Thấy gì từ một đầu tàu kinh tế của Việt Nam?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:30, 17/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam với mức vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR) là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam gặt hái thành công sau cổ phần hóa, trở thành đầu tàu trên nhiều lĩnh vực kinh tế.

 

Là tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam với mức vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR) là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam gặt hái thành công sau cổ phần hóa, trở thành đầu tàu trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Với quy mô lớn, Tập đoàn hoạt động trên cả lĩnh vực công nông nghiệp, làm nòng cốt thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế, GVR thể hiện rõ vai trò của một đầu tàu phát triển bền vững và là một minh chứng cho sự thành công của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trải qua hơn 100 năm từ khi người Pháp mang cây cao su vào trồng ở Đông Dương, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng cao su - loại cây phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng nước ta. Ra đời từ 1975, hiện GVR có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, mức vốn hóa xấp xỉ 120.000 tỷ đồng, nằm trong số những DN có mức vốn hóa lớn nhất sàn Hose. Biến động giá của GVR có ảnh hưởng khá lớn đến VN-Index. Với vị thế là DN đầu tàu trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, đồng thời có vị thế lớn trong lĩnh vực chế biến gỗ cũng như đầu tư khu công nghiệp, GVR ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Sau khi IPO năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của GVR đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 19.824 tỷ đồng, năm 2020 đạt 21.140 tỷ đồng (gấp rưỡi năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2.544 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 3.833 tỷ đồngvà năm 2020 đạt 5.076 tỷ đồng, gấp đôi lợi nhuận 2018.

GVR hoạt động ở 5 lĩnh vực chính: (1) Trồng, khai thác chế biến mủ cao su; (2) Chế biến gỗ; (3) Sản phẩm công nghiệp cao su; (4) Đầu tư kinh doanh khu CN và (5) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đầu tàu trồng, khai thác, chế biến mủ cao su

GVR nắm trong tay 402.650 ha cao su tại 3 nước Đông Dương, trong đó diện tích ở Việt Nam là 288.000 ha. Mỗi năm sản xuất 320.000 tấn cao su chiếm 30% sản lượng cả nước, hiện GVR có 55 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 500.000 tấn/năm, trang bị máy móc thiết bị hiện đại. Không chỉ chế biến số mủ tự khai thác mà các đơn vị của GVR còn chế biến, gia công cho khối cao su tiểu điền khoảng 80.000 tấn/năm. Sản phẩm cao su của GVR chủ yếu gồm 3 loại: cao su định chuẩn kỹ thuật, cao su ly tâm và cao su tờ, xuất khẩu tới gần 70 quốc gia, với nhiều khách hàng lớn như Goodyear, Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho, Sailun…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su Việt Nam tháng 5/2021 ước đạt 80.000 tấn, trị giá 139 triệu USD, tăng 7,2% về lượng và 54,9% về giá trị so với tháng 5/2020, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.738 USD/tấn, tăng 44,6% so với tháng 5/2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch xuất khẩu cao su năm nay dự kiến sẽ vượt mốc 2,5 tỷ USD

Giới chuyên gia dự đoán giá cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong các năm tới do kinh tế thế giới phục hồi giúp tăng nhu cầu đối với cao su, cộng với  việc dầu thô lên giá làm tăng giá thành cao su nhân tạo, trong khi lượng cung cao su thiên nhiên chưa theo kịp tốc độ tăng của cầu. Bối cảnh đó tạo thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh của GVR các năm tới.

Ông lớn ngành gỗ

GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10-12.000 ha/năm, đồng thời có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu, nên có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ. GVR đang nắm trong tay 18 nhà máy gỗ (14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế, 4 nhà máy MDF). Tổng mức đầu tư là 4.575 tỷ đồng, tổng doanh thu 6.473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 654 tỷ đồng. Năm 2020 GVR sản xuất 1,3 triệu m3 gỗ các loại, trong đó gỗ phôi 268.653m3, gỗ ghép tấm 11.420m3 và 1.012.456 m3 MDF-MFB, chiếm một nửa sản lượng gỗ MDF toàn quốc

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh các năm qua, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 11 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 20% so với 2018). Bất chấp COVID, năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,6 tỷ USD, gấp rưỡi kim ngạch xuất khẩu thủy sản (8,4 tỷ USD), gấp 4 lần kim ngạch xuất khẩu gạo (3,1 tỷ USD) và 4,5 lần cà phê (2,7 tỷ USD).

Năm 2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD. Các năm gần đây công nghệ tẩm ướp đã có nhiều tiến bộ nên gỗ cao su trở thành nguyên liệu quý để đóng đồ nội thất. Do xu hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các nước trên thế giới từng bước hạn chế khai thác rừng khiến cho giá gỗ ngày càng tăng. Hiện GVR có 150.000 ha cao su có phương án quản lý rừng bền vững và 56.500 ha đã đạt VFSC -đứng đầu toàn quốc về diện tích đạt chứng chỉ rừng bền vững quốc gia. Tập đoàn đặt mục tiêu hết 2022 thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn bộ diện tích 288.000 ha tại Việt Nam và diện tích có chứng chỉ VFSC đạt 150.000 ha. Nhiều nước Mỹ, EU, Nhật… quy định sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ rừng bền vững FSC nên gỗ cao su ngày càng trở nên đắt giá. Mặc dù có thế mạnh vượt trội về nguồn nguyên liệu, nhưng hiện doanh thu và lợi nhuận mảng gỗ của GVR còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, giới chuyên gia đánh giá dư địa tăng trưởng mảng này của GVR còn rất lớn.

