Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại quốc doanh là cần thiết

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:50, 01/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nếu như tăng vốn là một vấn đề gian nan đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trong những năm trước, thì nay các nhà băng đã tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn khi nút thắt pháp lý đã được nới lỏng.

Theo Quyết định số 765/QĐ-TTg ngày 22/5/2021, Chính phủ phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại VietinBank và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại VietinBank thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định để triển khai Phương án tăng vốn điều lệ trên cơ sở nội dung được phê duyệt. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

 

Tăng vốn giúp các ngân hàng ứng phó tốt hơn với các rủi ro

Nhìn nhận về quyết định của Chính phủ cấp vốn cho VietinBank, giới chuyên môn đều có chung nhận định, tăng vốn sẽ giúp VietinBank tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng, cũng như giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng vốn cho các ngân hàng là điều cần thiết, nhất là với những ngân hàng có vốn nhà nước. Tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có “gối đệm” để chống đỡ tốt hơn với những rủi ro. “Trong thời điểm này, các ngân hàng có vốn nhà nước thực hiện các chính sách của Chính phủ, thành ra họ rất dễ bị tổn thương khi khách hàng vay tiền của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, việc VietinBank được Chính phủ cấp vốn, hay trước đó là Agribank được Quốc hội đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ là rất cần thiết giúp các ngân hàng tăng năng lực tài chính”, ông Hiếu nhận định.

“Việc chính thức được phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với VietinBank”, đại diện VietinBank chia sẻ. Đây là cơ sở để VietinBank tiếp tục triển khai các thủ tục tăng vốn Điều lệ, tạo tiền đề để VietinBank tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư… từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

“Với dòng vốn được khơi thông, VietinBank sẽ chủ động phát huy tối đa vị thế, tiềm năng, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mạng lưới, gia tăng lợi ích cổ đông và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước”, đại diện VietinBank nhấn mạnh.

Thực tế câu chuyện tăng vốn tại các ngân hàng có vốn nhà nước luôn tạo ra nhiều thách thức cho các ngân hàng này. Ngay tại, Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021 diễn ra vào thời điểm cuối năm 2020, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng vốn đối với BIDV nói chung, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói riêng. Theo đại diện của BIDV, dù vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng sự cải thiện đó chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam vốn có tốc độ tăng trưởng cao.

“Với vốn điều lệ các ngân hàng nhà nước hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng trong khu vực. Hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II”, ông Phan Đức Tú chia sẻ tại hội nghị trên.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Trong một báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của HSBC đưa ra khuyến nghị, để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng, Việt Nam cần tiếp tục tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng. Theo các chuyên gia của HSBC, hệ số CAR của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn yếu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt tại một số ngân hàng quốc doanh thì hệ số CAR vẫn còn rất thấp. “Do đó, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn, đẩy nhanh áp dụng tiêu chuẩn Basel II – vốn đã trì hoãn hạn chót từ năm 2020 đến năm 2023”, các chuyên gia của HSBC khuyến nghị.

Tự tin hơn với kế hoạch tăng vốn

Nếu như trong các năm trước đây, tăng vốn vẫn là một vấn đề gian nan đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, thì nay các nhà băng đã tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn khi nút thắt pháp lý đã được nới lỏng.

Bởi theo Nghị định 121/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2005 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sửa dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp được Chính phủ ban hành hồi tháng 10/2020, Chính phủ cho phép dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên. Nghị định 121/2020 đã giúp tạo ra hành lang pháp lý cho việc tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Tại Quyết định số 765/QĐ-TTg vừa được Chính phủ ban hành, vốn bổ sung cho VietinBank được lấy từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước, thông qua việc ngân hàng phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng đang khẩn trương thực hiện Phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức trong quý III&IV/2021. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của VietinBank dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác như: BIDV, Vietcombank cũng đã lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ diễn ra đầu tháng 3/2021, BIDV cũng đã trình phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thêm 8.304 tỉ đồng, lên 48.524 tỷ đồng, thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm; hay Viecombank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng thông qua 2 giai đoạn: cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Với áp lực tăng vốn các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang phải gồng gánh, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay đối với các ngân hàng là rất phù hợp. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng trong việc đảm bảo tỷ lệ CAR theo Basel II. “Việc cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn bằng nguồn ngân sách nhà nước là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần phải cho phép ngân hàng thương mại cổ phần dùng các hình thức tăng vốn điều lệ khác nhau, qua các kênh khác nhau”, TS.Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.

Tuy vậy, với việc Agribank và VietinBank được cấp vốn, cùng với đó là hành lang pháp lý cho việc tăng vốn được nới lỏng, sẽ là những tiền đề quan trọng giúp các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tự tin hơn trong các kế hoạch tăng vốn điều lệ, qua đó giúp tăng năng lực tài chính để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và đảm bảo an toàn hoạt động, cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ngô Hải