Hiệp hội Ngân hàng phát huy vai trò phản biện, hoàn thiện cơ chế chính sách

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 17:35, 15/07/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 15/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ nhất nhiệm kỳ VII (2020 – 2024), trong bối cảnh cả nước và ngành Ngân hàng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực đẩy mạnh các mặt hoạt động, kinh doanh đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh hội nghị

Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị thường niên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số 193 Bà Triệu (Hà Nội) và kết nối tới các điểm cầu của 74 tổ chức hội viên.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết ngay sau Đại hội nhiệm kỳ VII, Hội đồng Hiệp hội, Cơ quan thường trực, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức hội viên đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII, nỗ lực, xử lý kịp thời những công việc phát sinh, hoàn thành một khối lượng lớn công việc, được các cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên ghi nhận đánh giá tích cực.

Những kết quả ấn tượng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Báo cáo chi tiết về những kết quả đã thực hiện, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã thể hiện được vai trò bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên đồng thời tham gia phản biện chính sách, góp ý, kiến nghị  đến các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động.

Cụ thể, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội đã tham gia góp ý 3 Luật, 5 Nghị định, 16 Thông tư và nhiều văn bản liên quan khác. Trong đó, đáng chú ý là việc tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, tham mưu với Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và tổ chức phổ biến, triển khai trên toàn hệ thống sau khi Nghị định này ban hành; Tham gia tổ soạn thảo của Bộ Tư pháp sửa đổi Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm; Góp ý Dự thảo Nghị định định danh và xác thực điện tử với 18 nội dung được Bộ Thông tin và Truyền thông đa phần tiếp thu…

Hiệp hội Ngân hàng làm tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên một cách thiết thực. Hiệp hội báo cáo kịp thời Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tình hình thực hiện thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C), tổ chức hội thảo, có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thực hiện thu thuế GTGT theo đúng bản chất L/C và thông lệ quốc tế, không truy thu (hồi tố) thuế giá trị gia tăng đối với L/C từ năm 2011.

Hiệp hội Ngân hàng đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 phản ánh các khó khăn, vướng mắc làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID 19 – Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp xử lý trong thời gian tới”.

Hiệp hội đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, của tổ chức hội viên trong việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC; tổ chức tọa đàm về những vướng mắc, bất cập của các TCTD trong triển khai thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và có những kiến nghị, đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung văn bản này.

Một nội dung quan trọng không thể không nhắc đến là việc phản ánh vướng mắc trong quản lý tài sản đảm bảo là xe ô tô tại ngân hàng với Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Các ý kiến của Hiệp hội rất xác đáng, vừa bảo vệ quyền lợi của ngân hàng và khách hàng nên các cơ quan quản lý sau khi nhận được văn bản đều tiếp thu.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đã kiến nghị và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, gia hạn lộ trình chuyển đổi thẻ Chip chuẩn VCCS, đảm bảo công bằng giữa các ngân hàng, giảm được chi phí.

Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động của 2 ủy ban chuyên môn là Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ; cải tiến giao diện, nâng cao chất lượng Tạp chí và Trang tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng; tổ chức Lễ kết nạp hội viên đối với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Hiệp hội Ngân hàng cũng chú trọng đổi mới công tác phát triển hội viên, đào tạo, hợp tác quốc tế, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng ASEAN hoàn thành thủ tục giới thiệu lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII trên trang thông tin của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN.…

Tiếp tục kiến nghị tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các hội viên

Từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, giải quyết; Đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn tại Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án và những hồ sơ vướng mắc, khó khăn khi xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm đã được tổng hợp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

 

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo: Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại bản án kinh doanh thương mại liên quan đến hoạt động ngân hàng dưới góc nhìn của Viện Kiểm sát; Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam năm 2021; Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật; Hội thảo – Triển lãm Future Banking; hội thảo đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các cuộc tọa đàm góp ý về dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT- NHNN, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 52/2018/TT-NHNN...

