Chính phủ khóa XV thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng trong phiên họp toàn thể đầu tiên

Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 09:42, 12/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, đã tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước 5 năm tới; đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021; quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV họp Phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp. Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tới các địa phương.

Trong buổi sáng, Phiên họp thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

Buổi chiều, Phiên họp thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021; tình hình và các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2021

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 3 nội dung lớn: Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội; về công tác phòng chống dịch; về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Ảnh: VGP

Về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến xác đáng của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Trong bài phát biểu hết sức quan trọng của Tổng Bí thư, Thủ tướng đặc biệt lưu ý những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ hết sức cơ bản, có tính chất định hướng cả trước mắt và lâu dài.

Thứ nhất, phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ hai, phát triển bền vững, theo chiều sâu. Thứ ba, phát triển kinh tế hài hoà, hợp lý gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường. Thứ tư, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là quan tâm an sinh xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ sáu, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phải kiên định tư tưởng, lập trường, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thủ tướng nêu rõ, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, vì vậy, trong vòng 5 năm tới đây, việc tổ chức thực hiện phải được quan tâm hơn, đặc biệt ở cơ sở. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhanh chóng phát hiện các nhân tố mới, mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém để có sự phát triển tổng thể, toàn diện. Vừa phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa phải mở ra không gian đổi mới sáng tạo để khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Với những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới cần phải sửa đổi, bổ sung, phải kịp thời đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền theo trình tự pháp luật và nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự cộng tác, hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả cơ bản, tích cực.

Về phòng chống COVID-19, so với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình. Chúng ta đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường. Những nơi đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp cũng đang nỗ lực cố gắng thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Chính phủ ghi nhận, đánh giá các địa phương, đơn vị  đã huy động tối đa các nguồn lực với sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt, một số nơi thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên có nơi, có lúc chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, đây là nguyên nhân chủ quan để dịch bệnh dây dưa, kéo dài. Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc, thiếu kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức “4 tại chỗ” có nơi chưa nghiêm túc nên khi tình hình phức tạp thì lúng túng, bị động, không đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng nêu rõ hai điểm cần rút kinh nghiệm: Thứ nhất, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch. Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền phải tập trung kiểm tra, giám sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nghiêm các quy định, nhất là các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. “Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng chống dịch. Phải quán triệt điều này, nếu không sẽ thất bại”, Thủ tướng lưu ý.

“Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Nghị quyết này để triển khai. Người đứng đầu Chính phủ phân tích kỹ lưỡng một số yêu cầu, nhiệm vụ trong phòng chống dịch, theo yêu cầu chung nhất là “người phải cách ly với người, ‘ai ở đâu yên đó’, ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người’, cộng với các biện pháp xét nghiệm, 5K, vaccine, thuốc, công nghệ và các biện pháp khác”, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc, dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.

Thủ tướng nhắc lại, xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.

Để thực hiện chiến lược vaccine, tới nay Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đạt một số kết quả. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao vaccine. Thủ tướng cũng lưu ý phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine, “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất’.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ  đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết. Thủ tướng lưu ý có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, hướng dẫn về các công nghệ phòng chống dịch, phát huy cao nhất, hiệu quả của Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện. Nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở kết nối với các nền tảng đã có, đặc biệt là nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, phục vụ việc tiêm vaccine, truy vết…

Thủ tướng lưu ý áp dụng các biện pháp khác như kết hợp giữa đông y và tây y, giữa y học, tâm lý học, xã hội học… trong công tác điều trị, phòng chống dịch.

‘Trong lúc chưa có đầy đủ vaccine và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân. Các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu này, ‘đồng chí nào không làm được là có lỗi với dân’. Đồng thời, tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, động viên để người dân nâng cao ý thức, thái độ và sự tin tưởng, tinh thần lạc quan, ủng hộ, tích cực cộng tác trong phòng chống dịch.

Cùng với đó, khi thực hiện cách ly, phong tỏa không được để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa, lưu thông. Một số nơi đã thực hiện thành công các mô hình như ‘3 tại chỗ’, ‘một cung đường, hai điểm đến’, cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình này.

Về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và tháng 7, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất tương đối ổn định. Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ theo dự toán, lũy kế 7 tháng đạt 67,9% dự toán, chi ngân sách bằng 45% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 55,7 tỷ USD (tăng 1,5%); tính chung 7 tháng đạt 373,36 tỷ USD (tăng 30,2%).

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách 7 tháng tăng 5,6% so cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%. Trong 7 tháng, có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tăng 0,8% và số vốn đăng ký tăng 13,8%; có gần 30 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 3,6%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường.

Những điểm sáng này cần tiếp tục phát huy. Các tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng chúng ta không được chủ quan, thoả mãn.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trong lúc này, phải tập trung ưu tiên số 1 cho chống dịch, chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Đầu tư công là lĩnh vực có những hạn chế kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một động lực tăng trưởng kinh tế, thực hiện bằng mọi biện pháp và dứt khoát không để dây dưa, kéo dài, dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, các điểm yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng giảm; chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh; sản lượng thủy sản tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm; cán cân thương mại 7 tháng ước nhập siêu; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương dịch bùng phát và trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Thủ tướng nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới. Thứ nhất, cương quyết giữ  được lưu thông hàng hóa. Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ. Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này. Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh ‘trống đánh xuôi kèn thổi ngược’.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ công tác phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần ‘Anh bộ đội cụ Hồ’, là đội quân sản xuất, đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò tuyến đầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế; phối hợp với các cơ quan triển khai các nội dung tại Hội nghị trực tuyến của Chínhphủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 08/8.

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương chi tiêu ngân sách để thực hiện các kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, nếu cần thiết có thể lập tổ công tác đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Hai cơ quan tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ xét nghiệm, cơ sở vật chất, tiền lương, về giãn nợ, khoanh nợ, lãi suất… với các doanh nghiệp tổ chức thực hiện được ‘3 tại chỗ’, ‘một cung đường, hai điểm đến’.

Bộ NN&PTNT và các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh; tăng cường công tác bảo vệ rừng; phòng chống dịch bệnh trên gia súc.

Bộ Công Thương, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, bảo đảm không để xảy ra thiếu hàng hóa tiêu dùng. Đẩy nhanh việc cấp mã QR cho phương tiện đi “luồng xanh”, cải thiện điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tích cực thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, có giải pháp hiệu quả hạn chế nhập siêu.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bám sát tình hình triển khai Nghị quyết 68, tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc mở rộng đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ theo khả năng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương kết thúc năm học thành công, chuẩn bị tốt cho năm học mới 2021-2022, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương, bảo đảm an toàn.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy, thực hiện tốt công tác quy hoạch; nhanh chóng đề xuất phương án xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Bộ Nội vụ chủ trì việc thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy tinh gọn và xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Quốc hội. Các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân, nhất là trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo Nghị quyết 86.

Về tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, chủ động, sáng tạo hơn và đáp ứng tình hình trong điều kiện hiện nay. Cùng với đẩy mạnh ‘lấy cái đẹp dẹp cái xấu’, ‘lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực’, cần tăng cường đấu tranh với các thông tin, luận điệu thù địch, xuyên tạc, sai sự thật.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV, trong đó có việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội.

‘Các chỉ đạo, cơ chế, chính sách đã có đầy đủ nhưng cũng không thể nào phủ hết được các góc cạnh của thực tiễn, tình hình lại diễn biến rất nhanh. Do đó, các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải liên tục sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, quan trọng nhất là phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, hạn chế, yếu kém, khó khăn để bổ sung, hoàn thiện dần, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý’, Thủ tướng nêu rõ.

L.C