Hapro bổ sung thêm ngành nghề về bất động sản
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:47, 10/05/2021
|
Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động kinh doanh xuất khẩu gần như đình trệ, doanh thu mảng này sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 25 triệu USD, bằng 84% so với kế hoạch đặt ra và chỉ bằng 43,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê, thực phẩm chế biến được xuất sang các thị trường như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông... Hapro tập trung vào hoạt động thương mại trong nước và khai thác hạ tầng thương mại.
Kết quả, năm 2020, Hapro đạt doanh thu 906 tỷ đồng, bằng 90,6% so với kế hoạch và bằng 51,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 12,2 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch và bằng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động khai thác mạng lưới bất động sản không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiều địa điểm trống không tìm được khách thuê, các địa điểm đều phải thực hiện giảm giá cho người thuê, không thực hiện điều chỉnh tăng giá theo hợp đồng đã ký kết.
Về hoạt động đầu tư, quản lý hạ tầng thương mại, Tổng công ty rà soát, phân loại, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, gắn với từng địa điểm, nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý, khai thác mới đối với các địa điểm khai thác chưa có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư một số dự án của Tổng công ty đồng thời rà soát lại một số dự án dở dang để xây dựng phương án tiếp tục đầu tư sau cổ phần hóa của Tổng công ty.
Hapro đặt kế hoạch năm 2021 là 1.109 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu là 33,2 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 38,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị Hapro có tờ trình đề nghị Đại hội thông qua tờ trình về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty. Theo đó, Hapro bổ sung các ngành nghề gồm hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan (bao gồm cả hoạt động khảo sát, lập quy hoạch xây dựng, thiết kế, quản lý dự án, thi công dự án đầu tư xây dựng); xây dựng nhà để ở; xây dựng nhà không để ở.
Tại Đại hội, Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, từ trước đến nay Hapro chỉ tập trung hoạt động chính là kinh doanh thương mại, xuất khẩu. Khi cổ phần hóa, Tổng công ty và công ty thành viên quản lý mạng lưới hạ tầng thương mại cần khai thác hiệu quả. Tổng công ty đã tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng này. Qua đó, đề xuất Đại hội thông qua bổ sung ngành nghề để tạo điều kiện cho các bước chuẩn bị trong thời gian tới, Tổng công ty có thể trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án và tham gia quản lý các dự án tại các công ty thành viên nhằm đảm bảo dự án có hiệu quả tốt.
Về một số dự án đang triển khai của Hapro, ông Vũ Thanh Sơn cho biết, Trung tâm thương mại Trương Định dự kiến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành. Dự án số 26 Cao Thắng thuộc Công ty Bắc Qua là công ty liên kết của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội – một công ty con của Hapro. Dự án này đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác nhưng do tình hình COVID-19 nên gặp nhiều khó khăn.
Đối với dự án Trung tâm thương mại Bắc Qua (cũng thuộc Công ty Bắc Qua), Tổng công ty trực tiếp vào cuộc giúp tháo gỡ khó khăn và hy vọng cuối 2021, dự án có thể tiếp tục khởi động trở lại.
Về kết quả rà soát, phân loại, ông Vũ Thanh Sơn cho biết, các cơ sở nhà đất dược chia thành 3 nhóm trong đó, nhóm thứ nhất là sử dụng đầu tư phát triển các cửa hàng, siêu thị mang thương hiệu BRG/Hapro dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn BRG hướng tới xây dựng chuỗi bán lẻ.
Nhóm thứ 2 là chuỗi cửa hàng dịch vụ ăn uống, cửa hàng kem... Tổng công ty có Công ty Thủy Tạ có sản phẩm kem, nước uống tinh khiết... Nhóm thứ 3 được sử dụng để đầu tư một số dự án hạ tầng thương mại của Tổng công ty. Về cơ bản, Tổng công ty đầu tư dự án hạ tầng thương mại, văn phòng cho thuê. Một số địa điểm, qua rà soát quy hoạch Hà Nội, Tổng công ty đã báo cáo với TP Hà Nội xin được kết hợp thêm công năng nhà ở. Hiện này chưa có trả lời của thành phố. Khi có kết quả, sẽ công bố thông tin tới cổ đông.