Vì sao nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau?

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 15:14, 24/06/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vì sao hiện tượng nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau? Việc không được sửa, hủy lệnh và nghi vấn mất công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau, giữa các công ty chứng khoán, giữa nhà đầu tư và tự doanh của công ty chứng khoán.... những câu hỏi, băn khoăn phần nào được lý giải và làm rõ trong buổi Toạ đàm “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp", do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sáng nay (24/6/2021). "

 

Tham dự tọa đàm có ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh HOSE, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCK SSI, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch HĐQT Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Quyền Tổng Giám đốc CTCK VNDirect và ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng Giám đốc CTCK SHS. Đại diện quỹ đầu tư có ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc phụ trách Đầu tư Dragon Capital.

Ông Lê Hải Trà đã trực tiếp giải đáp khá cụ thể những câu hỏi được thị trường rất quan tâm: Vì sao hiện tượng nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau, có lúc 10 ngàn tỷ đã nghẽn, có lúc 30 ngàn tỷ không nghẽn? Không được sửa hủy lệnh, nghi vấn mất công bằng giữa nhà đầu tư với nhau, giữa công ty chứng khoán (CTCK), giữa nhà đầu tư và tự doanh của công ty chứng khoán? Việc kiểm soát lỗi 2G?

Theo ông Lê Hải Trà, mỗi hệ thống được thiết kế với tham số khác nhau, hệ thống của HOSE có tham số chính là số lượng lệnh. Năng lực tối đa của hệ thống là 900 ngàn lệnh. Con đường được thiết kế với số 900 ngàn xe nhưng số lượng thực tế vượt quá dẫn tới tắc nghẽn. Và mỗi lệnh không giống xe trên đường mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Lệnh 100 cổ phiếu, 1.000 cổ phiếu, 1 lệnh sửa hủy lệnh cũng tính là 1 lệnh và tất cả được tính vào số lượng 900 nghìn lệnh. Việc mua 100 cổ phiếu với giá 10.000 đồng khác với 100 cổ phiếu có giá 100.000 đồng, giá trị giao dịch là khác nhau. Điều đó lý do tại sao nghẽn lệnh lại xảy ra ở các mức giá trị thanh khoản khác nhau.

Vấn đề thứ hai là hệ thống có cơ chế phân bổ lệnh, khi một công ty chứng khoán sử dụng hết lượng lệnh phân bổ thì sẽ có tình trạng nghẽn ở công ty đó, không có nghĩa là toàn bộ công ty chứng khoán đều nghẽn. Có những công ty chứng khoán nhỏ chưa sử dụng hết quota lệnh mà hệ thống phân bổ thì vẫn không nghẽn.

Về vấn đề sửa, hủy lệnh, HOSE, các cơ quan quản lý, thành viên thị trường đã có giải pháp nhằm xử lý số lượng lệnh tham gia vào hệ thống giao dịch. Đầu tiên, nâng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu, giảm được 15 – 18% số lượng lệnh. Thực tế, có nhiều lệnh khớp và giá trị giao dịch tăng lên. Tuy nhiên, vì số lượng tài khoản mới mở, số lượng lệnh vào hệ thống vẫn tiếp tục tăng. Bước tiếp theo, nếu nâng lô lên 1.000 cổ phiếu thì giảm được 50% số lượng lệnh nhưng không áp dụng.

Một biện pháp nữa là hạn chế sửa, hủy lệnh. Trước đây, tỷ lệ hủy sửa lệnh là 1/3 tức là khoảng 300 nghìn lệnh chỉ để sửa hoặc hủy lệnh đã đặt. Số lượng lệnh thực tế khớp chỉ 600 nghìn lệnhk. Khi kiểm soát sửa, hủy lệnh thì số lượng lệnh được khớp tăng lên. Sau sự kiện ngừng giao dịch buổi chiều vào ngày 1/6, các công ty chứng khoán đã tham gia kiểm soát sửa, hủy lệnh thì lượng lệnh thực tế khớp tăng lên.

Về lỗi 2G (lỗi kỹ thuật vi phạm quy định giao dịch), khi tình trạng nghẽn xảy ra, lệnh đã khớp trả về bị nghẽn chờ ở ngoài. Trong khi đó, lại có lệnh sửa, hủy của lệnh đó gửi lên hệ thống thì hệ thống phải xử lý. Nhưng hệ thống chỉ có thể xử lý một số lượng lỗi 2G nhất định, nếu lượng lỗi 2G quá nhiều có thể dẫn tới sụp đổ hệ thống. Do đó, Sở phải kiểm soát để hạn chế lỗi 2G này. Khi lỗi 2G ở một công ty chứng khoán vượt quá giới hạn thì Sở sẽ phải ngắt kết nối giao dịch trực tuyến đối với công ty chứng khoán đó để hạn chế nguy cơ hệ thống sụp đổ.

Vấn đề là khi cần hạn chế hủy, sửa lệnh thì hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán khác nhau và một số không có cơ chế cho hủy, sửa lệnh vì vậy cơ quan quản lý không ra văn bản hành chính yêu cầu bắt buộc các công ty chứng khoán mà chỉ có văn bản đề nghị phối hợp. Do vậy, tuỳ vào mỗi công ty chứng khoán có biện pháp khác nhau để hạn chế hủy, sửa lệnh và dẫn tới sự khác biệt trên thị trường.

Bùi Trang