Vị thế của Việt Nam trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của châu Á

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:34, 03/07/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung diễn biến hết sức căng thẳng, Việt Nam đã và đang nhận được sự chú ý ngày càng nhiều hơn từ phía quốc tế như một sự thay thế hoàn hảo cho Trung Quốc trong vai trò công xưởng của thế giới. Sự trỗi dậy như một trung tâm sản xuất với chi phí thấp trong mạng lưới cung ứng châu Á của Việt Nam thậm chí đã được ghi nhận từ trước những căng thẳng quốc tế gần đây.

Sự ổn định chính trị quốc nội trong vài thập niên trở lại đây được xem như yếu tố có ảnh hưởng lớn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm mà Việt Nam xem ra làm tốt hơn nhiều so với láng giềng trong khu vực. Trong báo cáo vừa công bố, The Economist Intelligence Unit (The EIU) – một phân bản của Tạp chí “The Economist” có trụ sở tại London, Anh Quốc đã chỉ ra 3 yếu tố trong môi trường kinh doanh của Việt Nam có đóng góp nhiều nhất cho việc tạo nên tính cạnh tranh của một trung tâm sản xuất khu vực, bao gồm: lao động; chính sách khuyến khích đầu tư; quan hệ thương mại.

Chính sách Đầu tư nước ngoài, Ngoại thương và Kiểm soát TT hối đoái đang là các chỉ dấu mà Việt Nam được đánh giá là vượt trội hơn so với Trung Quốc trong thang điểm đánh giá môi trường kinh doanh của The EIU, dự báo cho giai đoạn 2021-2025 – Nguồn: The EIU

Lao động: trỗi dậy từ xuất phát điểm thấp

Trong vài năm tới, mặt bằng lương trung bình tăng không phải là vấn đề quan tâm nhất của giới doanh nghiệp mà điều họ quan ngại nhất đó là sự khan hiếm nguồn lực lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, sự dồi dào nguồn lực lao động phổ thông sẽ vẫn là thế mạnh phổ quát trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Kể từ sau chiến tranh giành được độc lập hoàn toàn năm 1975, tỷ lệ tăng trưởng dân số cao đã cung cấp cho Việt Nam một lực lượng trong độ tuổi lao động ước tính tới 68 triệu người, tương đương với 70% dân số cả nước. Suy giảm tỷ lệ sinh nở của phụ nữ đã dẫn đến sự sụt giảm tỷ phần lao động phụ thuộc này trong hai thập kỷ gần đây. Kết quả là, Việt Nam đang hưởng lợi từ “sự phân chia nhân khẩu học” theo đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn tương đối so với nhóm nhân khẩu có độ tuổi dưới 15 và trên 64. The EIU dự đoán xu hướng tăng trưởng tỷ lệ lao động này sẽ còn tiếp diễn cho đến tận năm 2045.

The EIU cũng cho biết, nông nghiệp tiếp tục là khu vực thâm dụng lao động nhiều nhất. Tính đến năm 2019, hơn một phần ba lực lượng lao động tập trung trong các khu vực nông, lâm và ngư nghiệp, trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng chi phối. Lao động từ khu vực nông thôn là nguồn cung chính yếu cho các ngành công nghiệp nói chung và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực sản xuất. 

 

Tình trạng dư thừa lao động nông thôn thâm căn cố đế đã cho phép lực lượng lao động chuyển đổi sang khu vực công nghiệp mà không ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của khu vực nông nghiệp. Sản lượng của lao động nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng đáng kể trong những năm gần đây bất chấp làn sóng dịch chuyển nguồn lao động sang khu vực công nghiệp. Sự dịch chuyển này là yếu tố gây cản trở tốc độ tăng trưởng mức lương trung bình của lực lượng lao động phổ thông và tay nghề thấp. Trong khi đó, dự báo thặng dư lao động khu vực nông nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cạn kiệt cho đến hết nửa sau thập niên 2020.

The EIU cũng cho rằng, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng vẫn sẽ là điểm trừ lớn nhất của thị trường lao động Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng đầu ra sinh viên tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp hoặc được đào tạo với bằng cấp tương đương vẫn tiếp tục không đủ đáp ứng cho nhu cầu tuyển dụng. Đây không hẳn là do sự thiếu đối với lực lượng có trình độ chuyên môn cao, mà bởi sự khan hiếm giáo dục cấp tiến liên quan trực tiếp đến nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phân bố lao động theo ngành nghề - Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Việc sửa đổi, bổ sung của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ năm 2020), cùng với Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực từ tháng 1/2021) được The EIU nhận định sẽ giúp đẩy nhanh quy trình xin giấy phép lao động cho các lao động và chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này cũng chỉ phần nào làm dịu đi chứ không làm thuyên giảm áp lực lên mức lương lao động có tay nghề. Điều này sẽ vẫn là điểm tắc nghẽn trong quá trình phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới.

Việt Nam sẽ duy trì mức lương cạnh tranh trong khu vực – Nguồn: The EIU; JETRO

Khuyến khích đầu tư nước ngoài: Tiếp tục tăng cường cơ chế đãi ngộ

The EIU nhận định, các chính sách khuyến khích hiện hữu sẽ ngày càng hạn chế đối với các ngành tạo giá trị thấp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất công nghệ cao đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển đến khu vực giàu nguồn cung lao động sẽ vẫn phải đối mặt với vấn đề đặc nhượng địa lớn trong nhiều năm tới.

Kể từ dấu ấn cải cách những năm 1980s, Việt Nam đã chuyển mình theo hướng phát triển chiến lược hướng về xuất khẩu, ưu tiên đầu tư nước ngoài cho các ngành công nghiệp non trẻ. Các khu công nghiệp ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này kể từ khi Khu công nghiệp đầu tiên được thành lập năm 1991 tại TPHCM. Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những lĩnh vực cụ thể thông qua cơ chế kết hợp của ba loại hình khu kinh tế chính bao gồm: Khu công nghiệp (bao gồm khu công nghiệp và chế biến xuất khẩu); đặc khu kinh tế; các khu công nghệ.

Chính sách khuyến khích dưới ba loại hình khu kinh tế được áp dụng rộng rãi cho các ngành công nghiệp và khu vực có phạm vi quyền hạn. Các doanh nghiệp FDI đủ tiêu chuẩn được hưởng lợi từ chính sách tỷ giá hối đoái thấp và cơ chế miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Phí thuê đất ưu đãi được áp dụng. Các doanh nghiệp công nghệ cao, xe hơi, máy móc thiết bị và các doanh nghiệp sản xuất sử dụng tư liệu sản xuất tiên tiến là đối tượng được hưởng cơ chế đặc biệt này. Ngay cả những doanh nghiệp vận hành ngoại khu vẫn được hưởng lợi từ những cơ chế khuyến khích như một doanh nghiệp nội khu chế xuất nếu họ duy trì hình thức khai quan tại chỗ.

Hơn thế nữa, quy định đạt chuẩn đối với các doanh nghiệp FDI cũng khá linh hoạt theo hướng cho phép các doanh nghiệp lớn được phép thỏa hiệp với Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang đến với chính sách khuyến khích này nhận được ít hơn lợi ích so với thời điểm khoảng một thập kỷ trước đây. Điều này là do Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thỏa thuận thương mại, dẫn đến thuế nhập khẩu giảm, điều đã từng đem lại lợi ích to lớn cho nhập khẩu miễn thuế áp dụng cho các khu chế xuất (EPZ). Trên thực tế, các khu chế xuất trước đây tập trung vào các hoạt động đầu tư nước ngoài nay đã không còn là các hoạt động phổ biến trong giới đầu tư và trở nên kém ưu tiên đối với Chính phủ khi hàng rào thuế quan buộc phải dỡ xuống.    

Trong thời gian tới, tính quy chuẩn trong các cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài sẽ được siết lại theo hướng gia tăng sự tập trung vào các ngành tạo giá trị thặng dư cao, khi chính phủ hạn chế ưu tiên đối với các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng thấp như hóa chất, nhựa, vật liệu chế tạo. Đáng chú ý, lộ trình này sẽ chậm chạp hơn đối với các địa phương kém phát triển trên toàn quốc. Xu hướng này là dấu hiệu kết thúc chiến lược lâu dài của Chính phủ nhằm xây dựng các cụm công nghiệp, lĩnh hội công nghệ và kiến thức rồi chuyển giao cho các doanh nghiệp và người lao động trong nước. Về khía cạnh kinh doanh, góc độ tích cực của quá trình này là làm tăng khả năng tiếp cận kiến thức đầu vào và làm giàu thêm kỹ năng cho lực lượng lao động.

Mặc dù hàng loạt các ngành công nghiệp sản xuất hiện hữu trên toàn quốc nhưng chỉ có rất ít trong số đó có thể phát triển thành các cụm công nghiệp lớn và một số còn chưa tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô gia tăng. Rất nhiều các cụm công nghiệp chính nằm dựa trên bốn khu vực địa lý ưu tiên để phát triển công nghiệp. Đó là các khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng lưu ý đấy là những thiết kế mang tính hành chính và trộn lẫn cả ba loại hình khu kinh tế trong đó hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam.

Trong số các cụm công nghiệp sản xuất này, ngành may mặc và giày da là phát triển tương đối tốt với lao động tiên tiến chuyên môn hóa cao, vận hành sản xuất với quy mô lớn, trải dài rộng khắp cả nước. Sự phân bố tập trung ở khu vực phía Nam, khu vực đô thị TP.HCM và các tỉnh thành vệ tinh lân cận, các cụm nhỏ hơn phân bố phía Bắc lân cận Thủ đô Hà Nội.

Ở đầu kia của phổ phân bố cụm ngành, giá trị xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa xuất khẩu lại che đậy một ngành công nghiệp kém phát triển và hạn chế trong kết nối địa phương. The EIU đánh giá, Việt Nam đang bắt đầu đạt đến ngưỡng đỉnh điểm của sự hội nhập trong sản xuất điện thoại thông minh, với việc nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay – Samsung - đang mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển cùng một nhà máy sản xuất màn hình điện thoại, bổ sung vào hệ thống dây chuyền lắp ráp hiện hữu của mình.

Tựu chung lại, bức tranh đa sắc màu này cho thấy sự kiên định với những cơ chế khuyến khích tốt hơn dành cho các doanh nghiệp sản xuất trong nhiều năm tới. Tác dụng của các cơ chế khuyến khích sẽ bị xói mòn nếu chuỗi giá trị hàng hóa bị giảm đi nhưng đây sẽ là một quá trình tích tụ. Mối quan tâm lớn hơn đối với doanh nghiệp là giá thuê đất, yếu tố đang tăng mạnh đối với các khu vực cận cảng. Tuy nhiên, với những lựa chọn tiếp cận nội vi vẫn còn đủ mạnh, yếu tố này chỉ làm tăng chi phí logistics ở mức phải chăng.

Môi trường địa kinh tế đặc thù

The EIU đánh giá, địa lý Việt Nam là tương đối phù hợp cho hoạt động định hướng xuất khẩu. Đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam có lợi thế trong việc hình thành và xây dựng các cụm cảng nước sâu, cùng với hệ thống sông ngòi lớn có thể luân chuyển ở cả hai miền tạo nên hệ thống vận tải thủy nội địa kết hợp kết nối thuận tiện với các trung tâm đô thị hành chính trên phạm vi toàn quốc. Lợi thế này được xem như là sự bù đắp cho những thiếu hụt của mạng lưới vật lý tải trọng cao kết nối hai đầu Nam Bắc.

Xếp hạng khu vực CSHT – Bất lợi cho các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa Việt Nam. Nguồn: Business Enviroment Rankings/The EIU

Tuyến đường sắt duy nhất nối hai đầu đất nước được xây dựng là hệ thống đường ray đơn, khổ hẹp trong khi dự án đường sắt cao tốc hiện đại vẫn còn trên giấy tờ và sẽ khó hiện thực hóa trong vòng mười năm tới. Hiện trạng tương tự cũng đang là vấn đề đối với hệ thống giao thông đường bộ khi chưa có một mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối đồng bộ hai miền đất nước. Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành vào thập niên 2030.

Hàng không nội địa hiện được xem là tuyến vận tải kết nối nhanh và duy nhất cho đến thời điểm này. Song, bất lợi yếu tố địa kinh tế này lại không được xem như một thách thức chính yếu đối với chiến lược xuất khẩu đường biển bởi các cụm công nghiệp ở mỗi miền được phát triển một cách độc lập tương đối với các cụm còn lại. Tuy nhiên, với điểm xếp hạng về yếu tố cơ sở hạ tầng (CSHT) tương đối thấp trong khu vực sẽ là thách thức tiềm tàng về mặt logisitics, đủ sức cảnh báo dành cho các doanh nghiệp định hướng tiêu thụ nội địa.

Quan hệ thương mại: Vươn tới mục tiêu cạnh tranh

Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước thương mại và có quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác thương mại của mình trong khu vực. Điều này giúp làm giảm chi phí xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép và điện tử tới các thị trường toàn cầu. Với những sút giảm không đáng kể trong các quan hệ thương mại, Việt Nam tự tin tiếp tục duy trì vị thế thuận lợi này.

Việc là thành viên của ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được xem là điểm mạnh cốt yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Là một nhân tố trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có điều kiện xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang các quốc gia trong cộng đồng với mức thuế bằng không. Trong khi đó, các hiệp định thương mại của chính ASEAN với hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới trong vòng 15 năm qua cũng đã đem lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với các khu vực khác ngoài ASEAN; tính hiệu lực của các thương vụ này càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership RCEP) gần đây. Những đặc lợi lớn nhất trong vòng năm năm qua phải kể đến đó là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt nam – châu Âu (EVFTA).

Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, giúp kết nối Việt Nam với 11 nền kinh tế khác ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập từ thấp đến trung bình duy nhất ở châu Á thông qua hiệp định. Mục tiêu dài hạn của hiệp định là nhắm tới sự tự do hóa thuế quan nhưng mục tiêu thiết yếu lại là việc nhắm tới quyền tiếp cận thị trường thông qua lộ trình giảm thuế quan. Việt Nam đang hưởng lợi trong việc mở rộng tiếp cận thị trường Canada và Mexico – hai đối tác mà trước giờ họ chưa có quan hệ thương mại hợp tác tự do song phương riêng lẻ.

Khi những cam kết của Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, các mặt hàng xuất khẩu như máy móc điện tử, giày dép và may mặc đã được tự do một cách đáng kể. Tất cả các mặt hàng máy móc và thiết bị điện tử sản xuất tại Việt Nam mà giờ đây có thể vào thị trường Canada và Mexico một cách phi thuế quan, đã tăng gấp rưỡi về mặt sản lượng so với giai đoạn trước hiệp định. Đây là một động lực tích cực cho Việt Nam nhằm mở rộng tham gia vào thượng nguồn chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử, bởi bản thân chính ngành sản xuất điện tử của Mexico cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Với thị trường Canada, các ngành hàng dệt may, giày dép đang được hưởng mức thuế quan nhập khẩu giảm thiểu đáng kể, mở ra cơ hội rộng hơn cho các ngành hàng tiêu dùng khác của Việt Nam.

Giảm trừ thuế quan theo EVFTA – Nguồn: The EIU; UB châu Âu

Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020, tạo cơ hội tiếp cận lớn hơn nữa cho Việt Nam đối với thị trường từng chiếm tới 15,7% thị phần trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu cả nước năm 2019. Có tới 71% các dòng thuế quan của châu Âu được loại trừ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và chỉ mất khoảng thời hạn 10 năm để khung tự do hóa thuế quan phủ lấp toàn bộ tất cả các mặt hàng. Đổi lại, 65% cá dòng thuế quan hàng hóa châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ ngay lập tức được loại trừ, với hầu hết các dòng thuế quan còn lại sẽ được điều chỉnh về 0% trong thập niên tới.

Sản xuất giày dép được xem là ngành hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA. Khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2019 vào EU của mặt hàng này phải chịu mức áp thuế tới 30%, sẽ chỉ còn là 0% kể từ tháng 8/2020. Đa phần trong số này là các mặt hàng giày thể thao. Ngược lại, may mặc và quần áo xem ra ít hưởng lợi hơn do thị phần nhỏ hơn. Tuy nhiên, đối với quần áo dệt kim lại được hưởng lợi từ việc miễn thuế từ mức thuế hiện hành 20% trong lộ trình thực hiện 6 năm.

Thuế quan đối với mặt hàng cà phê rang xay (chiếm tỷ trọng chính ở Việt Nam là robusta) điều chỉnh ngay về 0%. Việt Nam là quốc gia đối tác xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của EU. Khi mà triển vọng đầu tư trực tiếp từ EU vào ngành sản xuất chế biến cà phê tại Việt Nam còn chưa rõ ràng thì sự điều chỉnh thuế quan là một điều nghiên dành cho các nhà nhập khẩu châu Âu.

Thêm vào đó, những hiệp định này như một sự tương phản với hiện trạng những mối quan hệ bất ổn kéo dài giữa các đối thủ trong khu vực và các quốc gia phương Tây. Thương chiến Mỹ - Trung đã đẩy hàng loạt các dòng thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc lên mức cao và không có kỳ vọng tích cực nào cho thấy sẽ có những thỏa hiệp trong vòng 2 năm tới. Trong khi đó tại quốc gia láng giềng Campuchia đã đánh mất quyền tiếp cận thương mại ưu đãi vào EU từ giữa năm 2020 do những quan ngại liên quan đên bất ổn chính trị, dẫn đến mức thuế quan cao được áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia này. Hiện trạng tương tự cũng đang xảy ra với Campuchia trong thương mại với Mỹ.

Nói như vậy không có nghĩa rằng Việt Nam không có bất cứ trở ngại nào trong tổng hòa các mối quan hệ thương mại của mình. The EIU nhận định, thách thức cho thương mại của Việt Nam sẽ đến từ những căng thẳng quốc tế trong vòng 5 năm tới được kỳ vọng là tương đối khiêm tốn. Một trong số đó có thể kể tới những va chạm với Mỹ trong quan hệ thương mại song phương xuất phát từ hiện trạng bất cân bằng theo hướng thặng dư đối với Việt Nam và thâm hụt cho phía Mỹ, bao gồm cả cáo buộc từ phía Mỹ đối với Việt Nam gần đây về khả năng thao túng tiền tệ.

 

The EIU dự báo Mỹ sẽ áp dụng một số dòng thuế quan nhất định lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2021 dựa trên cơ sở cáo buộc thao túng tiền tệ (mức thuế quan sơ bộ đã được áp dụng đối với mặt hàng vỏ xe sản xuất tại Việt Nam từ cuối năm 2020). Khả năng các dòng thuế quan bị áp thuế sẽ nhắm vào các ngành với giá trị gia tăng đầu ra thấp và Mỹ lại có lợi thế cung ứng nội địa như khoáng sản, sản phẩm gỗ công nghiệp và thủy sản. Song điều quan trọng là những dòng thuế đó là thấp về giá trị lại không được áp dụng ở một phổ đủ rộng để làm phương hại đến tính cạnh tranh của Việt Nam.

Bước tiến nhanh của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cùng tính đa dạng của các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang vận hành úp mở triển vọng dịch chuyển nhanh của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Dù vậy, The EIU dự báo, thâm hụt lao động tay nghề cao vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới. Điều đáng mừng là những cơ chế chính sách cởi mở với đầu tư nước ngoài, quyền tiếp cận các thị trường nước ngoài nhờ sự tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định và định chế thương mại tự do, cùng với mức chi phí lao động cạnh tranh đóng góp bởi lực lượng lao động phổ thông dồi dào vẫn sẽ đảm bảo cho Việt Nam một vị thế hấp dẫn trong vai trò sản xuất gia công đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các đối tác đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại châu Á.

- theo The Economist Intelligence Unit - 

Xuân Hà