Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: “Cơ chế, chính sách về tín dụng xanh cho dệt may có đủ, mấu chốt vẫn là ở doanh nghiệp”

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 14:34, 01/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 1/6/2021, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và đối tác đã có buổi tham vấn Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng về việc phát triển kênh tín dụng xanh ngành dệt may. Buổi tham vấn được thực hiện dưới hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Buổi tham vấn trực tuyến của WWF với Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh chụp màn hình

Tại buổi tham vấn, đại diện tổ chức WWF cùng đối tác đã đặt nhiều câu hỏi và lắng nghe ý kiến của Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng xung quanh các vấn đề về tài trợ vốn cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường trong ngành dệt may.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết từ năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng chính sách, cơ chế tín dụng nhằm thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thể, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra mục tiêu hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Thống đốc NHNN đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của NHNN rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Yêu cầu các TCTD tập trung ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

NHNN cũng ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với các giải pháp: Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng – tín dụng xanh; Đẩy mạnh triển khai các sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng – tín dụng xanh.

NHNN đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh và ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.

Để hỗ trợ các ngân hàng tăng cường năng lực thực nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực xanh, NHNN triển khai hàng loạt giải pháp như đào tạo, ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

NHNN huy động nguồn lực từ tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương, đa phương để hỗ trợ nguồn vốn ổn định, giá rẻ tài trợ các dự án, chương trình xanh như Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Quỹ quy hoạch đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á trị giá 200.000 USD do ADB tài trợ; Sáng kiến về tài chính xanh và sáng tạo để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á trị giá 500.000 USD do ADB tài trợ; các dự án hỗ trợ trực tiếp cho từng TCTD từ các tổ chức quốc tế như GIZ, JICA, IFC…

Triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành phục vụ tăng trưởng xanh như: ngành nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách trồng rừng, bảo vệ môi trường… thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tín dụng như: ưu tiên trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc,…

NHNN chú trọng lồng ghép các chính sách cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thanh toán, phát triển dịch vụ ngân hàng và chiến lược quốc gia tài chính toàn diện.

Với nhìn nhận ngành dệt may có mức độ rủi ro môi trường cao do khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng đun nóng, tạo ra hơi nước, tác động lên nguồn nước, góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính, đại diện WWF mong muốn được ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng xung quanh vấn đề làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dệt may có thể tiếp cận nhiều hơn tín dụng từ ngân hàng cho các dự án thân thiện với môi trường, áp dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới thiết bị giảm thiểu tác động đến môi trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Chính phủ và NHNN đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD. Vấn đề mấu chốt ở chính các dự án của doanh nghiệp.

Các TCTD đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh. Kết quả cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngành ngân hàng đến cuối năm 2020 tương đối khả quan; khoảng 40 TCTD có phát sinh dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt gần 340.000 tỷ đồng tăng trên 17% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm gần 40%), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 30%).

Hiện nay, dư nợ đối với ngành dệt may đạt gần 140.000 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Để có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng, vấn đề cốt lõi nằm ở các doanh nghiệp dệt may. Về nguyên tắc, các ngân hàng khi cấp vốn phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về cho vay mà NHNN đã ban hành nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Trong số các dự án có hiệu quả thì các ngân hàng sẽ ưu tiên tài trợ các dự án xanh. Do đó, vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp cần phải có các dự án có hiệu quả. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây chuyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh...

Kết thúc buổi họp, đại diện WWF cảm ơn ông Nguyễn Quốc Hùng về những ý kiến tham vấn rất có giá trị và bày tỏ mong muốn phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tổ chức Hội thảo/Tọa đàm với sự tham gia của các TCTD, doanh nghiệp dệt may nhằm thúc đẩy sáng kiến xanh hóa ngành dệt may trong thời gian tới.

Bùi Trang (ghi)