Làn sóng COVID-19 lần thứ tư ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:42, 19/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Làn sóng lây nhiễm mới nhất tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng hàng điện tử tại Việt Nam. Với quy mô lớn hơn, đợt bùng phát dịch lần này được dự báo có thể sẽ làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.

Hình minh họa

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua bốn làn sóng COVID-19 trong nước. Làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4/2021, có thể xem đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu do sự lây lan nhanh hơn của các chủng virus mới, nhiều đợt bùng phát nhỏ với nguồn lây nhiễm khó truy vết và nhiều trường hợp được phát hiện tại các khu công nghiệp.

Tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng ngành sản xuất điện tử

Số liệu thống kê cho thấy một số tác động ban đầu của đợt dịch lần này đối với hoạt động sản xuất ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong số hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát mới nhất, Bắc Giang là nơi có 13 nhà cung cấp của Samsung và đối tác của Apple (Foxconn và Luxshare) trong khi Samsung có nhiều cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh.

Việc tạm ngừng hoạt động tại bốn khu công nghiệp trong tháng 5/2021 đã khiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Bắc Ninh, do khu phức hợp của Samsung vẫn hoạt động bình thường trong thời gian dịch bùng phát, sản xuất công nghiệp chỉ giảm 2,2% so với tháng trước và vẫn tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫu làn sóng COVID-19 lần thứ tư đang có nhiều tác động tiêu cực, tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tháng 5/2021 với mức tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp tình hình phức tạp của đại dịch trên khắp cả nước.

Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu của Bắc Giang và Bắc Ninh chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giá trị sản phẩm cơ khí điện tử xuất khẩu của các tỉnh này chiếm 30,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Tổng giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh trong tháng 5/2021 giảm 5,5% so với tháng trước nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu điện thoại tăng mạnh.

Xuất khẩu của cả nước ước tính đạt 26 tỷ USD vào tháng 5/2021, giảm 2,1% so với tháng trước. Dù giảm nhẹ so với tháng trước nhưng với kết quả trên, giới chuyên môn cho rằng, các hoạt động xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát mới nhất nhưng sự gián đoạn kéo dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng lĩnh vực sản xuất điện tử tại tỉnh Bắc Giang, kể từ ngày 28/5/2021, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã cho phép 13 doanh nghiệp hoạt động trở lại với 5.133 công nhân, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử cho các tập đoàn lớn như Samsung và Foxconn.

Mặc dù chính quyền địa phương điều chỉnh các biện pháp nghiêm ngặt cho phù hợp với mục tiêu kép, các quy định an toàn liên quan đến COVID-19 vẫn đặt ra thách thức cho hầu hết các doanh nghiệp phải tuân thủ.

Còn tại Bắc Ninh, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp có các trường hợp nhiễm COVID-19 phải giảm dần số lượng lao động, trong khi vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh ước tính rằng nếu các khu công nghiệp của họ tạm ngừng hoạt động trong hai tuần, sản xuất công nghiệp hàng năm của tỉnh sẽ mất 4%, dẫn đến giảm 0,5% trong giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Để duy trì hoạt động sản xuất bình thường, Chính phủ đã thêm lao động trong khu công nghiệp vào nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Theo đó, lao động tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã bắt đầu được tiêm vắc xin từ ngày 27/5/2021. Bắc Ninh dự kiến sẽ tiêm vắc xin cho 90.000 lao động và con số này là 150.000 lao động tại Bắc Giang. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang gấp rút tìm các biện pháp khác để sớm có vắc xin cho chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 trên cả nước.

Do đợt bùng phát gần đây với quy mô lớn và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nên các doanh nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh khó có thể nhanh chóng trở lại hoạt động, trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo: “làn sóng COVID-19 lần thứ tư sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 6/2021”.

Cần có một số hỗ trợ tài chính cho các đối tượng dễ bị tổn thương

“Chúng tôi tin rằng đợt bùng phát mới nhất sẽ khiến thị trường lao động Việt Nam trở nên khó khăn hơn”, báo cáo của VDSC viết.

Trước đó, vào năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến phần lớn lực lượng lao động tại Việt Nam (32,1 triệu người). Trong đó, khoảng 40% bị giảm giờ làm hoặc phải buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, khoảng 14% lao động phải tạm nghỉ/ngừng sản xuất kinh doanh. Bước sang quý I/2021, thêm 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong đó có 540.000 người bị mất việc.

