Ngành Ngân hàng tích cực chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 06:30, 05/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không chỉ ủng hộ bằng tiền cho các chương trình phòng chống dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vừa triển khai các gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca dương tính tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt trang thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống hỗ trợ hô hấp công nghệ cao, một số ngân hàng vừa triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

 VPBank tài trợ khẩn cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam 715 máy thở, trị giá 150 tỷ đồng

Những hỗ trợ kịp thời cho "tâm dịch" phía Nam

Đầu tháng 8/2021, Techcombank cho biết, vừa triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đó, hệ thống trang thiết bị y tế Techcombank trao tặng đến các tỉnh phía Nam đợt này trị giá 50 tỷ đồng, bao gồm: 200 giường hồi sức cấp cứu; 70 máy thở, 150 máy truyền dịch và 106 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, cùng nhiều thiết bị y tế cấp thiết cho quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh.

Các trang thiết bị này sẽ được Techcombank trao tại bệnh viện Cần Thơ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, để góp phần gia tăng nguồn lực cho ngành y tế khu vực Tây Nam bộ ứng phó với dịch bệnh.

Được biết, đây là gói hỗ trợ mới nhất trong chương trình phòng, chống ủng hộ phòng chống COVID-19 và an sinh xã hội, tổng trị giá hơn 153 tỷ đồng, mà Techcombank thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2021.

Cuối tháng 7/2021 vừa qua, một NHTM cổ phần khác là VPBank cũng vừa quyết định chi gần 150 tỷ đồng mua máy thở, hỗ trợ khẩn cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo đó, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, VPBank đã ký hợp đồng đặt mua 715 máy thở các loại, bao gồm: 21 máy thở xâm nhập và không nhập chức năng cao, model Puritan Bennet 840 và 980; 194 máy thở chức năng cao model Carescape R860 V11 và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao, model VUN-001 để bàn giao cho Bộ Y tế nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Cũng trong tháng 7/2021, VPBank phối hợp với Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đưa 4 container xét nghiệm COVID-19 vào "tâm dịch" phía Nam, nhằm giúp khu vực này nâng cao công tác xét nghiệm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp. Mỗi container có khả năng xét nghiệm 3.600 mẫu đơn, 36.000 mẫu gộp mỗi ngày (10 giờ - 20 giờ thao tác). Đồng thời, các container xét nghiệm này cũng được trang bị hệ thống áp lực âm; tủ an toàn sinh học; bộ lọc HEPA; hệ thống xử lý nước thải; cấp điện lưu động; bàn ghế thí nghiệm; giá đỡ chống rung; lò hấp tiệt trùng; tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 30/7/2021, Sacombank tiếp tục dành 50 tỷ đồng để đồng hành cùng các cơ quan ban ngành trong công tác phòng chống và khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó gồm: 30 tỷ đồng tại TP.Hồ Chí Minh, 5 tỷ đồng và 5 máy thở tại huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), 5 tỷ đồng và 5 máy thở tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), 5 tỷ đồng tại tỉnh Bình Dương. 

Cũng trong tháng 7/2021, Sacombank đã ủng hộ 15.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 trị giá hơn 2 tỷ đồng cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh; trao tặng 132.000 khẩu trang y tế N95 trị giá gần 1,3 tỷ đồng cho một số cơ quan, bệnh viện, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh...

Có thể nói, những gói hỗ trợ các trang thiết bị y tế thiết yếu được các ngân hàng tài trợ là thiết thực và cần thiết cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua đó, góp phần gia tăng nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế các địa phương khu vực phía Nam trong công tác ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là trong điều trị bệnh nhân nặng.

Chung tay đẩy lùi dịch đại dịch

Với những hỗ trợ kịp thời về trang thiết bị y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đại diện của VPBank chia sẻ, dù những đóng góp của ngân hàng cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 còn rất nhỏ so với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, công an… trên tuyến đầu, song trước tình hình dịch bệnh nguy cấp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mọi sự đóng góp dù nhỏ nhưng vẫn rất đáng quý.

“Chúng tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các địa phương, cùng sự chung tay của người dân và doanh nghiệp cả nước, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ có thêm nguồn lực hữu hiệu trong cuộc chiến chống dịch còn vô vàn khó khăn, nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, để ổn định phát triển kinh tế xã hội", đại diện VPBank nói.

Với gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 có giá trị lên tới 50 tỷ đồng vừa triển khai, Phó Tổng giám đốc Techcombank, ông Phạm Quang Thắng chia sẻ: “Đóng góp của chúng tôi chỉ là một trong hàng triệu tấm lòng của doanh nghiệp cả nước và đồng bào cả nước đang hướng về miền Nam, để đồng hành và hỗ trợ các y bác sĩ, người dân tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi mong rằng những hỗ trợ kịp thời của Techcombank sẽ tăng thêm nguồn lực cho miền Nam, để giảm bớt khó khăn và sự quá tải mà đội ngũ tuyến đầu đang căng mình chống dịch”.

Được biết, VPBank, Techcombank, Sacombank.... cũng là những ngân hàng rất tích cực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng VPBank: Ước tính, đến thời điểm này, tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật mà VPBank đóng góp cho công tác phòng chống COVID-19 đã lên tới 250 tỷ đồng. 

Còn nhìn rộng ra toàn ngành Ngân hàng, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, từ năm 2020 tới nay, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng đã dành trên 1.550 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19, mua máy y tế, sinh phẩm chuẩn đoán COVID-19… Không chỉ vậy, toàn ngành Ngân hàng cũng đã ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19 với số tiền khoảng 750 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng đã ban hành kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN), tái cơ cấu, hoãn giãn các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 14/6/2021, các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt  3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với  3.116.431 ​khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.  ​​​

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó từ đầu năm 2021 đến nay, các TCTD cũng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi... đặc biệt là đợt giảm lãi suất vừa được các ngân hàng đồng thuận triển khai từ ngày 15/7 vừa qua sẽ tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Lan Nguyễn