PwC công bố Chiến lược toàn cầu: Hệ cân bằng mới
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:44, 24/06/2021
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Chiến lược “Hệ cân bằng mới” được PwC xây dựng dựa trên phân tích về các xu hướng toàn cầu cũng như đúc kết từ hàng ngàn cuộc trao đổi thực tế với khách hàng và các bên liên quan xuyên suốt hành trình hơn một thập kỷ không ngừng phát triển của PwC với tăng trưởng doanh thu bền vững và liên tục tái đầu tư.
Chiến lược tập trung vào hai nhu cầu có tính kết nối mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong những năm tới.
Nhu cầu thứ nhất, xây dựng niềm tin - nhu cầu quan trọng, đồng thời đang đặt ra nhiều thách thức hơn bao giờ hết, khi các tổ chức ngày càng cần đạt được niềm tin của các bên liên quan trên nhiều lĩnh vực đa dạng.
Nhu cầu thứ hai, mang lại những kết quả bền vững trong môi trường nhiều biến động, nơi mức độ cạnh tranh và các nguy cơ đứt gãy ngày một lớn, song hành với kỳ vọng tăng cao từ phía xã hội.
Xây dựng niềm tin và mang lại kết quả bền vững - Các lĩnh vực trọng tâm
Mô hình đa ngành của PwC là nền tảng cho chiến lược “Hệ cân bằng mới”, giúp tập hợp một cộng đồng đa dạng, nhiệt huyết để đồng hành cùng các tổ chức trong hành trình xây dựng niềm tin và mang lại các kết quả bền vững.
Mô hình đa ngành đồng thời cho phép PwC đầu tư ở quy mô lớn kết hợp với các năng lực cần thiết để mang lại tác động và kết quả chất lượng cho khách hàng, các bên liên quan và xã hội. Các công ty PwC sẽ đầu tư 12 tỷ USD trong 5 năm tới, tạo ra hơn 100.000 việc làm mới trong mạng lưới các công ty thành viên của PwC, cũng như tiếp tục phát triển kỹ năng cho các lãnh đạo và đội ngũ nhân viên PwC.
Phương pháp tiếp cận của PwC đối với việc xây dựng niềm tin được thiết kế để đáp ứng kỳ vọng đang gia tăng về tính minh bạch cũng như mức độ tham gia của các bên liên quan. Phương pháp là sự kết hợp giữa các kiến thức chuyên sâu về kiểm toán, thuế và tuân thủ với các năng lực chuyên môn gồm an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ESG và trí tuệ nhân tạo (AI).
Phương pháp tiếp cận này ghi nhận tầm quan trọng của chất lượng và ghi nhận rằng báo cáo và tuân thủ chỉ là một mắt xích trong chuỗi bao gồm văn hóa doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo, tiêu chuẩn phù hợp, chứng nhận về chuyên môn, kiểm soát chặt chẽ, công nghệ phù hợp và quản trị chuẩn mực.
Tương tự, việc mang lại các kết quả bền vững đòi hỏi một phương pháp tiếp cận tích hợp. Theo đó, PwC huy động chuyên môn trong các lĩnh vực: chiến lược, dịch vụ kỹ thuật số và điện toán đám mây, kiến tạo giá trị, tư vấn nhân sự và tổ chức, thuế, ESG, tư vấn thương vụ, phục hồi kinh doanh, pháp lý và tuân thủ... và các lĩnh vực khác để mang lại kết quả tối ưu.
Các lĩnh vực đầu tư bao gồm:
ESG. PwC sẽ mở rộng các Trung tâm Nghiên cứu và chia sẻ thông tin (Centres of Excellence) cho các chuyên gia về các chủ đề chính liên quan đến ESG, bao gồm rủi ro khí hậu và chuỗi cung ứng, cũng như thành lập một Học viện ESG toàn cầu cho phép tất cả các lãnh đạo và nhân viên của PwC áp dụng những nguyên tắc ESG cơ bản trong công việc hàng ngày.
Chất lượng. PwC sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng xuyên suốt các lĩnh vực kinh doanh. Khoản đầu tư sẽ bao gồm 1 tỷ đô la Mỹ dành riêng cho việc đẩy nhanh triển khai công nghệ để tăng cường tự động hóa trong việc thực hiện các khung chất lượng kiểm toán, cũng như xây dựng mô hình hiệu quả cho các cuộc kiểm toán trong tương lai.
Học Viện Xây dựng Kỹ năng Lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo ngày nay cần các kỹ năng mới để dẫn dắt và quản trị sự bất định, xây dựng văn hóa hòa nhập và khuyến khích chuyển đổi. PwC có kế hoạch đầu tư vào các học viện để bồi dưỡng các nhà lãnh đạo tương lai, với học viện đầu tiên có trụ sở tại Hoa Kỳ và sau đó ở châu Á - Thái Bình Dương.
Công nghệ. PwC sẽ tiếp tục chiến lược được lấy con người là trọng tâm và công nghệ là động lực. Chiến lược sẽ tiếp tục nhanh chóng mở rộng việc ứng dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, liên kết công nghệ, thực tế ảo và các công nghệ mới nổi khác để mang đến hiểu biết chuyên sâu và tăng cường lợi thế cạnh tranh cho khách hàng.
