"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Tin tức - Ngày đăng : 10:57, 26/07/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh những mục tiêu cụ thể về: GDP, GDP bình quân đầu người, kinh tế số đạt, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ bội chi NSNN... Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Chính phủ cũng cho biết, trong quá trình phát triển sẽ từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đang diễn ra từ ngày 20/7 – 31/7/2021, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Quan điểm phát triển được nêu trong Kế hoạch tập trung vào các điểm sau:

Thứ nhất, bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ngày càng dựa nhiều hơn vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước, lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ hai, tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng thể chế gắn với tổ chức thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; phát triển nhanh, hài hòa, hợp lý, hiệu quả hơn giữa các vùng kinh tế, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Thứ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế; phát huy tối đa nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Mục tiêu phát triển tổng quát bao gồm: bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016- 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Cùng với đó là, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính phủ cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có các chỉ tiêu về kinh tế bao gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45%; tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng thời chủ động chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến động trên thế giới và trong nước.

Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu đối với các cân đối lớn của nền kinh tế, cụ thể: (1) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27% GDP và duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73% GDP; (2) tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; (3) tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 16% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP để ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược, ngưỡng an toàn nợ công 55% GDP và nợ Chính phủ 45% GDP; (4) bảo đảm cân đối năng lượng quốc gia. 

Thanh Hải