Xu hướng tăng vững vàng, VN-Index hướng đến vùng 1.350-1.380 điểm

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 08:21, 26/05/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyên gia phân tích của một số công ty chứng khoán cho rằng VN-Index chuyển sang chiều hướng tăng điểm, vùng kháng cự mới là 1.350 – 1.380 điểm.

 

Phiên giao dịch ngày 25/5, bất chấp thông tin về diễn biến dịch COVID-19 trong nước, thị trường chứng khoán đã xô ngã mọi kỷ lục khi VN-Index tăng hơn 10 điểm, thiết lập đỉnh mới ở 1.308 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,6 điểm (0,82%) lên 1.308,58 điểm. Toàn sàn có 212 mã tăng, 193 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,26 điểm (0,42%) lên 301,59 điểm với 99 mã tăng, 116 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,34%) lên 82,91 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 868 triệu cổ phiếu, trị giá 25.100 tỷ đồng, trong đó, riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 22.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng chỉ 86 tỷ đồng trên HoSE.

Các cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn là động lực chính đẩy VN-Index tiến lên. Rổ VN30 có 18 mã tăng giá trong khi chỉ có 8 mã giảm. VCB, HPG và MBB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của Vn-Index, đóng góp lần lượt +2,37, +1,76 và +0,78 điểm.

Nhóm ngân hàng tăng quyết liệt về cuối phiên, điển hình như TPB tăng 5,2% lên 35.100 đồng, MBB tăng 3% lên 35.800 đồng, VCB tăng 2,5% lên 99.800 đồng.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản như VHM, KDH, PDR ghì đà tăng khi đồng loạt giảm 0,8-1,3%. Các mã VHM, VNM và GVR có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi -1,25, -0,39 và -0,11 điểm.

Về diễn biến nhóm ngành, 10 trên 11 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Dẫn dầu là ngành nguyên vật liệu (+2,29%), được hỗ trợ tích cực bởi HSG (+5,79%), POM (+4,32%) và NKG (+3,76%). Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản (-0,37%) là nhóm ngành duy nhất giảm điểm trong ngày hôm nay, chịu tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của VHM (-1,32%), DXG (-2,50%) và KBC (-2,03%).

Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhà đầu tư có thể lạc quan vào xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là sau khi chỉ số thoát khỏi kênh giá đi ngang trước đó. VN-Index đang hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.350-1.380 điểm sau khi bứt phá qua vùng cản quanh 1.285 điểm.

Dù vậy, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh đan xen trong quá trình đi lên để kiểm định vùng điểm vừa bị vượt qua. Đây là giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ nên diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Các nhóm ngành dự kiến sẽ luân phiên tăng điểm trong giai đoạn hiện tại.  Nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét mở vị thế mua trading ngắn hạn khi thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới.

Công ty chứng khoán SSI cho rằng với việc đã vượt qua vùng đỉnh gần nhất tại 1.286 điểm đi kèm với khối lượng giao dịch gia tăng, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đi lên hướng đến vùng 1.350-1.400 điểm trong thời gian tới. Vì vậy, những đợt điều chỉnh nếu có sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Được biết, gần đây nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) đã ra thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực. Đây là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam và những cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội.

S&P đánh giá, sau mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch COVID-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.

Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực. Điều này một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Bùi Trang