Sản phẩm công nghiệp cao su và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

GVR có 5 công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp: nệm gối cao su (Dorufoam), găng tay cao su (Vglove), dây chuyền băng tải (cao su Bến Thành), bóng thể thao (GeruStar), chỉ sợi cao su (SADO), liên kết sản xuất lốp xe thương hiệu VRG… với tổng doanh thu 2020 là 2.689 tỷ đồng. Trong đó mặt hàng găng tay năm 2020 sản xuất được 2,4 tỷ chiếc, doanh thu 1.839 tỷ đồng, lợi nhuận 356 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa 30% và xuất khẩu 70% tới Mỹ, Nga, EU, Nhật, HQ... Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến tăng công suất găng tay với mục tiêu doanh thu 2.251 tỷ đồng, lợi nhuận 464 tỷ đồng. Các sản phẩm khác cũng đang từng bước củng cố thương hiệu để mở rộng quy mô. Tập đoàn cũng đã bước đầu phát triển lốp xe tải thương hiệu VRG, liên kết với đối tác nước ngoài sản xuất lốp xe 2 bánh.

Có lợi thế về quỹ đất lớn nằm ở nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng khu công nghiệp, GVR là cổ đông lớn tại 11 DN trong lĩnh vực này: Nam Tân Uyên, Tân Bình, Long Khánh, Bắc Đồng Phú, Dầu Giây… với tổng diện tích trên 6000ha. Tổng doanh thu các DN này năm 2020 đạt 1522tỷ, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ. Phát triển dự án khu công nghiệp trên đất cao su có nhiều ưu điểm so với phát triển trên đất lúa: tiết kiệm thời gian đền bù giải phóng mặt bằng, giá thành hạ tầng thấp hơn... Quỹ đất lớn ở những vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông là lợi thế lớn để GVR phát triển mảng kinh doanh này trong tương lai.

Gần đây Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội cho ngành cao su và ngành gỗ phát triển. Với cao su thiên nhiên, các nước trong CPTPP có lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ 3% xuống 0%. Sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước thành viên CPTPP (Nhật, Úc, Canada…) sẽ được hưởng thuế suất 0%. Nhờ vậy, ngành cao su Việt Nam cũng như ngành khu công nghiệp có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và ưu đãi thuế, đồng thời có thêm cơ hội hợp tác, tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Công ty có 569 ha, trong đó 83 ha trồng mít và 486 ha trồng chuối nuôi cấy mô. Hiện các dự án lĩnh vực này chủ yếu dưới hình thức hợp tác với các đối tác có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường. Dự kiến GVR sẽ tiếp tục chuyển những khu vực thuận lợi về nguồn nước, cơ sở hạ tầng sang làm nông nghiệp công nghệ cao 40.000 -50.000 ha.

Năm 2021 GVR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.721 tỷ đồng, cổ tức 6%. Kế hoạch này tuy khiêm tốn, nhưng để hoàn thành kế hoạch đòi hỏi GVR phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện năng lực quản trị, tối ưu hóa chi phí.

Mặc dù quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị đang từng bước giúp GVR cải thiện hiệu quả kinh doanh nhưng Tập đoàn cũng đứng trước nhiều thách thức. Báo cáo Ban Kiểm soát cho thấy GVR cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý giá thành, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường giám sát, chỉ đạo việc thực hiện đấu thầu qua mạng khi mua sắm vật tư, hàng hóa.

Hiện GVR chưa ban hành khung đơn giá chung cho các loại vật tư chi phí đầu vào. Hiệu quả kinh doanh của các đơn vị thành viên Tập đoàn chưa đồng đều, vẫn còn tồn tại nhiều đơn vị hoạt động chưa hiệu quả cần nâng cao giám sát, nâng cao năng lực quản lý. Năng suất mủ bình quân toàn Tập đoàn 1,55 tấn/ha, thấp hơn mức bình quân cả nước (1,67tấn/ha) đòi hỏi phải sớm có giải pháp cải thiện. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tới 97% có thể ảnh hưởng đến mức thanh khoản và kìm hãm sự tham gia của một số quỹ đầu tư lớn. Bộ máy còn cồng kềnh với nhiều phòng ban, 101 công ty con, trong đó có 65 công ty trồng cao su, 12 công ty chế biến gỗ, 7 công ty khu công nghiệp (chưa kể nhiều công ty liên kết) và 83.584 lao động, đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa tinh giản bộ máy, tăng năng suất lao động

Phí Long