Thông tư 39 về cho vay: Nhiều bất cập cần sửa đổi bổ sung
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 15:41, 07/07/2021
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại buổi tọa đàm |
Sửa đổi để phù hợp với thực tiễn
Sáng 7/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Thực tiễn thực hiện Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được ban hành từ năm 2016. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cho vay của TCTD an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng lớn của khách hàng. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế, các quy định về hoạt động cho vay tại Thông tư 39 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, cần được Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp, trên cơ sở phản ánh của các TCTD.
Báo cáo về những tồn tại trong quá trình thực hiện Thông tư 39, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, một trong những vấn đề chung cần xem xét sửa đổi, bổ sung là những quy định cho phép hoạt động cho vay có sử dụng phương thức điện tử. Hiện nay các TCTD đều đang từng bước số hóa các hoạt động ngân hàng. Đây cũng là định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp hiện nay. Trong khi đó pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn, điều chỉnh về hoạt động cho vay điện tử này dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng phát biểu |
Với hiện trạng này, ông Nguyễn Thành Long cho biết ý kiến từ các TCTD hội viên đều đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nghiên cứu, ban hành các hành lang pháp lý cụ thể về hoạt động cho vay có sử dụng các phương thức điện tử theo hướng bổ sung quy định cho phép TCTD được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn.
Trong đó, cho phép TCTD được áp dụng cơ chế thẩm định, phê duyệt tín dụng qua phương thức điện tử, thẩm định và phê duyệt tự động bằng hệ thống phần mềm đối với các khoản cho vay giá trị nhỏ, eKYC khách hàng tín dụng thực hiện qua kênh điện tử hoặc do TCTD thu thập/sử dụng thông tin từ bên thứ 3 độc lập trên thị trường làm căn cứ cho vay, giải ngân, kiểm soát, tránh hiện tượng trùng lặp một hồ sơ điện tử giải ngân tại nhiều TCTD.
Đồng thời, hướng dẫn cụ thể quy định về chữ ký tại quy định tại Điều 32 Thông tư 39 “Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền” và Điều 96 Luật các TCTD theo hướng chữ ký có thể là chữ ký trực tiếp hoặc chữ ký điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử.
“Về chữ ký trên quyết định cho vay, cần quy định cho phép TCTD có thể quyết định áp dụng việc thiết lập và lưu quyết định cấp tín dụng bằng bản cứng - có chữ ký 'tươi" của người có thẩm quyền, bản mềm - có xác nhận của người có thẩm quyền thông qua các loại chữ ký điện tử theo pháp luật về giao dịch điện tử” – ông Nguyễn Thành Long nêu.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định hướng dẫn về cách thức xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến, cho phép các TCTD được quyết định áp dụng cơ chế xác lập thỏa thuận cho vay với khách hàng trên kênh trực tuyến với điều kiện đảm bảo có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận cho vay.
“Việc cho phép xác lập thỏa thuận cho vay trên kênh trực tuyến là phù hợp với xu hướng phát triển hoạt động cho vay và quy định này cũng phù hợp với cách thức đang áp dụng đối với mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử” – ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Một nội dung quan trọng các ngân hàng thống nhất kiến nghị là hoạt động cho vay nhỏ lẻ và các khoản vay có tính chất an toàn. Đối với các khoản vay có tính chất an toàn về tín dụng như các khoản vay bảo đảm 100% giấy tờ có giá và các khoản vay có tính chất tiêu dùng, phục vụ đời sống có giá trị nhỏ, Thông tư 39 vẫn yêu cầu các TCTD phải thực hiện đầy đủ công tác thẩm định, phê duyệt, giao kết hợp đồng, kiểm tra sau vay,… như các khoản vay lớn. Việc này đang gây tốn kém về thời gian, chi phí cho các TCTD và không mang lại hiệu quả thực tế trong việc đảm bảo chất lượng tín dụng.
Để tạo điều kiện cho bộ phận khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn vốn an toàn từ ngân hàng, hạn chế các hoạt động cho vay nóng, nặng lãi ngoài thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, các ngân hàng có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung các quy định cho phép các TCTD có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng đơn giản các thủ tục, trình tự về cho vay (hồ sơ vay vốn; phương thức/cách thức thẩm định, phê duyệt; xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; thẩm định, phê duyệt; đến xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; giải ngân vốn vay) trên cơ sở bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Bên cạnh đó, ý kiến của các đại diện ngân hàng tại buổi Tọa đàm còn nêu một số vướng mắc cụ thể trong từng quy định của Thông tư 39 như quy định về chủ thể vay vốn chỉ có cá nhân, pháp nhân trong khi trong nền kinh tế còn nhiều chủ thể khác như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác… Hay như quy định phương án sử dụng vốn khả thi còn nhiều vấn đề cần làm rõ, “phương án sử dụng vốn khả thi” có phải là “phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh có hiệu quả/có khả năng thực hiện” hay không? Đối với trường hợp các khoản cấp tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết của khách hàng, có nguồn trả nợ khác và vẫn đáp ứng quy định thì có thể đánh giá là “phương án sử dụng vốn khả thi” hay không?.
Thực tế khi cấp tín dụng trung dài hạn để đầu tư dự án, có rất nhiều trường hợp khách hàng doanh nghiệp có phương án sử dụng vốn với NPV - giá trị hiện tại ròng < 0, nhưng khách hàng chứng minh được có đủ nguồn thu để trả nợ từ chính phương án/dự án được tài trợ và các nguồn thu nhập trả nợ hợp pháp khác của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay Thông tư 39 chưa đề cập cụ thể đến trường hợp này.
Đại diện các ngân hàng tại buổi tọa đàm cũng đề cập đến một số bất cập khác như quy định về thời hạn cho vay, điều kiện vay vốn, không được cho vay để trả nợ khoản vay tại chính TCTD đó, lãi suất cho vay, phí liên quan đến hoạt động cho vay…
Ảnh chụp màn hình trực tuyến |
Ý kiến từ khối ngân hàng nước ngoài nhấn mạnh mong muốn Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy định về vay và cho vay thông qua các phương tiện điện tử hiện đại, phù hợp với xu hướng công nghệ số, tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Theo đại diện khối ngân hàng nước ngoài, quy trình không chỉ cho vay tự động, cho vay qua app, áp dụng chữ ký số mà còn cần giảm thiểu giấy tờ đi kèm đối với các khoản cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, đặc biệt là ở khâu kiểm tra giám sát quy trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước nên để các ngân hàng linh hoạt áp dụng phương thức theo dõi sau giải ngân có thể là qua điện thoại, email, hoặc thăm trực tiếp khách hàng. Bên cạnh đó là việc xem xét để thống nhất một số quy định trong các thông tư liên quan (như Thông tư 39, Thông tư 02, Thông tư 41).
Hiệp hội Ngân hàng sẽ đồng hành trong quá trình sửa đổi Thông tư 39
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự cuộc tọa đàm nhìn nhận các ý kiến của các ngân hàng xác đáng, xuất phát từ thực tiễn hoạt động. Về giải quyết các vấn đề cụ thể, cơ quan quản lý sẽ phối hợp giữa các đơn vị, xem xét và đề xuất kiến nghị.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện các Vụ, Cục chức năng của NHNN đều đánh giá các kiến nghị của các TCTD đều xác đáng, phù hợp với thực tế và xu thế phát triển.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, Vụ Tín dụng đã tiếp nhận được thông tin hai chiều và thấy có rất nhiều điểm chung. Với góc độ là đơn vị chức năng, Vụ Tín dụng sẽ phối hợp các Vụ chức năng khác tham mưu cho lãnh đạo NHNN, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu |
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, bà Hà Thu Giang cũng cho biết, NHNN đang lên kế hoạch sửa đổi các thông tư liên quan đến Thư tín dụng (L/C). Dự kiến trong tháng 8/2021 sẽ có dự thảo thông tư gửi lấy ý kiến các đơn vị và các TCTD. “Hy vọng các TCTD sẽ xem xét góp ý kỹ hơn, để khi thông tư được ban hành sẽ giải quyết được các xung đột hiện nay và xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hoạt động L/C”, bà Hà Thu Giang chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN đánh giá sự quan tâm của các TCTD đối với Thông tư 39 và có nhiều ý kiến xác đáng. Qua phản ánh cho thấy, tính tuân thủ của các TCTD đối với Thông tư 39 rất cao.
Liên quan đến một số kiến nghị, ông Phạm Chí Quang cho biết, NHNN cũng đã nghiên cứu và trong thời gian tới sẽ tổng hợp lại ý kiến từ các Vụ, cục chức năng của NHNN, từ đó tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN để sửa đổi Thông tư 39 theo hướng giúp hoạt động của các TCTD được đảm bảo an toàn, lành mạnh, đồng thời hỗ trợ các TCTD thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch với khách hàng.
|
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, 5 năm trước đây khi ban hành Thông tư 39, triết lý của NHNN là cố gắng tối đa giao quyền chủ động cho TCTD. Với toàn bộ nội dung được các TCTD chia sẻ, NHNN sẽ tiếp thu và tối đa hóa để điều chỉnh, sửa đổi trong qua trình sửa Thông tư 39 tới đây. Tuy nhiên, ông Phạm Chí Quang cũng nhấn mạnh: “Những cái gì đã quy định trong Luật các TCTD thì không vượt qua được. NHNN không có thẩm quyền để vượt qua. Qua các kiến nghị của các TCTD, những nội hàm nào NHNN thấy có thể sử dụng được khi Luật các TCTD chưa sửa thì chúng tôi sẽ cố gắng tối đa sửa Thông tư 39 cho phù hợp, đáp ứng điều kiện giao dịch của các TCTD trong thời gian tới”. Đi vào vấn đề cụ thể, ông Phạm Chí Quang cho biết, một số kiến nghị của TCTD đã thể hiện nỗi bức xúc rất lớn của những người thực thi pháp luật (các cán bộ tín dụng, cán bộ giải ngân các khoản vay… của các TCTD). Tất cả các câu hỏi đang đặt ra (cho vay cá nhân, cho vay tiêu dùng có cần phải quy định một cách đồng bộ, có các quy định giống như cho vay doanh nghiệp với mức giải ngân hàng nghìn tỷ đồng hay không?; tài sản bảo đảm có tính thanh khoản 100% là tiền, đó là Sổ tiết kiệm, cần gì phải thẩm định khoản vay nữa?...) đều có tính logic, thực tiễn và rất hợp lý. “Khi soạn thảo thông tư chúng tôi thấy những câu hỏi đó rất xác đáng. Tuy nhiên, Luật các TCTD quy định như thế nào thì chúng ta không thể làm trên luật, trái luật được, mà phải tuân thủ”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Liên quan đến ngân hàng số, chuyển đổi số, ông Phạm Chí Quang cũng cho biết, trong văn bản NHNN có gửi các TCTD nhấn mạnh rất nhiều đến chuyển đổi số, ngân hàng số. Ở Việt Nam cũng đang bàn rất nhiều về ngân hàng số, chuyển đổi số nhưng xâu chuỗi lại trở thành tính hệ thống hóa thì lại chưa đạt được. Hiện tại các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore… đã cho phép ngân hàng số hoàn toàn. Trên thực tế, tất cả những câu chuyện liên quan đến ngân hàng số, chuyển đổi số đều được NHNN tính đến, có nghiên cứu đến nhưng các quy định pháp luật vẫn chưa cho phép triển khai.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá các ý kiến đóng góp của các TCTD hết sức cụ thể, phản ánh những vướng mắc đang diễn ra hàng ngày, thường xuyên trong hoạt động của các TCTD. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trên cơ sở bảo vệ quyền lợi hội viên phù hợp với quy định pháp luật sẽ kiến nghị cơ chế cho vay phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh 2 nội dung hiện nay các TCTD cần nhất, bức xúc nhất đó là: việc đưa ra tiêu chí cho vay phù hợp với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng; các khoản vay an toàn, đồng thời áp dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động cho vay. Cần rà soát lại các thông tư, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật các TCTD để hạn chế thấp nhất sự chồng chéo, ban hành văn bản phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mong muốn có sự phối hợp với cơ quan quản lý để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhất với hoạt động cho vay và đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa lợi ích các TCTD và Nhà nước, đảm bảo an toàn hệ thống. Sau buổi tọa đàm, Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp các ý kiến và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước để có cơ sở xem xét, sửa đổi Thông tư 39.