Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng mới
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:01, 25/05/2021
Số liệu thống kê về thị trường tiền tệ cho thấy, trong tuần từ ngày 17-21/5, lãi suất giao dịch bình quân bằng đồng VND trên thị trường liên ngân hàng biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên ngày 21/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 1,26% (không thay đổi); 1 tuần là 1,33% (+0,01 đpt); 2 tuần là 1,41% (+0,02 đpt); 1 tháng là 1,52% (+0,08 đpt). Như vậy, tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay, lãi suất trên liên ngân hàng đã tăng 30 - 45 điểm cơ bản. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi và cho vay trên thị trường 1 vẫn ổn định.
|
Tương tự, lãi suất USD liên ngân hàng cũng dao động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần ngày 21/5, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa tại: Qua đêm là 0,15% (+0,01 đpt); 1 tuần là 0,18% (-0,01 đpt); 2 tuần là 0,23% (không thay đổi); và 1 tháng là 0,33% (+0,01 đpt).
Hoạt động Thị trường mở (OMO) tuần qua ghi nhận NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
|
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các NHTM bớt dư thừa. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động 1 tháng gần đây đã có dấu hiệu tích cực, mức tăng trưởng đến ngày 22/4/2021 là 2,32% so với đầu năm, đã cao hơn rất nhiều so với mức 0,54% tại thời điểm ngày 19/3/2021.
Cũng theo các chuyên gia của SSI, nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7&8/2021.
Với những nhận định trên, các chuyên gia của SSI nhận định: "Chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc".
Trong biên bản cuộc họp tháng 4/2021 của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố tuần vừa qua, FED thông báo có thể thảo luận thay đổi chính sách mua tài sản trong một số thời điểm tại các cuộc họp sắp tới. Mặc dù vậy, FED vẫn khẳng định việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đánh giá lạm phát chỉ mang tính tạm thời và nền kinh tế Mỹ vẫn còn cách xa mục tiêu tăng trưởng và việc làm. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD có thời điểm chạm mức 89,7 thấp nhất trong gần 5 tháng qua và chốt tuần ở mức 90, hầu hết các đồng tiền tăng giá nhẹ so với USD. Vàng tiếp tục đà tăng giá lên mức 1.881 USD/oz, lợi suất TPCP Mỹ gần như đi ngang.
|
Dẫu vậy, các thống kê cho thấy diễn biến tỷ giá trên thị trường vẫn duy trì sự ổn định. Trong tuần từ ngày 17 - 21/5, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên và tăng nhẹ 3 phiền còn lại. Chốt phiên ngày 21/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.805 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 21/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.059 VND/USD, tăng 9 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ. Chốt tuần ngày 21/5, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.230 – 23.280 VND/USD. Như vậy, sau khi bật tăng mạnh và đạt đỉnh vào cuối tháng 3/2021, tỷ giá tự do đã giảm liên tục 3% trong gần 2 tháng qua, trở về vùng cuối năm 2020.
Tỷ giá niêm yết tại các NHTM không đổi ở mức 22.920/23.150.
SSI đánh giá, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá cân bằng, chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức cao, do vậy, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với diễn biến cán cân thương mại tháng 4/2021 và nửa đầu tháng 5/2021 đang thâm hụt, các chuyên gia của SSI cho rằng, nếu xu hướng này kéo dài có thể tạo áp lực nhất định trong thời gian tới.
|
Với thị trường trái phiếu chính phủ, thống kê cho thấy lợi tức giảm nhẹ trên cả sơ cấp và thứ cấp. Tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 12 nghìn tỷ đồng trái phiếu – là lượng gọi thầu lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thị trường sơ cấp tiếp tục có một tuần sôi động khi tỷ lệ trúng thầu đạt 96% dù lãi suất trúng thầu giữ nguyên ở kỳ hạn 20 năm nhưng giảm từ 1-2 điểm cơ bản ở các kỳ hạn còn lại.
Các chuyên gia của SSI cho rằng, nhu cầu tái đầu tư của các NHTM và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khá lớn đã khiến lãi suất trúng thầu chấm dứt chuỗi tăng từ đầu năm đến nay và đảo chiều giảm nhẹ trong 2 phiên gần đây.
Tính từ đầu quý II/2021 đến nay, KBNN đã phát hành tổng cộng 55,8 nghìn tỷ đồng TPCP, tương đương 55,8% kế hoạch phát hành quý. Trong tuần này, KBNN dự kiến gọi thầu 11 nghìn tỷ đồng. SSI dự báo: "Sự gia tăng cả từ phía cầu và phía cung sẽ khiễn thị trường sơ cấp sôi động hơn, lãi suất trúng thầu vẫn dao dộng trong biên độ hẹp, giữ xu hướng đi ngang là chủ đạo".
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.106 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.298 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần, lợi suất TPCP các kỳ hạn tiếp tục diễn biến trái chiều. Chốt phiên ngày 21/5, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,31% (+0,002 đpt); 2 năm là 0,48% (không thay đổi); 3 năm là 0,75% (+0,06 đpt); 5 năm là 1,13% (-0,03đpt); 7 năm là 1,42% (-0,03 đpt); 10 năm là 2,34% (-0,02 đpt); 15 năm là 2,59% (-0,02 đpt); 30 năm là 3,09% (không thay đổi).
Thanh khoản thị trường cải thiện, tổng giá trị giao dịch tuần là 50,5 nghìn tỷ đồng – tăng 8,7% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp nhưng giá trị bán ròng khá nhỏ (chỉ 98 tỷ đồng), lũy kế vẫn mua ròng 5,6 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.