Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 07:14, 02/05/2021
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện giải phóng nguồn lực cho Nhà nước, cho xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường quán triệt đến từng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên các nguyên tắc dưới đây khi xử lý công việc: Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý công việc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo; đảm bảo thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đảm bảo tính khả thi, đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; khi xử lý công việc, đảm bảo thống nhất trong nhận thức, nghiên cứu kỹ lưỡng, có căn cứ thực tiễn, căn cứ pháp lý; cần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm không dây dưa, kéo dài.
Bên cạnh đó, đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã rõ, có cơ sở thực tiễn, khả thi, có sự đồng thuận thì kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản thể chế hóa thực hiện; những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn trình cấp có thẩm quyền thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên tập trung xây dựng, ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, bám sát và dựa vào thực tiễn, quy định pháp luật liên quan; tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch ngay từ những ngày đầu thực hiện. Khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và thực hiện đúng các nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác tổ chức, cán bộ cần quán triệt nguyên tắc: (1) Một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính, một người có thể làm nhiều việc; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số; phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát; (2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhưng mở ra môi trường đổi mới, sáng tạo, bảo vệ và khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm; (3) Tập trung cho nghiên cứu khoa học, đào tạo con người, nhất là nghiên cứu các vấn đề có ý nghĩa chiến lược, tổng kết thực tiễn, bổ sung cho công tác lý luận.
Tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước… Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới.
Nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện để phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật. Tinh thần là làm sao chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương; đồng thời giảm thiểu các sai phạm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội, đây cũng là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực môi trường, phải tập trung và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức về môi trường, để người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường, xã hội hóa công tác môi trường; chuyển từ bị động sang chủ động trong bảo vệ môi trường.
Trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực được giao, Bộ cần chủ động rà soát, lựa chọn, xác định các mục tiêu, dự án, đề án ưu tiên của ngành, để tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo động lực thực sự cho phát triển; tránh đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho sự phát triển của ngành, phát huy tinh thần “tự lực tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình”.
Trên nguyên tắc này, ưu tiên thực hiện nhanh việc chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, hoàn thiện, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhất là trong quản lý tài nguyên đất đai, nền địa lý, tài nguyên nước, khoáng sản, quan trắc, cảnh báo môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu…