Tỷ giá được dự báo ổn định trong dài hạn

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:31, 06/07/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dòng kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao nên cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng. Dự báo cho nửa cuối năm, giới chuyên môn cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể dao động theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế trong ngắn hạn.

Số liệu được đưa ra trong Báo cáo về thị trường tiền tệ tuần từ ngày 28/6 – 2/7 vừa được Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) công bố cho thấy, tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM trong tuần qua  tăng 20 VND/USD chiều mua vào và giảm 10 VND/USD chiều bán ra, qua đó niêm yết ở mức 22.900 - 23.100 VND/USD; mức chênh lệch giữa tỷ giá bán - tỷ giá mua giảm về 200 VND/USD – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 đến nay.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 VND/USD chiều mua vào và 40 VND/USD chiều bán ra, lên mức 23.300 - 23.350 VND/USD.

Với diễn biến hiện tại, các chuyên gia của SSI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB -6,9%; INR –1,7%; SGD -1,8%; PHP-1,6%...).

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong thời gian gần đây, đồng Nhân dân tệ (CNY) tăng khá mạnh so với đồng USD, khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này cũng chịu áp lực gia tăng. Ngoài ra, việc giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khiến cho giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh.

Mặc dù nhập siêu trong nửa đầu năm 2021, các chuyên gia của SSI cho rằng, với dòng kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao nên cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng.

“Chúng tôi cho rằng tình trạng cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm 2021 có thể mang tính chất mùa vụ, một phần do giá cả hàng hóa tăng gần đây và sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2021. Tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể dao động theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế trong ngắn hạn”, các chuyên gia của SSI dự báo.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirea Asset kỳ vọng tỷ giá duy trì ổn định tương đối nhờ vào các yếu tố như: Kỳ vọng cán cân thương mại dần quay lại mức thặng dư khi xuất khẩu tăng tốc trở lại; dòng vốn FDI tiếp tục tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN; đồng USD dự báo sẽ không mạnh lên do các gói kích thích kinh tế qui mô lớn và chính sách hỗ trợ nền kinh tế của FED; vào giữa tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.

“Chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng VND sẽ tăng giá trong biên độ quanh 0,5% so với USD trong năm 2021”, các chuyên gia Mirea Asset kỳ vọng.

Trên thị trường tiền tệ, tuần qua thị trường mở không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần giảm nhẹ về mức 1,147%/năm (giảm 8 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 1,347%/năm (giảm 2 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính đến thời điểm ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng và huy động so với đầu năm lần lượt là 5,47% và 3,13% (so với mức 2,45% và 4,35% cùng kỳ năm 2020); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48%, thấp hơn so với mức 4,59% của cùng kỳ 2020.

Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi giữ ổn định ở mức thấp sau khi đã giảm mạnh trong năm 2020, lãi suất cho vay giảm nhẹ ở các lĩnh vực ưu tiên. “Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 50 điểm cơ bản trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021”.

Lan Nguyễn