Vì sao ngành nước không có sóng?
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:15, 05/07/2021
|
Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 117/2007/NĐ-CP), mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước nhằm đảm bảo không có sự chồng chéo, cạnh tranh giữa các công ty cấp nước trên cùng một địa bàn. Đặc thù này của ngành cấp nước tạo thành lợi thế, điều kiện thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cấp nước. Cũng do đó, ngành nước được dánh giá là một trong số ngành kinh doanh an toàn nhất hiện nay. Thế nhưng cổ phiếu ngành cấp nước thời gian qua chưa thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu doanh nghiệp ngành nước không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và liên tiếp tăng điểm từ năm ngoái tới nay.
Nhìn chung, số lượng doanh nghiệp cấp nước đã cổ phần hóa khá lớn. Một số doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán như BWE, TDM, CLW, TDW… Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom kể cả những doanh nghiệp có quy mô đầu ngành như Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (DNW), Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DNN), Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu (BWS)….
Các cổ phiếu ngành nước đang giao dịch ở Upcom có tình trạng giá cổ phiếu lình xình, thanh khoản kém. Cổ phiếu của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DNN) suốt nhiều năm qua luôn có dư mua giá trần hàng trăm nghìn cổ phiếu nhưng không hề có khớp lệnh. Cổ phiếu của Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa (THN), Công ty cổ phần cấp nước Trà Vinh (TVW), CTCP cấp nước Sóc Trăng (STW) cũng ở tình trạng liên tục dư mua trần mà không có khớp lệnh.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần cấp nước Nhơn Trạch (NTW), Công ty cổ phần Cấp nước Long Khánh (LKW) cũng đăng ký giao dịch ở sàn Upcom, thanh khoản mỗi phiên khá thấp. Công ty cổ phần cấp nước Nhơn Trạch có doanh thu tăng gấp rưỡi trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020, từ 117 tỷ đồng lên 160,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại đi theo chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 42,1 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế năm 2020 chỉ còn 12,1 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay giá cổ phiếu Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (DNW) vẫn lình xình dao động quanh ngưỡng 21-24.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản trung bình mỗi phiên chỉ vài chục nghìn cổ phiếu. Doanh nghiệp này được cổ phần hóa năm 2014, hiện có 9 chi nhánh cấp nước, 2 công ty con và 2 công ty liên kết. Tuy chỉ có vốn điều lệ 1.200 tỷ nhưng Cấp nước Đồng Nai là công ty cấp nước có sản lượng đứng thứ 3 toàn quốc, sau Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Công ty nước sạch Hà Nội (Hawacom) với sản lượng xấp xỉ 450.000 m3/ngày đêm. Cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ 64% vốn điều lệ của Cấp nước Đồng Nai là Tổng công ty Sonadezi, hai cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương (Biwase) nắm 17,7% và Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một nắm 12%.
Theo công bố của Cấp nước Đồng Nai, năm 2020 sản lượng nước sản xuất hơn 130 triệu m3 (tăng 5% so với 2019), tỷ lệ thất thoát nước gần 20%, doanh thu hợp nhất 1.115,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 161,8 tỷ đồng, chia cổ tức 10%. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý I/2021, Cấp nước Đồng Nai đạt doanh thu hợp nhất 281,7 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2021 đạt 64,4 tỷ đồng tăng 16,5% so với quý 1/2020. Theo báo cáo tài chính riêng, quý I/2021, Cấp nước Đồng Nai có doanh thu xấp xỉ quý I năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Một trong số nội dung được dư luận quan tâm ở nhiều kỳ Đại hội đồng cổ đông của công ty mẹ là việc Sonadezi dự kiến thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai: Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ hay một phần, sẽ tiến hành đấu giá hay khớp lệnh hay phương thức khác? Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin về phương án thoái vốn ở Cấp nước Đồng Nai. Đây là vụ thoái vốn thu hút sự chú ý của thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư lớn đang thâu tóm các doanh nghiệp cấp nước ở Việt Nam và nếu đưa cổ phiếu của Cấp nước Đồng Nai lên sàn niêm yết, việc thoái vốn có thể sẽ hiệu quả hơn.
Đây cũng là tình trạng ở nhiều doanh nghiệp ngành nước. Việc chuyển cổ phiếu đang đăng ký giao dịch lên sàn niêm yết sẽ nâng cao tính minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả kinh doanh, đồng thời giúp việc thoái vốn nhà nước có thể thu về được hiệu quả cao hơn cho ngân sách.