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn T&T. Trên sàn, giá cổ phiếu VIF của công ty đang giao dịch quanh ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu.