GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD
Tin tức - Ngày đăng : 15:59, 28/07/2021
Toàn cảnh phiên họp |
Với 475/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong phiên họp chiều ngày 27/7.
Theo đó, mục tiêu tổng quát trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID -19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân...
Một số mục tiêu cụ thể của nghị quyết là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; dẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số…
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến hết ngày 25/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận lại được 369 ý kiến, trong đó có 284 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 85 ý kiến tham gia một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung: phát triển giáo dục – đào tạo; tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người dân tại nông thôn; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phát triển kinh tế số; chủ động phòng chống thiên tai; từng bước phát huy vai trò dẫn dắt trong các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu tổng quát cần khái quát, ngắn gọn, súc tích. Các nội dung trên đã được cụ thể hóa trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc mục tiêu “phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020” vì dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; sửa nội dung: “nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế” thành “bảo đảm kinh tế được phục hồi, từng bước tăng trưởng nhanh và bền vững”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh. Nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những nội dung đặt ra để quyết liệt phấn đấu trong những năm đầu nhiệm kỳ, tạo điều kiện bứt phá, phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “vùng trời, vùng biển, hải đảo” sau cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Theo Điều 1, Hiến pháp năm 2013, lãnh thổ quốc gia bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; hơn nữa, viết như dự thảo Nghị quyết có cụm từ “chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” đã bảo đảm đầy đủ, bao quát; đây cũng là cách viết đã sử dụng trong nhiều văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Về các chỉ tiêu chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Chiến lược vắc-xin toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực. Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo Nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các chỉ tiêu như: “tỷ lệ tái sử dụng chất thải 30-50%”; “về xã nông thôn mới nâng cao”; “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”; “giảm tỷ lệ mù chữ xuống dưới 1% dân số”; “nâng tỷ lệ trường học từ mầm non tới phổ thông cả nước được kiên cố hóa lên 80%”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện các chỉ tiêu chủ yếu, phù hợp với Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong hệ thống chỉ tiêu giai đoạn trước chưa có các chỉ tiêu này, việc bổ sung thêm chỉ tiêu mới vào hệ thống chỉ tiêu cần được đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát; trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã quan tâm xử lý vấn đề này. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung các chỉ tiêu này vào dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 92%; cần điều chỉnh thành 100%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được quan tâm, tỷ lệ tăng qua các năm, tuy nhiên từ thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của những năm vừa qua, việc tăng tỷ lệ này cần bố trí nguồn lực đầu tư và phải có lộ trình. Để bảo đảm tính khả thi, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vốn đầu tư toàn xã hội được cấu thành từ nhiều nguồn, cụ thể như vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn của khu vực dân cư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác; không nên là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện mà là chỉ tiêu mang tính định hướng và là một trong những cân đối lớn của nền kinh tế.
Đối với chỉ tiêu “tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân”: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ từ chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia; việc đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; xây dựng các định mức tiêu hao năng lượng; tuyên truyền, giáo dục để cải thiện hành vi của cá nhân, tập thể về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Do vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục cho giữ hai chỉ tiêu này ở phần các nhiệm vụ, giải pháp, làm cơ sở, định hướng cho công tác điều hành.