CPI tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây
Thị trường - Ngày đăng : 14:10, 03/08/2021
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.
Theo Tổng cục Thống kê, có mức tăng này chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. Việc người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ đã đẩy giá lên cao.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng cũng là nguyên nhân làm CPI tháng 7/2021 tăng cao so với tháng trước.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Trong tháng có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định, cụ thể: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, với 2,36%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm %; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%, làm CPI chung tăng 0,22 điểm %.
Số liệu thống kê cho thấy, do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến nên giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng giá trong tháng 7/2021, với mức tăng 0,18%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao và do giá thuốc lá tăng 0,43% (do nguồn cung giảm). Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm giáo dục tăng 0,03%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.
Ngược lại, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,1%); nhóm bưu chính - viễn thông (giảm 0,05%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,03%). Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác không đổi.
Tuy vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI mới tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong bản tin kinh tế tài chính vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2021, gồm:
Thứ nhất, trong 7 tháng, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt làm giá xăng A95 tăng 5.210 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.000 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 7 tháng năm nay tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm %.
Thứ hai, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 7 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 7 tháng giá gas tăng 18,43% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm %.
Thứ ba, giá dịch vụ giáo dục 7 tháng tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm %) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Thứ tư, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng năm 2021 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm %).
Thứ năm, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng năm nay tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,11 điểm %.
Ở chiều ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như sau:
Thứ nhất, giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,09 điểm %, trong đó: giá thịt lợn giảm 5,4%; giá thịt gà giảm 1,7%.
Thứ hai, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV năm 2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 7 tháng năm 2021 giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,06 điểm %.
Thứ ba, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 7 tháng giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 18,66%; giá du lịch trọn gói giảm 2,83%.
Cũng theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB, mức tăng thấp của 7 tháng đầu năm nay khiến Chính phủ có thêm dư địa điều hành giá cả trong các tháng còn lại của năm nay khi mức tăng này còn cách khá xa mục tiêu lạm phát cả năm là 4%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.