VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về tổng tài sản và lợi nhuận trong năm 2021
Tin hội viên - Ngày đăng : 16:54, 29/04/2021
Cơ sở để VPBank tự tin đặt ra mục tiêu trên là những yếu tố nền tảng và kết quả kinh doanh ấn tượng đạt được trong năm 2020, cùng với đó là dự báo về kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ hồi phục theo hình chữ V trong năm 2021.
Kết quả kinh doanh ấn tượng
Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, bất chấp những khó khăn thách thức đến từ đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của VPBank trong năm 2020 vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng (gồm trái phiếu doanh nghiệp) của VPBank đạt 19%, vượt kế hoạch đề ra đầu năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành là 12,13%. Theo ông Vinh, đây là mức tăng trưởng hiệu quả và bền vững trong bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch COVID-19.
Công tác quản trị rủi ro luôn được VPBank chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro tới nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu được cải thiện ở cả cấp độ hợp nhất và riêng lẻ, trong đó tại ngân hàng hợp nhất, tỷ lệ nợ xấu (theo Thông tư 02) vẫn được duy trì ở mức dưới 3%, và tại ngân hàng riêng lẻ tỷ lệ này xuống dưới 2%.
Song song với nỗ lực kiểm soát nợ xấu, năm 2020 VPBank tiếp tục tăng cường chủ động nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của cả năm 2020 hợp nhất tăng 15,2% so với năm trước (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019).
"Tại ngân hàng riêng lẻ, chi phí dự phòng tăng 27% cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với “bộ đệm” dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh", ông Vinh chia sẻ.
Nắm bắt các cơ hội thanh khoản của thị trường trong năm 2020, ngân hàng đã linh hoạt điều tiết bảng cân đối và cơ cấu nguồn vốn, giúp VPBank bước đầu đạt được mục tiêu giảm chi phí vốn (COF) được đề ra từ đầu năm. COF của ngân hàng hợp nhất giảm 0,6% so với năm 2019.
Trong năm 2020, VPBank cũng đã nỗ lực cải thiện đáng kể tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tại ngân hàng mẹ, tỷ lệ này được nâng lên từ mức 13% vào cuối năm 2019 lên mức 15,5% trong năm 2020,
Các tỷ lệ an toàn của VPBank cũng tiếp tục được duy trì ở mức tốt, tuân thủ quy định của NHNN, trong đó, tỷ lệ LDR của ngân hàng riêng lẻ ở mức 73,1% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 28,4%. Ông Vinh cho biết, đây sẽ là dư địa để VPBank tiếp tục những cơ hội tối ưu bảng cân đối, mang lại hiệu quả trong sử dụng vốn mà vẫn đảm bảo tuân thủ theo các quy định về an toàn.
Tính đến cuối năm 2020, nguồn vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 52,793 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm trước. Tại cuối năm 2020, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II (Thông tư 41) của ngân hàng hợp nhất là 11,7%, cao hơn gần 4% so với mức quy định tối thiểu của NHNN và VPBank cũng đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II.
Trong năm qua, VPBank cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của VPBank năm 2020 đạt trên 39.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước, trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6%.
Ông Vinh cho biết, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính từ hoạt động kinh doanh, chiếm 83% TOI. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng trưởng 17,6% so với năm trước, chiếm 17,1% tỷ trọng của cấu phần TOI, trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.356 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, nhờ tận dụng các cơ hội thị trường, hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại gần 1.400 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng ấn tượng hơn 28% so với năm trước.
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 cũng tạo ra không ít khó khăn trong công tác thu hồi nợ, tuy nhiên, VPBank đã liên tục cải tiến và áp dụng các biện pháp thu nợ tự động, tiên tiến, góp phần hỗ trợ kết quả hoạt động Thu từ nợ đã xử rủi ro tăng trưởng 14% so với năm 2019, đạt 2.128 tỷ đồng.
Hiệu quả hoạt động của VPBank cũng không ngừng được nâng cao, qua đó giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so với năm 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2%. Sự tối ưu hóa cũng thể hiện rõ nét ở ngân hàng mẹ, khi chỉ số CIR giảm từ 38% năm 2019 xuống còn 30,5% vào năm 2020.
Với kết quả kinh doanh ấn tượng, ông Vinh cho biết, kết thúc năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với năm trước, hoàn thành 127,5% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động toàn ngân hàng đạt 39.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế số một trong khối ngân hàng tư nhân. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường, đạt 22,0% tại ngân hàng hợp nhất và 24,6% tại ngân hàng riêng lẻ.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VPBank năm 2021 |
Đẩy mạnh số hóa các quy trình, nghiệp vụ ngân hàng
Đằng sau kết quả kinh doanh nổi trội, không thể không kể đến vai trò quan trọng của hệ thống nền tảng với những chuyển đổi và hoàn thiện tích cực. Nhằm thích ứng với các xu hướng thị trường và hành vi tiêu dùng khách hàng, cũng như nâng cao năng lực quản trị, VPBank đã triển khai rất nhiều dự án trọng điểm trên toàn ngân hàng.