Hiệp hội Ngân hàng tổ chức làm việc với 16 TCTD bàn phương án đồng thuận về việc giảm  lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới của khách hàng theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, trước mắt tập trung góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN về quy định xếp hạng TCTD, CNNHNNg; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)…

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: “Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành từ năm 2014, một số quy chế, quy định nội bộ ban hành từ năm 2004, 2008, chưa được cập nhật, bổ sung, nên một số hoạt động chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Hiệp hội đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện một số qui chế, qui định thuộc thẩm quyền của Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký, cho phù hợp với thực tế hoạt động”.

Kết luận Hội nghị, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng cho biết Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp thu các ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với với hoạt động phản biện chính sách, thay vì lấy ý kiến các tổ chức hội viên bằng văn bản, sẽ có hình thức lấy ý kiến trực tuyến, khuyến khích các tổ chức hội viên tham gia ý kiến xây dựng chính sách ngay từ đầu. Hiệp hội sẽ xem xét, nghiên cứu để xây dựng các chuẩn mực nghiệp vụ, hoạt động ngân hàng.

Hội nghị thông qua Nghị quyết với những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cũng như đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tạo vị thế và phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của Hiệp hội đối với hội viên đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, làm thủ tục bước đầu tham gia Hiệp hội Ngân hàng châu Á.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu:

 

Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội thời gian qua. Mong Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục đổi mới, đóng góp vào thành công của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Ngoài nhiệm vụ, phương hướng trong Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ VII, Hiệp hội Ngân hàng cần tập trung hơn nữa nhiệm vụ phản biện chính sách. Theo đó, Cơ quan thường trực nên tăng cường các buổi làm việc mang tính đối thoại với cơ quan quản lý Nhà nước; kết nối thành viên, phổ biến, giới thiệu, quán triệt chính sách tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương chính sách đã ban hành. Trong công tác về nghiên cứu và đào tạo,  Hiệp hội có thể xây dựng các chuẩn mực về nghề nghiệp, nghiệp vụ hướng dẫn, định hướng cho hoạt động của hội viên và đây cũng có thể là gợi ý cho cơ quan quản lý xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách.

 

Bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ: Ghi nhận các kết quả hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian qua. Hiệp hội tuân thủ đúng quy định pháp luật về hội, hoạt động bám sát Điều lệ, khắc phục những tồn tại khi có quy định về thay đổi con dấu, thay đổi quy định hoạt động. Hiệp hội Ngân hàng là một trong số ít các tổ chức hội hoạt động thường xuyên, bám sát định hướng của cơ quan quản lý chuyên môn để thiết kế nội dung hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích trong Điều lệ. Hiệp hội làm tốt vai trò cầu nối, kết nối, tập hợp hội viên. Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục rà soát quy định nội bộ và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật mới, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động cho phù hợp, thiết thực hơn nữa.

 

Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phụ trách hoạt động HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank): Kết quả 6 tháng đầu năm 2021 của Hiệp hội Ngân hàng rất ấn tượng, thực sự là cầu nối, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên và mang lại kết quả rõ nét.

 

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Chúng ta cần kết nối với tổ chức hội viên trong Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, các ủy ban của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN để trao đổi kinh nghiệm về quản trị, phát triển ngân hàng xanh.

 

Ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): Đề xuất nghiên cứu tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo, tọa đàm về chủ đề công nghệ ngân hàng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng trong và ngoài nước

 

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc VietinBank: Thời gian tới Uỷ ban Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một số toạ đàm liên quan đến việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức hội viên trong đối phó với thủ đoạn của hacker; Kiến nghị với nhà mạng xử lý vấn đề giả mạo tin nhắn SMS thương hiệu ngân hàng bởi khách hàng đang hiểu lầm tin nhắn đó là từ ngân hàng trong khi các ngân hàng phải trả cho nhà mạng phí tin nhắn brandname rất cao. Các nhà mạng cần phải có trách nhiệm về vấn đề này.

Nhóm PV