Thông qua Nghị quyết về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022

Tin tức - Ngày đăng : 13:57, 18/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong phiên họp chiều ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2022; xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP và số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên của NSĐP và xây dựng dự toán chi NSĐP, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN.

Toàn cảnh phiên họp

Về tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với các Bộ, cơ quan trung ương, Chính phủ trình phương án bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế đối với các Bộ, cơ quan trung ương. Dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các Bộ, cơ quan trung ương hằng năm được xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao.

Đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, năm 2022, mức bố trí dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2021 và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên

Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tiêu chí phân bổ chính là dân số trung bình năm 2022 của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phân vùng dân số: Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân thành 04 vùng: vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đô thị và vùng khác còn lại.

Định mức dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2022 kế thừa quy định tại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với các địa phương tiếp tục được xây dựng theo 13 lĩnh vực.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa NSTW và NSĐP, xây dựng dự toán NSNN giai đoạn 2022-2025, Báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chú trọng các mục tiêu, yêu cầu: Xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025). Bảo đảm cơ cấu lại chi NSNN giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên phải rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định của Luật NSNN, thời kỳ ổn định ngân sách là "trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm hoặc theo quyết định của Quốc hội", tuy nhiên đến nay mới xem xét đến vấn đề này là chậm.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề xuất 2 phương án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định. Theo đó, phương án thứ nhất là xác định thời kỳ ổn định ngân sách từ 2022-2025; và phương án thứ hai là từ 2022-2026.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ từ 01/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương, do đó, phải quyết tâm áp dụng cải cách tiền lương và cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý.

Về tiêu chí phân bổ đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ mặc dù Chính phủ trình phương án bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế, theo đó dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các Bộ, cơ quan trung ương tính theo hiệu quả đầu ra, tuy nhiên trong nội dung cụ thể lại không thấy thể hiện theo kết quả đầu ra. Chính phủ vẫn lấy mức chi thực tế của năm trước làm căn cứ. Cho biết việc dự toán chi theo hiệu quả đầu ra không phải nội dung dễ thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trước mắt tiếp tục lấy tiêu chí chính là biên chế sau khi xác định theo vị trí việc làm và có tiêu chí phụ điều chỉnh theo khối lượng công việc đặc thù, đột xuất theo từng thời kì như vậy sẽ bảo đảm kết hợp 1 phần với kết quả đầu ra.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc tiếp tục sử dụng tiêu chí dân số làm “tiêu chí chính” trong xây dựng định mức phân bổ NSNN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp, đồng thời nên có các chỉ tiêu bổ sung như về mật độ dân số, di dân tự do, dân cư vãng lai, lao động ngoại tỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Còn về phân loại vùng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tính thêm các yếu tố miền núi, vùng cao bên cạnh 4 vùng làm căn cứ phân bổ ngân sách theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, gồm: vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, đô thị và vùng khác còn lại. Về việc tăng định mức chi cho một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết thẩm quyền ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét thể hiện ngay trong Nghị quyết này để làm cơ sở để tính toán.

Đối với chi cho lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc Chính phủ có điều chỉnh tăng 1 lần so với năm 2017 là chưa thực sự phù hợp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay cho thấy vai trò của y tế cơ sở và y tế dự phòng là rất quan trọng, nên cần có tính toán thêm.

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

P.V