Đa số các hoạt động chuyển đổi này đều hướng tới chuyển đổi mô hình kinh doanh và vận hành tập trung hóa, chuyên môn hóa dựa trên nền tảng tự động hóa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp cho hiệu suất và chất lượng hoạt động liên tục được cải thiện.
Báo cáo trước ĐHĐCĐ, ông Vinh cho biết, VPBank đã sớm đi đầu trong xu hướng tăng tốc chuyển đổi số. Từ nhiều năm trước, hàng loạt dự án số hóa quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm dịch vụ đã được VPBank triển khai cho đến nay. Hiệu quả được cụ thể hóa và lượng hóa trong quá trình hoạt động, cũng như tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường.
Ông Vinh cho biết, đến cuối năm 2020, VPBank đã tự động hóa 37 quy trình nghiệp vụ. Đây là những quy trình có mức độ tương tác cao với khách hàng trong lĩnh vực thẻ, tra soát giao dịch, đăng ký và xử lý hồ sơ tín dụng... Thời gian xử lý theo đó được rút ngắn, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng trong trải nghiệm dịch vụ.
Đặc biệt, tiếp tục đi đầu trong cung cấp những giải pháp mới, tiện ích mới và tăng trưởng trải nghiệm cho khách hàng VPBank đã trở thành ngân hàng tiên phong trên thị trường Việt Nam ứng dụng thành công eKYC (định danh điện tử khách hàng giúp khách hàng chủ động mở tài khoản trực tuyến 100%.
Ông Vinh cho biết, VPBank đã tự chủ trong việc phát triển ngân hàng điện tử VPBank Online (VPO), cũng như dần định hình Open Banking - nền tảng toàn diện cung cấp một hệ sinh thái các dịch vụ ngân hàng từ cơ bản tới nâng cao cho khách hàng. Đây là định hướng trọng tâm trong mở rộng tiện ích và nâng cao trải nghiệm khách hàng những năm tiếp theo.
Năm 2021: Lợi nhuận tăng gần 30% so với năm 2020
Với những nền tảng đạt được trong năm 2020 và những dự báo về sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô trong năm 2021, hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong năm 2021.
Báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2021, ông Vinh cho biết, VPBank xác định và tận dụng mạnh mẽ các cơ hội kinh doanh mới, song song với việc đảm bảo an toàn hệ thống và phát triển bền vững cho ngân hàng, góp phần nâng tầm vị thế của VPBank trong tổng thể chiến lược cạnh tranh với các ngân hàng đối thủ.
Cùng với đóm VPBank cũng tiếp tục và ưu tiên đầu tư vào các sáng kiến chiến lược quan trọng về công nghệ nhằm chuẩn bị cho sự hòa nhập mạnh mẽ của ngân hàng trong kỷ nguyên số, làm tiền đề cho sự tiên phong của VPBank trong các ứng dụng công nghệ quan trọng, có tác dụng trực tiếp tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Trên các cơ sở đó, ông Vinh cho biết, VPBank đã đặt ra các mục tiêu kinh doanh cơ bản trong năm 2021 như sau: Tổng tài sản đạt 492.409 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2020; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 353.280 tỷ đồng, tăng 19,2%; dư nợ cấp tín dụng đạt 376.340 tỷ đồng, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ (theo Thông tư 02) dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9%.
Tại đại hội, Ban lãnh đạo VPBank cũng cho biết, năm 2022, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng (gấp 3 lần hiện nay), thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng.
Để đạt được các mục tiêu trên, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, HĐQT VPBank đã đặt ra các định hướng hoạt động năm 2021 cho Ban điều hành với các mục tiêu cơ bản có thể kể đến như: Tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng, song song với việc tăng trưởng quy mô và hiệu quả. Tối ưu hóa hạn mức tín dụng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh các phân khúc chiến lược; Nâng cao chất lượng tài sản và kiểm soát rủi ro; Đẩy mạnh các chương trình số hóa, song song với việc siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn trong giao dịch trên các nền tảng số, nâng cao độ ổn định của các hệ thống công nghệ nền tảng...
"Năm 2021, VPBank sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị công ty, hướng tới hội nhập các thông lệ quản trị trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững và lâu dài của ngân hàng", Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ.