Lãi suất huy động được dự báo tăng nhẹ từ đầu quý III/2021
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:38, 07/06/2021
Thống kê từ thị trường cho thấy, tính tới cuối tháng 5/2021, lãi suất huy động gần như đi ngang so với tháng trước đó. Cụ thể, một thống kê vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho biết, LSHĐ trung bình có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 5/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình LSHĐ 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tăng lần lượt 0,004% và 0,002%, lên 4,82% và 5,64% vào cuối tháng 5.
|
Tuy nhiên, 2 kỳ hạn này chứng kiến những xu hướng khác nhau giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể: Nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục không thay đổi lãi suất tiết kiệm với 2 kỳ hạn trên trong tháng thứ 3 liên tiếp, trung bình lần lượt ở mức 3,725% và 5%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng điều chỉnh lãi suất giảm nhẹ, lần lượt là 0,009 điểm phần trăm và 0,005 điểm phần trăm, xuống mức trung bình 4,695% và 5,53%/năm. Ngược lại, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng chứng kiến mức tăng lãi suất tiết kiệm lần lượt là 0,02 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6 tháng và 0,01 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng, lên mức 5,4% và 6,02%.
“Theo mẫu thống kê của chúng tôi, với kỳ hạn 6 tháng, LSHĐ thấp nhất và cao nhất hiện đang vẫn đang được áp dụng ở mức 3,5% và 6,05%. Đối với kỳ hạn 12 tháng, LSHĐ thấp nhất tiếp tục ở mức 4,6% và cao nhất là 6,9%”, BVSC cho biết.
Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng theo mẫu thống kê của BVSC trong tháng 5/2021 cùng giảm 17 – 20 % so với mặt bằng cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường liên ngân hàng, các thống kê cho thấy, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng ở cả 3 loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt là 0,21%; 0,28% và 0,2% lên mức 1,42%; 1,67% và 1,69%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng của cả 3 loại kỳ hạn trên tiếp tục duy trì trên mức trung bình của năm 2020 (trong khoảng 0,84% - 1,14%/năm nhưng vẫn đang thấp hơn mức trung bình của thời điểm trước dịch COVID-19 (trên 3% trong năm 2019).
|
Tín dụng tăng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua được giới chuyên môn nhận định là nguyên nhân quan trọng dẫn tới làm giảm bớt thanh khoản thị trường ngân hàng, góp phần làm lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây.
Hiện tại, tín dụng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ (đạt 3,34% tính tới ngày 16/4/2021, so với mức 2% tính tới cuối tháng 5/2020) và nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn (tính tới ngày 19/3/2021, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54% trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47% - theo Tổng cục thống kê).
“Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020. Do đó, LSHĐ được dự báo có thể sẽ có diễn biến tăng nhẹ trở lại về phía cuối năm”, các chuyên gia của BVSC dự báo.
Cùng chung nhận định, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cũng đưa ra dự báo, LSHĐ có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021. “Chỉ số giá CPI tháng 5/2021 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước, trung bình 5 tháng chỉ tăng 1,29% - là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc”, các chuyên gia SSI nhận định.