Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt, giữ cho mình thực sự là đơn vị xanh trong chống dịch

Tin tức - Ngày đăng : 23:20, 08/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến lâu dài. Các doanh nghiệp với vai trò quan trọng trong nền kinh tế cần có những giải pháp thiết thực, khả thi để giữ vững pháo đài chống dịch; phải chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế, các giải pháp để phát hiện sớm dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ cho doanh nghiệp của mình thực sự là một đơn vị xanh trong chống dịch…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương sau khi đã lắng nghe những chia sẻ, ý kiến, quyết tâm của đại diện doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, hiệp hội ngành hàng, lãnh đạo địa phương và cả ý kiến của các "tư lệnh" ngành.

Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm, nêu cao tinh thần vượt khó

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại các điểm cầu. Ảnh VGP

Tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát biểu của các doanh nghiệp tại Hội nghị đều có chung đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách…

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống. Đồng thời, đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;…

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân.

Nhiều ý kiến hiệp hội ngành hàng đề nghị cần có các chỉ đạo cụ thể trong thống kê, kiểm kê, đánh giá hàng tồn kho; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những ngành hàng, lĩnh vực có lực lượng lao động lớn; bảo đảm duy trì các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhất là xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối; đưa nhóm mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vào luồng xanh; thống nhất trên toàn quốc các tiêu chí về vùng xanh; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng về lao động, việc làm...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp FID được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng COVID-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh;…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ kinh nghiệm trong việc xét nghiệm tại các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, các mô hình “nhà trọ an toàn”, giao thông an toàn “một cung đường, hai điểm đến”... Khẳng định các mô hình này có thể triển khai bền vững, lâu dài, ông Lê Ánh Dương đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương, đồng thời thực hiện thống nhất trên toàn quốc các quy định về lưu thông hàng hóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Linh động, sáng tạo, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt gây ách tắc lưu thông hàng hóa

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị

Trao đổi, chia sẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc thực hiện mục tiêu kép là một chủ trương đúng đắn. Khi kinh tế thế giới phục hồi rất nhanh, tổng cầu đang lên, nếu chúng ta không làm được hoặc làm không khéo nhiệm vụ phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ông đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo TP. Hải Phòng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa. “Là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng cần hết sức nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, không để xảy ra một trường hợp nào nữa”, Bộ trưởng phát biểu.

“Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu. Bộ duy trì họp giao ban mỗi tuần 3 lần để tổng kết, rút kinh nghiệm, ngoài ra còn có các nhóm công tác để giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Chính phủ, Thủ tướng không có bất kỳ một văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng, máy móc. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh thêm việc phải bảo đảm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ kiến nghị liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ; tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp về giấy phép với lao động nước ngoài để tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất; vận dụng Nghị quyết cho phép của Quốc hội để có thể làm thêm quá 40 giờ mỗi tháng…

Mỗi doanh nghiệp phải là một pháo đài chống dịch

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ đồng tình cao với nhiều đề xuất của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, thuế; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông từ địa phương này, đến địa phương khác.

“Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến lâu dài. Các doanh nghiệp với vai trò quan trọng trong nền kinh tế cần có những giải pháp thiết thực, khả thi để giữ vững pháo đài chống dịch; phải chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế, các giải pháp để phát hiện sớm dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ cho doanh nghiệp của mình thực sự là một đơn vị xanh trong chống dịch cũng như thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm đời sống, thu nhập, an toàn cho người lao động”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, phát biểu. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong khả năng cho phép, Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… đối với doanh nghiệp, người dân.

Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề nghị các doanh nghiệp từ hoạt động thực tiễn tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm sát thực, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách.

Các Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị để xử lý, đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời đối với doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn lực cũng như bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng…

P.V