"Giải cứu" hàng không Việt trong "cơn bão" COVID-19
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:26, 02/08/2021
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến |
Đây cũng là nội dung chính được đề cập trong buổi tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách về vốn: Giữ cánh hàng không Việt", do Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam; PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Sỹ Hưng, chuyên gia hàng không (nguyên Chủ tịch – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines); TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Ths. Nguyễn Đắc Dũng, chuyên gia tài chính.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, trước đại dịch COVID-19 ngành hàng không Việt Nam đã phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thông thương trong nước và quốc tế. Đóng góp vào sự phát triển của ngành không chỉ có Vietnam Airlines mà còn phải kể tới các hãng hàng không tư nhân như: Vietjet Air, Bamboo Airways.... Sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không và người hưởng lợi cuối cùng là người dân.
Kể từ khi bùng phát (từ đầu năm 2020) đến nay, đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói riêng. TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba là thử thách cho các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp ngành hàng không đã hứng chịu những tác động nặng nề nhất và nghiêm trọng nhất. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã có những giải pháp quyết liệt để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch. Tuy nhiên làn sóng COVID-19 lần thứ tư diễn ra với diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng trên 50 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến ngành hàng không đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam |
Chia sẻ về những tác động tiêu cực của đại dịch với ngành hàng không, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020; vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.... Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.
PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
Còn theo PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đại dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ tư rất khốc liệt và đang bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp. “Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai", PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.
Trước những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt, TS. Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như: áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần....
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022", TS. Bùi Doãn Nề đề xuất.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV |
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng COVID-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành. “Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Góp ý thêm giải pháp "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cần phải tổng hợp, đánh giá đúng sự cần thiết, cũng như vai trò vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng không... để thấy được ngành hàng không xứng đáng nhận sự hỗ trợ này. "Để giải cứu ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Còn về đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: "Ngành Ngân hàng không thiếu vốn. Các TCTD cũng đang cho vay theo đúng quy định, và việc cho vay vẫn phải có tài sản bảo đảm. Vấn đề ở đây là cơ chế. Làm sao tạo ra cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy, mới có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân".