Khơi thông dòng tín dụng trong mùa dịch COVID-19

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 06:08, 12/07/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không chỉ tích cực chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tích cực khơi thông dòng vốn tín dụng thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

Tích cực, chủ động hỗ trợ khách hàng

Các số liệu thống kê về kinh tế xã hội cho thấy, đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3 và lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 5/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480 nghìn khách hàng.

Không chỉ vậy, các TCTD cũng tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hầu hết các TCTD đã công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, ví như: Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh; Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên 200.000 tỷ đồng với mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1%-1,5% so với kỳ trước; VietinBank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của VietinBank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Một số NHTMCP, ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đã tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp, như: Bac A Bank, MSB, ABBank, HDBank, VPBank, VIB, PVcombank, Nam A Bank, Techcombank, BAOVIET Bank, SCB, UOB (Singapore), HSBC... Trong đó, điển hình là VPBank vừa tiếp tục đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo (vay tín chấp) với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng cùng lãi suất giảm tới 2%/năm, nhằm hỗ trợ các DNVVN vượt qua đại dịch COVID-19;

Hay HDBank cũng dành riêng gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị – vật tư y tế, với hạn mức bảo lãnh lên đến 200% giá trị tài sản là hợp đồng tiền gửi/sổ tiết kiệm, hoặc lên đến 150% giá trị tài sản là bất động sản; cấp hạn mức cho vay lên đến 120% giá trị tài sản là hợp đồng tiền gửi/sổ tiết kiệm; hoặc lên đến 90% giá trị tài sản là bất động sản; không cần phải quản hàng hóa.

Ngày 7/7 vừa qua, 3 NHTM gồm: SeABank, MSB và SHB đã ký kết hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, nhằm giúp hãng hàng không quốc gia vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19

Tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân trong đại dịch

Chia sẻ về các giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, bên cạnh việc thực hiện cơ cấu nợ cho các khách hàng theo Thông tư 01, Thông tư 03 của NHNN, Vietcombank cũng tiến hành nhiều đợt giảm lãi, giảm phí nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19. Ngân hàng luôn duy trì mặt bằng lãi suất thấp so với thị trường và triển khai cải tiến quy trình cấp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận được đồng vốn từ ngân hàng.

"Đấy là những giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai trong những giai đoạn khó khăn này để hỗ trợ cho các khách hàng tiếp cận được nguồn vốn một cách kịp thời và với chi phí thấp để hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Việc đồng hành cùng các khách hàng trong những giai đoạn khó khăn đã giúp chúng tôi có được sự quan tâm, hợp tác lâu dài của khách hàng", ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch cũng là hướng đi được VPBank chú trọng. Chia sẻ về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) vừa được triển khai, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối DNVVN VPBank cho biết, tại thời điểm này, không ít DNVVN muốn mở rộng hoặc duy trì kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính lại thận trọng “mở cửa” với cộng đồng này bởi nhiều lý do như doanh nghiệp thiếu hoặc không có tài sản thế chấp. Do vậy, việc tiếp cận vốn của DNVVN không hề dễ dàng. "Bằng các tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ tối đa, chúng tôi hoàn toàn có thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề về vốn cũng như tiếp sức vận hành trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp như hiện nay”, ông Đào Gia Hưng cho biết.

Về định hướng chung trong toàn hệ thống, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...). Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng COVID-19 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực...

"Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương đang có dịch đợt 4, cần chủ động đánh giá thiệt hại, khó khăn và đề xuất, kiến nghị; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Ngô Hải