4 quy định khác Luật sẽ được áp dụng để phòng, chống COVID-19

Tin tức - Ngày đăng : 13:30, 07/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý 04 nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy đinh khác với quy định của luật hiện hành.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp bất thường để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức chiều muộn ngày 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trong đó có nội dung quan trọng quy định các biện pháp đặc thù, đặc cách và đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tăng tính chủ động cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đáp ứng yêu cầu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu và khẩn trương triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi có các văn bản đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần đồng hành với Chính phủ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an toàn cho Nhân dân là trên hết và trước hết, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc liên tục không quản ngày đêm để cho ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Mặc dù là cuối ngày làm việc nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tổ chức phiên họp bất thường để cho ý kiến và xem xét quyết định các nội dung theo thẩm quyền, tạo điều kiện cho Chính phủ có thể ban hành sớm nhất Nghị quyết đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Nghị quyết đã bám sát, cơ bản thống nhất với Nghị quyết số 30/2001/QH15, do đó tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh thêm dự thảo Nghị quyết, tập trung vào một số nội dung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét quyết định về 4 nội dung mới trong dự thảo quy định khác với quy định của luật hiện hành, gồm: Việc quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19; việc giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 và việc giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân.

Đây là những nội dung quy định trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của các luật hiện hành gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện, theo đó:

Về việc quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung của Khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết quy định “Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động” (quy định này khác với quy định Điều 42 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh), nhưng đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này đến hết ngày 31/12/2022 và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Về việc giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quy định tại Khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đề nghị chỉ giới hạn phạm vi ban hành thủ tục hành chính ở các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến dịch COVID-19; đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh nền khác (như tiểu đường, tim mạch, thận...) thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan

Về việc giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất là khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý rằng, để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2001/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán.

Trong dự thảo Nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng, thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện, thiếu nhất quán hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần giao trách nhiệm cho một cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm cả những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này nhằm thực hiện nội dung quy định tại điểm 3.7 của Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các văn bản để phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và xem xét, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện thống nhất trong khung chính sách cho phép để đảm bảo thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội.

Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý 04 nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy đinh khác với quy định của luật hiện hành.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành với tinh thần khẩn trương, gấp rút, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện cho Chính phủ ban hành Nghị quyết một cách sớm nhất.

 

Thanh Hải