“Huyền thoại con đường tiền tệ” và những đóng góp cho khát vọng thống nhất

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:56, 02/05/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - 20h30 ngày 30/4/3021, chương trình truyền hình “Khát vọng thống nhất” do Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện đã được phát sóng trực tiếp trên VTV2. Được tổ chức nhân chào mừng 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và cùng thời điểm kỉ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021).

Chương trình có sự tham gia của Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, Nguyên Phó Thống đốc NHNN Lê Văn Châu, nguyên cán bộ Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29, ông Võ Hồ Việt (ông Bảy Thu), nguyên cán bộ Ban Tài chính đặc biệt N2683,...

Thống nhất là khát vọng muôn đời của dân tộc Việt, ngọn lửa khát vọng ấy khi âm ỉ, khi bùng cháy nhưng không bao giờ tắt. Con đường thống nhất của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bằng phẳng, có những con đường đã trở thành huyền thoại như: “đường mòn Hồ Chí Minh”, “đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú tham gia chương trình

Thế nhưng còn có một con đường quan trọng khác mang tên “con đường tiền tệ” – để chi viện cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1954 -1975 chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ về đồng đô la trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến tiền và phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam.

Cũng từ đó một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại đã được hình thành để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam. Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn chưa thể hiểu nổi, làm sao chỉ với số lượng người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc hậu, quá trình vận chuyển thô sơ mà hàng trăm triệu đô la của bạn bè quốc tế viện trợ cho nhân dân Việt Nam vẫn kịp thời vượt qua bom đạn, qua sự kiểm soát gắt gao của địch để đến các chiến trường ác liệt nhất ở Miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nguyên Phó Thống đốc Lê Văn Châu, nguyên cán bộ Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 chia sẻ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh – Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường. Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt (AM) hết sức thô sơ, tốn kém, sau đó các cán bộ chiến sĩ ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM), giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút. Bên cạnh đó, còn có một “đường dây” bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế. Sau 10 năm làm nhiệm vụ, đến tháng 4/1975, các cán bộ chiến sĩ ngành Ngân hàng đã chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 1 tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, Kíp Lào, Bath Thái Lan… Tất cả số viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu.

Sau giải phóng, “con đường tiền tệ” vẫn được tiếp tục. Không còn chiến tranh, không còn bom rơi, đạn nổ, song hoạt động ngân hàng cũng không kém phần khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông và ý chí dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng đã lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần đưa Việt Nam từ một nước lạc hậu, nghèo nàn sau chiến tranh trở thành một nước có thu nhập trung bình và phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Nguyên Phó Thống đốc Lê Văn Châu, nguyên cán bộ Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 và ông Võ Hồ Việt (Bảy Thu), nguyên cán bộ Ban Tài chính đặc biệt N2683 tham gia chương trình

Ông Võ Hồ Việt (Bảy Thu), nguyên cán bộ Ban Tài chính đặc biệt N2683 chia sẻ những câu chuyện về kỷ vật chiếc xe máy Honda 67 của đồng chí Lữ Minh Châu được sử dụng để làm phương tiện đi về Trung ương Cục làm việc hoặc chuyển tiền trong giai đoạn 1965-1970. Từ 1970 đến sau đảo chính Campuchia, chiếc xe được giao cho đơn vị và giao cho người khác sử dụng cùng với các chiếc xe khác tiếp tục làm nhiệm vụ chuyển tiền. “Đây là chiếc xe có phân khối lớn, loại lớn, có thể đi đường đèo dốc đường rừng rất bốc. Mỗi lần đi chuyển tiền, chúng tôi ăn mặc như con buôn, ra đường sinh hoạt như dân, chở tiền trang bị giống như dân buôn hàng hóa nên không ai biết. Đồng chí Lữ Minh Châu nguyên là cán bộ được đào tạo về kinh tế ngân hàng tại Liên Xô, sau khi hoàn thành nhiệm vụ về được đồng chí Mười Phi - nguyên trưởng ban tài chính đặc biệt N2683 – tức đơn vị phía Nam đặt vấn đề với đồng chí Phạm Hùng xin về làm nhiệm vụ cho đơn vị…”, ông Bảy Thu cho biết.

Ở miền Nam, một bộ phận có bí danh là N.2683 do ông Mười Phi làm trưởng ban tài chính đặc biệt của Trung ương Cục phụ trách. Một bộ phận đặt tại Sài Gòn. Cơ sở này trực thuộc Trung ương Cục, gọi là Ban Công tác đặc biệt - là một "đối tác" đặc biệt của B.29. Đầu mối và cũng là cơ sở của N.2683 là một đại thương gia có khả năng chi tiền mặt cho N.2683. Sau đó, theo thông báo của N.2683, B.29 chi trả lại bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của đầu mối ở các ngân hàng nước ngoài.

Hòa chung vào những ký ức hào hùng được các thế hệ đi trước chia sẻ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú bày tỏ xúc động khi được nghe những câu chuyện về con đường tiền tệ huyền thoại qua lời kể của những người may mắn còn lại và có mặt ngày hôm nay. Theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước bấy giờ, các chiến sĩ ngân hàng thực thi các nhiệm vụ trong thầm lặng, bí mật, chấp nhận tất cả những hiểm nguy, thậm chí hi sinh thì những bí mật ấy và cả thanh xuân của họ đều bị chôn vùi nơi chiến trường ác liệt. Và đây chắc chắn chỉ là một phần bé nhỏ trong những chặng đường lịch sử của con đường tiền tệ nói riêng và con đường chiến thắng của dân tộc ta nói chung. Để đảm bảo con đường tiền tệ được an toàn, thông suốt, nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận. Các thế hệ cha anh với tinh thần kiên trung, bất khuất, mưu lược, sáng tạo vượt qua môn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nghèo, bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu đã góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới thắng lợi 30/4/1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Phát huy những truyền thống quý báu ấy, trong 70 năm hình thành và phát triển của ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đang cố gắng nỗ lực. Sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển, trong những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, dấu ấn kinh tế nổi bật của đất nước đều có sự đóng góp hết sức tích cực, quan trọng của hệ thống ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống có ý nghĩa lịch sử của ngành Ngân hàng Việt Nam nói riêng và lịch sử tiền tệ của Việt Nam nói chung từ buổi đầu hình thành và phát triển đến nay, NHNN đã kỳ công cho ra đời cuốn sách “Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 – 2021” và “Lịch sử đồng tiền Việt Nam” – hai công trình quan trọng chào mừng Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam, đồng thời hoàn thiện bộ phim “Huyền thoại con đường tiền tệ” để lưu giữ lại những giá trị lịch sử của ngành cho thế hệ sau.

Chương trình truyền hình “Khát vọng thống nhất” được phát sóng trực tiếp lúc 20h30 ngày 30/4/2021 và phát lại vào lúc 15h ngày 1/5/2021 trên VTV2 và 21h40 ngày 2/5/2021 trên VTV1.

P.V