Xét ở khía cạnh thu nhập, đại dịch đã khiến 69,2% lao động bị giảm thu nhập. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của người Việt Nam giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nhập của người dân thành thị bị ảnh hưởng nặng hơn so với người dân nông thôn (-8,0% so với cùng kỳ từ 6,0 triệu/tháng xuống 5,5 triệu/tháng). Hiện cũng đang có một phần lớn lực lượng lao động trong thị trường lao động của Việt Nam là ở khu vực phi chính thức (56,2% vào cuối năm 2020), là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch.

Các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt bởi đợt bùng phát COVID-19 mới, theo đó tiếp tục tác động tiêu cực đến những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hệ lụy là chi tiêu của nhóm có thu nhập thấp và trung bình sẽ suy giảm nếu không có gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Thực tế cho thấy, trong tháng 5/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020. Với đợt bùng phát mới nhất, sự kết hợp của thị trường lao động kém đi, giá cả tiêu dùng gia tăng và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội có thể khiến cho sự phục hồi của tiêu dùng nội địa trở nên bấp bênh.

Vì vậy, ngay cả khi ưu tiên của chính phủ là kiểm soát sự lây lan của đại dịch, các chuyên gia của VDSC cho rằng: “Cần có một số hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương và người lao động để giảm thiểu tác động kinh tế của đợt sóng COVID-19 lần thứ tư”.

Hoạt động ngân hàng là điểm sáng trong đà phục hồi kinh tế

Trong quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do ảnh hưởng của đại dịch với mức tăng trưởng GDP là 0,36%. Mức nền thấp của năm ngoái là cơ sở cho sự phục hồi mạnh của kinh tế trong quý II/2021 và dự phóng ban đầu của VDSC là tăng trưởng GDP quý II/2021 có thể đạt mức 7,4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng GDP 4,5% trong quý I/2021.

Trong tháng 4/2021, kinh tế phục hồi với sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp (+ 22,2% so với cùng kỳ), doanh thu bán lẻ (+ 30,9% so với cùng kỳ) và xuất khẩu (+ 50,8% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, sự bùng phát gần đây của đại dịch COVID-19 đã hạn chế đà tăng trưởng của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa vào thời điểm giữa quý II/2021. Trong tháng 5/2021, sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ nhưng doanh thu bán lẻ giảm 1,0% so với cùng kỳ. Mặt khác, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 35,6% so với cùng kỳ.

VDSC kỳ vọng tình trạng đình trệ sản xuất tại các điểm nóng COVID-19 lớn nhất của Việt Nam sẽ được kiểm soát vào tháng 6/2021. “Trong điều kiện Bắc Ninh duy trì hoạt động sản xuất bình thường, chúng tôi cho rằng đợt bùng phát mới nhất có thể kìm hãm tăng trưởng sản xuất vào tháng 6/2021 nhưng sự phục hồi sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021”, VDSC dự báo.

Về phía cầu, VDSC bày tỏ không mấy lạc quan về sự phục hồi của tiêu dùng trong nước do diễn biến mới nhất của đại dịch. Tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập có thể trở nên trầm trọng hơn trong đợt lây nhiễm thứ tư. Nhóm ngành dịch vụ vẫn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự lây lan của đại dịch, điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới.

Còn với hoạt động ngân hàng, các chuyên gia của VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2021 của ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nền so sánh thấp. Bên cạnh đó, thông tin về việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại hàng loạt các ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng được cấp và đang xin thêm hạn mức) và các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức nhằm tăng vốn đặc biệt ở nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ là những sự kiện đáng chú ý trong thời gian tới.

“Chúng tôi dự báo ngành này sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, dự báo tăng trưởng 27% YoY, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Sự lệch pha này đến từ (1) chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh: môi trường lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ mở rộng, và (2) các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh như xu hướng cắt giảm mạnh chi phí”, VDSC dự báo.

Trong kịch bản cơ sở được VDSC đưa ra, lĩnh vực sản xuất vẫn có khả năng phục hồi trong khi nhu cầu trong nước phục hồi yếu hơn dự kiến, tăng trưởng GDP quý II/2021 ước đạt 7,2%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo trước đó. “Dự báo tăng trưởng GDP cả năm của chúng tôi được điều chỉnh giảm xuống 6,5% so với dự báo trước đó là 6,7%. Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng tiếp tục là sự tái bùng phát đại dịch. Đổi lại, tốc độ tiêm phòng trong nước tăng nhanh có thể giúp Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó giúp tiêu dùng khu vực tư nhân trở lại mức trước COVID-19 sớm hơn mong đợi”, VDSC nhận định.

Thanh Hải