Tăng cường năng lực và sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương
Chiến lược Hệ cân bằng mới đồng thời thúc đẩy phát triển PwC tại châu Á - Thái Bình Dương, với các khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cao đáng kể khả năng hỗ trợ khách hàng trong khu vực. Đây là một phần trong tham vọng mở rộng quy mô khu vực gấp hai lần vào năm 2026 và giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường.
Như đã đề cập, PwC sẽ thành lập một Viện châu Á - Thái Bình Dương để hỗ trợ các sáng kiến giúp xây dựng niềm tin bên cạnh việc tăng cường các chương trình phát triển nhân tài và lãnh đạo cho khu vực.
Cùng với đó, PwC tại châu Á - Thái Bình Dương có kế hoạch mở rộng quy mô trong một số lĩnh vực quan trọng bao gồm ESG, chuyển đổi số, M&A và năng lực tạo giá trị thương vụ, cung cấp dịch vụ đảm bảo vượt lên các báo cáo tài chính thông thường cũng như củng cố các trung tâm giao hàng trong khu vực.
Mang năng lực và am hiểu địa phương tới khách hàng và cộng đồng tại Việt Nam
Tham gia trong chiến lược Hệ cân bằng mới, PwC Việt Nam đang công bố các kế hoạch đề ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và khách hàng trên thị trường. Tại Việt Nam, các cam kết của PwC bao gồm:
Tiếp tục đầu tư chiến lược vào các giải pháp kỹ thuật số để thúc đẩy số hóa các hoạt động kinh doanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt PwC Marketplace, nền tảng kinh doanh Doanh nghiệp tới Doanh nghiệp (B2B) cung cấp cho khách hàng một loạt các giải pháp doanh nghiệp và đào tạo về công nghệ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân, cùng với các dịch vụ đảm bảo và quản lý rủi ro của chúng tôi để đồng hành và giúp các doanh nghiệp khách hàng định hướng và phát triển trong môi trường biến động phức tạp hiện nay.
Đẩy mạnh những nỗ lực nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực, trao quyền để đội ngũ nhân viên chủ động sử dụng dữ liệu và tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật số như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và máy học, để giải quyết những thách thức mà khách hàng và chúng tôi gặp phải ở nơi làm việc.
“Chúng tôi đang tập hợp nguồn lực tốt nhất về con người, năng lực chuyên môn và công nghệ để hỗ trợ các khách hàng xây dựng niềm tin và mang lại kết quả bền vững cho doanh nghiệp cũng như cho cộng đồng tại Việt Nam”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết.
Cam kết về không phát thải khí nhà kính (Net Zero) và nâng cao minh bạch
Mạng lưới các công ty PwC đang vận động các nguồn lực xoay quanh cam kết về vấn đề không phát thải được thực hiện vào năm ngoái để đạt được mục tiêu khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2030.
Nỗ lực này sẽ liên quan đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh để giảm thiểu khí thải cacbon trong chuỗi giá trị. PwC hiện đang đăng ký các mục tiêu cụ thể dựa trên bằng chứng khoa học, hướng đến các Sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi) và mỗi công ty thành viên đã bổ nhiệm một lãnh đạo để thực hiện các cam kết Net Zero, nhằm thúc đẩy tiến độ dựa trên các kế hoạch của từng quốc gia.
PwC cũng đang nâng cao hơn nữa tính minh bạch về hoạt động trong tổ chức, thông qua việc mở rộng báo cáo dựa trên các chỉ số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới/Hội đồng Kinh doanh Quốc tế, cũng như các khuyến nghị của Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì Phát triển Bền vững (WBCSD).
Theo ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC, những thay đổi sâu sắc trên thế giới đồng nghĩa với việc để thành công, các tổ chức cần tạo ra sự kết nối giữa tạo dựng được niềm tin và mang lại các kết quả bền vững. “Sự hợp tác rộng khắp từ các bên liên quan trong xã hội là rất cần thiết. Dù là vấn đề liên quan tới đại dịch, biến đổi khí hậu, bất công xã hội hay khoảng cách kỹ thuật số, ngày càng có nhiều kỳ vọng về vai trò của các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề chung của xã hội", ông Bob Moritz nhấn mạnh.
Còn tại Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thích ứng linh hoạt trước những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, có những sự thay đổi vẫn đang diễn ra và đang định hình lại nền kinh tế. Thách thức đối với các doanh nghiệp là cần thay đổi nhanh chóng và toàn diện hơn để thu hút vốn, nhân tài và khách hàng. Yếu tố thành công phụ thuộc lớn vào những dịch chuyển mang tính nền tảng trong việc tư duy lại tổ chức doanh nghiệp để làm sao xây dựng niềm tin với các bên liên quan, và đáp ứng những kỳ vọng ngày một lớn của công chúng đối với các tổ chức, doanh nghiệp”.