Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:20, 15/07/2021
|
Được biết, trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, kết quả kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán HVN) khá tốt, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ vào ngân sách. Doanh thu công ty tăng trưởng đều đặn, doanh thu các năm 2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 70.571 tỷ đồng, 83.533 tỷ đồng, 97.589 tỷ đồng và 99.100 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng từ 2.600 tỷ năm 2016 lên 3.388 tỷ đồng năm 2019. Chỉ số EPS tăng từ 1.484 đồng/cổ phiếu vào năm 2016 lên 1.789 đồng/cổ phiếu năm 2019. Tổng các khoản nộp ngân sách tăng từ 4.460 tỷ đồng năm 2016 lên tới 7.930 tỷ đồng năm 2019.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của ngành hàng không. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới. Việc hạn chế đi lại vì dịch bệnh dẫn tới số chuyến bay giảm mạnh, sản lượng hành khách toàn cầu giảm 60,5%, chỉ tương đương với lượng hành khách được vận chuyển năm 2003, dẫn tới doanh thu của ngành giảm 510 tỷ USD so với năm 2019 và khiến cho đa số các hãng hàng không trên thế giới đều thua lỗ.
Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines cũng chịu ảnh hưởng, từ tháng 3/2020, hãng đã phải ngừng tất cả các đường bay quốc tế thường lệ, chỉ còn khai thác các chuyến chở khách hồi hương hoặc kết hợp chở hàng tuân theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Số chuyến bay giảm mạnh khiến cho lượng khách vận chuyển năm 2020 chỉ đạt 14,1 triệu lượt khách (giảm 38,3% so với 2019), dẫn tới doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines giảm già nửa so với 2019 và tạo ra khoản lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất là 11.178 tỷ đồng và trên báo cáo tài chính công ty mẹ là 87.54 tỷ đồng.
Chính phủ đã có chủ trương chính sách hỗ trợ cho Vietnam Airlines, gói hỗ trợ đầu tiên 4.000 tỷ đồng đã được giải ngân và có thêm 8.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục được bơm cho Vietnam Airlines thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Để vượt qua khó khăn, Vietnam Airlines không chỉ trông đợi sự hỗ trợ vốn từ bên ngoài mà bản thân công ty cũng đang phải tự vươn lên để cứu mình, đẩy mạnh tái cấu trúc, cắt giảm chi phí.
Vietnam Airlines đã triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó như tổ chức lại sản xuất để phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; thực hiện triệt để việc tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi; đàm phán với các đối tác để giảm giá và hoãn tiến độ thanh toán, tái cơ cấu các khoản nợ vay trong và ngoài nước để giảm áp lực dòng tiền; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết…
Công ty cũng triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để bổ sung dòng tiền và cải thiện thu nhập. Đẩy mạnh tái cơ cấu lao động, thu nhập của người lao động được điều chỉnh, cân đối; tổ chức lại sản xuất, tinh gọn nguồn lực, kêu gọi sự đồng lòng chia sẻ của người lao động để vượt qua khó khăn. Năm 2020 quỹ tiền lương thực hiện bằng 49% năm 2019. Hãng chủ động tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia… Năm 2020 HVN thực hiện gần 3.700 chuyến bay chuyên chở hàng, mang lại khoản doanh thu ước đạt trên 2.800 tỷ đồng.
Những cố gắng đó giúp hãng hạn chế được một phần thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra, mức lỗ hợp nhất năm 2020 giảm được 4.217 tỷ đồng so với dự kiến. Năm 2020, Tập đoàn VNA Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) tiếp tục giữ thị phần nội địa số 1 tại Việt Nam. Hãng đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu của VNA Group tại Việt Nam về thị phần vận tải hàng không hành khách (trên 50% thị phần Nội địa, trên 25% thị phần Quốc tế)
Thời gian tới Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản trị, thực hiện tốt hơn công tác quản lý giá thành, tiết kiệm triệt để chi phí, hoàn thiện quy trình nội bộ, tái cơ cấu tổ chức bộ máy trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu sử dụng nguồn lực (lao động, máy bay...) và nâng cao hiệu quả.
Đến ngày 31/12/2020, tổng số lao động của toàn tổng công ty là 21.127 người, bao gồm 6.197 của công ty mẹ và 14.930 người của các công ty con, công ty liên kết. Bộ máy còn tương đối cồng kềnh với nhiều phòng ban và số lượng lao động khá lớn có thể tạo ra gánh nặng cho VietnamAirline trong tình trạng dịch bệnh, đòi hỏi cần phải tinh gọn, nâng cao năng suất lao động...
Năm 2021, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, hãng hàng không quốc gia đạt 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và hoàn thành 61% kế hoạch năm, lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết thời gian hồi phục của Vietnam Airlines, phụ thuộc vào đại dịch được kiểm soát. Trên thị trường quốc tế, IATA dự kiến đến tháng 7/2024 mới phục hồi, tức là kéo dài thêm 1 năm so với trước, Vietnam Airlines dự báo sang đầu năm 2022 có khả năng phục hồi, nhưng với những diễn biến như hiện nay, mốc thời gian này có lẽ phải đẩy lùi xa hơn.
Được cổ phần hóa từ năm 2014, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.183 tỷ, phần vốn nhà nước chiếm 86%, cổ đông chiến lược là Hãng hàng không Nhật Bản ANA Holdings nắm giữ 8,77%. Tính đến 31/12/2020, HVN có 15 công ty con, 5 công ty liên kết. Tại thời điểm cổ phần hóa, Vietnam Airlines và các công ty con quản lý và sử dụng 991.446 m2 đất ở nhiều vị trí đắc địa. Vietnam Airlines trực tiếp quản lý 37 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 301.902 m2. Công ty TNHH VINAPCO quản lý 36 cơ sở đất với tổng diện tích là 293.990,45 m2. Công ty VAECO đang quản lý 5 cơ sở đất đều nằm trong khu vực cảng hàng không sân bay, với tổng diện tích là 395.573,5m2. Một số cơ sở nhà đất có vị trí đẹp như 309m2 ở 25 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; 5.006m2 đất liên doanh khách sạn ở 27B Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM; 28.492m2 tại Khối cơ quan Vietnam Airlines, 2.728m2 đất kho hàng và 3.426 m2 đất khu đội xe ở cùng địa chỉ 200 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; 43.686m2 ở Trụ sở Xí nghiệp Vận tải Xăng dầu Hàng không và 3.852m2 Trụ sở công ty TNHH MTV xăng dầu hàng không ở cùng địa chỉ 202 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; 5.125,5m2 ở 100 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội; 5.798m2 ở 114 Bạch Đằng, Q. Tân Bình, Tp.HCM, 18.733m2 ở khu vực đoàn bay sân bay Tân Sơn Nhất số 1 đường Hồng Hà, Tp.HCM, 3.126m2 ở đất khách sạn quá cảnh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất 108 Hồng Hà, quận Tân Bình, Tp.HCM… |