VNDIRECT cảnh báo rủi ro tháng 5
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:11, 13/05/2021
|
Chỉ số và thanh khoản lập kỷ lục
Tháng 4/2021, chỉ số VN-Index đã chính thức chinh phục mức đỉnh lịch sử 1.204 điểm. Chỉ số VN-Index duy trì xu hướng tăng điểm trong nửa đầu tháng 4 và đạt mức cao nhất 1.268 điểm khi chốt phiên ngày 20/4/2021. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng mạnh trong giai đoạn cuối tháng 4, kéo chỉ số lùi về vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm. Chốt phiên ngày 26/4/2021, chỉ số VN-Index đạt mức 1.215 điểm, ghi nhận mức tăng 2,0% so với cuối tháng 3/2021 và tăng 10,1% so với cuối năm 2020.
HNX-Index và UPCOM-Index giảm lần lượt là 2,1% và 2,4% so với cuối tháng 3/2021. Tính từ đầu năm 2021, HNX-Index và UPCOM-Index tăng lần lượt là 38,2% và 6,7%.
Thanh khoản trong tháng 4/2021 lập kỷ lục mới với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên, tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ khi dòng tiền trong nước tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán và tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE đã thuyên giảm.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong tháng 4/2021, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 là 110.655 tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên mức 3.140.062 tài khoản.
Triển vọng thị trường chứng khoán trong tháng 5/2021
Theo VNDIRECT, những yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 5 bao gồm (1) FED tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và (2) tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Việt Nam phục hồi mãnh mẽ hơn trong tháng 5/2021 và quý II/2021.
Trong cuộc họp gần nhất ngày 27-28/4, FED cam kết duy trì lãi suất thấp đến khi nền kinh tế “tạo việc làm tối đa và lạm phát tăng lên trên 2%” và tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng (gói nới lỏng định lượng QE).
Trong báo cáo mới nhất, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6% trong năm 2021 từ mức 5,5% trong báo cáo trước đó. GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ trong Quý II/2020, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ. VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP có thể cải thiện mạnh lên mức 7,5% so với cùng kỳ trong quý II/2021 với điều kiện không để dịch COVID-19 bùng phát trong nước.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán cũng phải đối diện với nhiều rủi ro trong quý II/2021. Tình hình dịch COVID-19 trong khu vực Đông Nam Á diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam. Nếu dịch bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế.
VNDIRECT dự báo lạm phát bình quân quý II/2021 có thể chạm ngưỡng 4-5% do giá xăng dầu trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến mới của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thị trường chứng khoán dần bước vào vùng trống thông tin (không có nhiều thông tin hỗ trợ) sau khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
Margin đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ. Theo thống kê của VnEconomy, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến ngày 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, là mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam. Margin cao tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh.
Tại thời điểm ngày 26/4/2021, P/E của VN-INDEX ở mức 18,4 lần, cao hơn 11,5% so với mức bình quân 5 năm là 16,5 lần và cao hơn 6,4% so với thời điểm đầu năm 2021. P/E forward 2021 của VN-INDEX đang ở mức 16,3 lần. VNDIRECT cho rằng mặt bằng định giá hiện tại của thị trường đang ở mức hợp lý, thị trường cần thêm thời gian để kết quả kinh doanh cải thiện và kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn.
VNDIRECT dự báo chỉ số VN-INDEX dao động trong vùng từ 1.160-1.260 điểm trong tháng 5/2021. Nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn để giảm thiểu rủi ro.