ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm 2021
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 12:11, 28/04/2021
Đánh giá về kinh tế Việt Nam tại buổi họp báo công bố “Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2021” được ADB tổ chức sáng ngày 28/4/2021, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Động lực cho tăng trưởng
Phân tích sâu hơn về kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ là: Công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu; đầu tư gia tăng; và thương mại mở rộng.
Theo đó, công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3/2021, mức cao nhất tính từ tháng I/2019. Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vắc-xin COVID-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.
ADB dự báo, khu vực dịch vụ sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vắc-xin COVID-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.
Toàn cảnh buổi họp báo của ADB |
“Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau”, ông Cường nhấn mạnh. ADB nhận định, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định.
Dù lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu nhưng giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng, ADB dự báo lạm phát tăng lên 3,8% trong năm 2021, và 4,0% trong năm 2022.
Về thương mại, ông Cường cho biết, với sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ đến từ hai đối tác thương mại lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) và việc tham gia vào15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021.
Số liệu thống kê trong báo cáo của ADB cho biết, Việt Nam đã xuất siêu 2 tỷ USD trong quý I/2021, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay và năm tới.
“Việc Việt Nam tiếp tục lệ thuộc kinh tế vào đầu tư trực tiếp nước ngoài – với sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo – cùng với giá dầu tăng sẽ làm cho nhập khẩu tăng 5,0%, thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai xuống mức tương đương 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% trong năm 2022”, báo cáo viết.
Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ, ADB cho biết, tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp đang cố gắng đương đầu với tác động của đại dịch COVID-19.
“Sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý I/2021, dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng giảm. Tất cả những yếu tố này đều không ủng hộ cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới”, ADB nhấn mạnh.
Cần quan tâm đến người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương
Đề cập đến những rủi ro, thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, các chuyên gia của ADB cho rằng, rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc-xin.
Tính toán của ADB vào tháng 12/2020 cho thấy, tác động đáng kể của đại dịch COVID-19 đối với thu nhập. Đặc biệt, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8% và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập, trong khi tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.
Tính toán của ADB cũng cho thấy, sự gia tăng tỉ lệ hộ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số sẽ thấp hơn so với hộ nghèo trong nhóm không thuộc dân tộc thiểu số nhưng số người nghèo thuộc các hộ nghèo dân tộc thiểu số lại lớn hơn. Do vậy, tính theo số tuyệt đối thì số này sẽ tăng nhiều hơn hẳn so với số người nghèo sống trong các hộ không thuộc dân tộc thiểu số.
Để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 đối với thu nhập và nghèo đói, vào ngày 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về Chương trình an sinh xã hội với trị giá tương đương 0,25 GDP (xấp xỉ 0,5 tỷ USD) để trợ cấp cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Nghị quyết 42 này được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm tỷ lệ nghèo năm 2020 thêm 1,3 điểm phần trăm, xuống còn 4,9%.
Dù Nghị quyết 42 có thể có hiệu quả giảm nghèo tốt nhưng chỉ một chương trình này chưa đủ để đưa những nhóm dễ bị tổn thương nhất thoát nghèo do hạn chế về quy mô số tiền và khoảng cách nghèo còn lớn. Do vậy, ADB cho rằng, chương trình trợ giúp cho người dân cần phải được tăng cường để giúp các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất không tiếp tục bị mất thu nhập.
“Do tác động của COVID-19 đối với các đối tượng khác nhau là rất khác nhau, nên cần ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng làm việc trong những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất. Xây dựng một hệ thống theo dõi và đánh giá toàn diện dành cho các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội hiện tại và tiềm năng, trong đó có cả đối tượng thuộc khu vực phi chính thức sẽ rất hữu ích để tiếp cận được những người dân cần được hỗ trợ”, ADB khuyến nghị.
ADB cũng cho rằng, các chương trình trợ cấp tiền mặt nói chung đều có hàm ý ngân sách nên phải được sử dụng như một giải pháp ngắn hạn để khắc phục các cú sốc về thu nhập, như cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra.
Do vậy, kế sách lâu dài, bền vững hơn phải là giúp cho người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hoá được sinh kế của họ, ví như: Thông qua đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới.