Sử dụng tài sản trí tuệ để tiếp cận nguồn vốn phát triển
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:46, 17/06/2021
|
Dự án Phát triển lĩnh vực Tài chính và sở hữu trí tuệ tại Đông Nam Á là dự án do Quỹ Thịnh Vượng của Vương quốc Anh tài trợ. Dự án hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng tại các quốc gia đang phát triển.
Mục tiêu chính của dự án là phát triển môi trường kinh doanh tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo tác động đến giảm nghèo và bất bình đẳng tại 6 quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Dự án tập trung vào 5 lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thị trường vốn, quy định về công nghệ tài chính - Fintech, chuẩn mực kế toán, phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính.
Hội thảo về Tài chính sở hữu trí tuệ là một phần của Dự án, nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Hệ sinh thái tài chính Sở hữu trí tuệ.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia phát triển sở hữu trí tuệ. Khung cơ bản của cơ chế chính sách đã có. Nhưng quy trình, quy chế và kỹ năng nghiệp vụ cho những người tham gia hệ sinh thái này còn hạn chế. Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ hợp tác với Tập đoàn Rouse và Vương quốc Anh để triển khai thí điểm một số có chế chính sách đặc thù (sandbox) cho những người tiên phong trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ có thể tham gia vào thị trường tài chính bằng tài sản vô hình - tài sản sở hữu trí tuệ.
Được biết, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên tài sản trí tuệ, dựa trên giá trị tài sản công nghệ. Có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ. Đây là các doanh nghiệp có tiềm năng và có thể phát triển nhanh. Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp được đánh giá tỷ USD, hơn 10 doanh nghiệp được đánh giá hơn 100 triệu USD và rất nhiều doanh nghiệp được đánh giá hàng chục triệu USD. Đây là sự hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư, nhà tài chính, tổ chức tín dụng.
Ông Martin Brassell, Giám đốc điều hành Công ty Inngot |
Theo ông Martin Brassell, Giám đốc điều hành Inngot - một công ty cung cấp dịch vụ xác định, đánh giá, định giá tài sản sở hữu trí tuệ và các tài sản vô hình, khoảng 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam xem khả năng tiếp cận nguồn tài chính là một cản trở lớn cho phát triển. Khoảng 30% tiếp cận được tín dụng ngân hàng, có tới 38% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giới hạn về mặt tín dụng phần lớn vì không đủ tài sản thế chấp.
Việt Nam đã có những biện pháp thúc đẩy đổi mới như hình thành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhằm mục đích thương mại hóa nghiên cứu và phát triển đã hỗ trợ 79 dự án trong năm 2018 và đào tạo 2.000 nhân sự về sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng có một số công cụ để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Bảo lãnh tín dụng...
Tuy nhiên, nếu tài sản vô hình được khuyến khích đưa vào làm tài sản thế chấp, đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ cân nhắc các tài sản trí tuệ và việc bảo vệ tài sản trí tuệ nghiêm túc hơn, đầu tư nhiều hơn vào tài sản trí tuệ.
Ông Martin Brassell cho biết nhiều quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore... đều phát triển tài chính sở hữu trí tuệ. Tại Trung Quóc, ngoài thế chấp bằng sáng chế, các ngân hàng có thể nhận cả nhãn hiệu và quyền tác giả làm tài sản thế chấp.
Từ kinh nghiệm các quốc gia khác, ông Martin Brassell khuyến cáo Việt Nam giai đoạn triển khai ban đầu, có thể tập trung vào một vài ngành cụ thể nhưng không nên giới hạn chỉ những ngành đó. Các ngành có thể có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao như sản xuất và kỹ thuật tiên tiến như công nghệ xanh, năng lượng, vật liệu, máy móc, thiết bị y tế, điện tử, viễn thông, ô tô, với các loại hình tài sản như sáng chế, kiểu dáng nhãn hiệu, bí mật kinh doanh. Các ngành phần mềm, dữ liệu và kỹ thuật số, phần mềm dịch vụ, Fintech, sáng tạo kỹ thuật số... với các tài sản trí tuệ như quyền tác giả, bí mật kinh doanh...
Hiện, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn, quy tắc định giá tài sản sở hữu trí tuệ phù hợp với quốc tế bao gồm Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình bao gồm tài sản trí tuệ. Việc định giá tài sản trí tuệ đã được công nhận cho mọi mục đích như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận... Đây là cơ sở quan trọng để thúc đầy tài chính sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần vốn cho cả 3 giai đoạn mới thành lập, giai đoạn mới vận hành và giai đoạn phát triển. Tài chính sở hữu trí tuệ giúp các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô kinh doanh, nhận được nguồn vốn kịp thời mà không bị pha loãng phần vốn góp.