“Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” (tường thuật trực tuyến)

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 08:32, 23/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra sáng nay (23/6/2021).

Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Từ cuối năm 2018 đến ngày 30/04/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 500 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).

Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD.  sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại do nhiều doanh nghiệp nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền... không có nguồn thu để trả nợ.

Trước thực tế nêu trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm với chủ đề giải quyết nợ xấu trong dịch COVID-19, giải pháp nào để hỗ trợ cho ngành ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp xử lý trong ngắn hạn và dài hạn.

Khách mời toạ đàm gồm: Đại diện Ngân hàng Nhà nước; Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC); Bà Nguyễn Thu Lan – Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Techcombank; Ông Nguyễn Huy Tài – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV; Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải TP. Hà Nội

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đại diện đơn vị tổ chức tặng hoa các đại biểu tham dự tọa đàm

Ban tổ chức và các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại toạ đàm: "Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017,  đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện Nghị quyết; cùng với những quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được hoàn thiện. Nghị quyết 42 cũng khiến thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ… đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất".

Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC: "Nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện..."

Chuyên gia Cấn Văn Lực: " Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua".

Dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội: "Cảm ơn ngành Ngân hàng, các tổ chức tính dụng đã vào cuộc triển khai Nghị quyết 42 một cách cụ thể, giải quyết bức xúc, giảm nợ, lùi thời điểm thu nợ, giảm thuế, phí, rất chính đáng, được quần chúng, doanh nghiệp ủng hộ. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không biết bao giờ mới kết thúc, đề nghị các cơ quan ban ngành có thể kéo dài hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển".

Đại diện Ngân hàng Techcombank: "Dịch COVID-19 chưa kết thúc, và chưa thể đánh giá rõ ràng được những hậu quả chính xác mà dịch bệnh tác động đến ngân hàng. Kinh nghiệm và cũng là bí quyết xử lý của chúng tôi trong thời gian dịch bệnh vừa qua là: Am hiểu khách hàng, phân loại đúng khách hàng và có giải pháp phù hợp. Với khách hàng khó khăn tạm thời do dịch bệnh thì chúng tôi hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Với khách hàng khó khăn lâu dài, bị ảnh hưởng nặng nề thì ngân hàng đồng hành cùng khách hàng tìm các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, xử lý sớm để hạn chế chi phí và lãi phát sinh...

TTTCTT