Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẵn sàng cho vay đặc biệt

Tin hội viên - Ngày đăng : 14:11, 16/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 08/2021/TT-NHNN (Thông tư 08), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/10/2021 quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, trong đó quy định 3 trường hợp được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cho vay đặc biệt.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2. Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt trong quá trình này là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã trao cho BHTGVN trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Cụ thể, BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, theo chỉ định của NHNN.

Thông tư 08 ra đời quy định cụ thể về cho vay đặc biệt của NHNN, BHTGVN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, TCTD khác đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, Thông tư 08 nêu rõ: NHNN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp: Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14  (sau đây gọi là quyết định của Thủ tướng Chính phủ); Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14  có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Ba trường hợp BHTGVN sẽ tiến hành cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt là:

  • Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;
  • Cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;
  • Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Thông tư cũng quy định việc cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Số tiền cho vay, mục đích sử dụng, tài sản bảo đảm, lãi suất, thời hạn cho vay, việc trả nợ, miễn, giảm tiền lãi, xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt như gia hạn, lãi suất đối với nợ gốc quá hạn được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Loại tiền tệ để cho vay đặc biệt là đồng Việt Nam. Nguồn tiền cho vay đặc biệt của NHNN là từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền. Nguồn tiền cho vay đặc biệt của BHTGVN là từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Thời hạn cho vay đặc biệt do NHNN xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng. Về lãi suất, đối với trường hợp cho vay hỗ trợ các TCTD bị kiểm soát đặc biệt khi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống, lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn trong từng thời kỳ, lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn, không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả. Đối với các khoản vay lãi suất ưu đãi đến 0%, mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quyết định; lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn và không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả.

Về tài sản bảo đảm, Thông tư quy định thứ tự ưu tiên cầm cố tín phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 100%, lãi khi đến hạn, trái phiếu chính quyền địa phương; cầm cố trái phiếu Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; trái phiếu các TCTD; thế chấp quyền đòi nợ.

NHNN xem xét việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của TCTD hoặc chủ trương cơ cấu lại, phương phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng. Thời gian gia hạn mỗi lần dưới 12 tháng.

Khi khoản vay đặc biệt đến hạn, TCTD bị kiểm soát đặc biệt đi vay phải trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt cho bên cho vay. Bên đi vay có thể trả nợ vay đặc biệt trước hạn.

Đối với khoản cho vay đặc biệt bị phát hiện sử dụng không đúng mục đích, NHNN sẽ thu hồi nợ trước hạn. Bên đi vay phải trả nợ cho bên cho vay trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Ngân hàng NHNN có văn bản thông báo vi phạm. Nợ gốc sử dụng không đúng mục đích hịu lãi suất bằng 130% lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ.

Trường hợp khoản vay không được gia hạn và bên đi vay không trả được nợ, NHNN chuyển dư nợ sang theo dõi quá hạn, trích tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi nợ, yêu cầu bên đi vay chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm và xử lý các tài sản này để thu hồi nợ…

Tính đến ngày 30/6/2021, có 1.283 tổ chức tham gia BHTG (gồm: 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô). BHTGVN thực hiện giám sát thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, kịp thời đề xuất, kiến nghị với NHNN những vấn đề phát sinh có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, BHTGVN đã thành lập Ban Chỉ đạo giám sát, kiểm tra và xử lý đối với QTDND có vấn đề; đồng thời, chủ động xây dựng các Quy chế quy định liên quan công tác tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tham gia BHTG. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm bắt diễn biến tình hình hoạt động của các QTDND có vấn đề, đặc biệt là các QTDND đang được KSĐB và QTDND yếu kém, báo cáo NHNN các vấn đề phát sinh.

Tính đến ngày 30/6/2021, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN là 70,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN đạt 76,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá cao do hoạt động đầu tư của BHTGVN được thực hiện hiệu quả thông qua việc chủ động xây dựng các phương án, nỗ lực thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi một cách linh hoạt trên hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính, làm tốt sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng.

Mặc dù thời gian qua BHTGVN không nhận được đơn đề nghị cho vay đặc biệt của các TCTD và không phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG, nhưng BHTGVN vẫn luôn nâng cao trách nhiệm, không ngừng bồi đắp nâng cao mức vốn dự phòng nhằm giữ vững thế chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt đủ điều kiện vay vốn cũng như chi trả khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.

 

Ngọc Nhi