Đảm bảo hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:30, 19/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) mang lại khá nhiều lợi ích cho cả công ty bảo hiểm, ngân hàng và khách hàng, tuy nhiên hoạt động này cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có một số giải pháp để kênh phân phối này hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm.

Phân phối bảo hiểm góp phần tăng doanh thu cho ngân hàng 

Có thể hiểu, Bancassurance là sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm và các ngân hàng, trong đó ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng của mình để phân phối sản phẩm bảo hiểm cho công ty bảo hiểm và thực hiện một số dịch vụ khác như thu phí bảo hiểm. Đổi lại công ty bảo hiểm sẽ trả hoa hồng và các khoản phí cho ngân hàng theo hợp đồng được kí kết giữa hai bên.

Bancassurance là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng trong thời gian gần đây và sắp tới. Bởi lẽ, các ngân hàng thường có mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, có công nghệ... phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm…. Việc hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả ngân hàng, công ty bảo hiểm khi ngân hàng muốn tạo ra hệ sinh thái tiện ích và đa dạng hơn cho khách hàng. Các ngân hàng tăng doanh thu bằng cách bán các sản phẩm bảo hiểm và các công ty bảo hiểm mở rộng cơ sở khách hàng của họ mà không cần tăng thêm nhân sự bán hàng hay hoa hồng cho đại lí và môi giới.

Trong khảo sát 20 công ty bảo hiểm vừa được Vietnam Report công bố mới đây, doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm, với mức tăng trưởng gần bằng kênh dịch vụ kỹ thuật số (66,7% so với 69,2%). Điều này chứng tỏ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hiện đang là “cứu tinh” cho cả các doanh nghiệp bảo hiểm và là nguồn thu của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM). Bảo hiểm đã thể hiện tốt vai trò của mình như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Trong 6 tháng vừa qua, doanh thu từ dịch vụ ở nhiều ngân hàng có sự đóng góp lớn từ hoa hồng và phí phân phối bảo hiểm. Nhóm NHTM có hoạt động hợp tác phân phối bảo hiểm phát triển mạnh có thể kể đến như: Vietcombank, VietinBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, SCB…

Báo cáo tài chính của SCB cho thấy, hết quý II/2021, thu nhập ngoài lãi của SCB đạt ấn tượng với hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ dịch vụ đạt 1.310 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 618 tỷ đồng), bằng 78% tổng thu nhập dịch vụ của cả năm 2020. Trong mảng dịch vụ, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường, dẫn đầu tốc độ phát triển kinh doanh mảng Bancassurance. 

Các NHTM khác thu nhập từ mảng dịch vụ này cũng không hề thua kém, chẳng hạn của Techcombank, 6 tháng đầu năm 2021, dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng 60,1% về doanh thu khai thác mới (APE).  MSB trong 2 quý đầu năm tăng thêm 500 tỷ đồng từ phí trả trước của Prudential. HDBank cũng cho rằng trong năm nay doanh thu phí từ bảo hiểm sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và là một trong những trụ cột trong mảng dịch vụ đóng góp lớn vào lợi nhuận của ngân hàng cả năm…

Mặc dù hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng mang lại khá nhiều lợi ích cho cả công ty bảo hiểm, ngân hàng và khách hàng, tuy nhiên hoạt động này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Đặc biệt, gần đây cũng có thông tin về việc khách hàng phải “một cổ hai tròng” khi tiếp cận vốn ngân hàng thì phải mua kèm bảo hiểm. Hơn nữa, các sản phẩm bao hiểm được bán qua kênh Bancassurance hiện nay vẫn còn đơn giản, là sản phẩm có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ chưa có những sản phẩm đặc thù cho kênh Bancassurance. Chưa kể nguồn nhân lực từ các công ty bảo hiểm và lực lượng cán bộ ngân hàng được đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hướng tới nhu cầu thực của khách hàng để phát triển bền vững

Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một số giải pháp để đảm bảo hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ quy định pháp luật và phát triển một cách lành mạnh, bền vững.

Cơ sở pháp lý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm đã được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, các TCTD được quyền làm đại lý bảo hiểm khi đáp ứng các điều kiện và tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Việc cho phép các NHTM tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 103 Luật Các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, các NHTM phải thành lập, mua lại công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, NHTM được phép góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp bảo hiểm (Điểm a, Khoản 4 Điều 103 Luật các TCTD). Tiếp đến là các quy định tại Điều 106 Luật Các TCTD; Điểm đ, Khoản 1 Điều 6; Điểm b, Khoản 1 Điều 7; Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; Thông tư Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/07/2014 của Bộ Tài chính và NHNN về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng về Bancassurance ở Việt Nam phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế, tạo sự thông thoáng, thuận tiện, tạo đà cho hoạt động này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, NHNN đã ban hành Thông tư 37/2019/TT-NHNN ngày 31/12/2019 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm (Thông tư 37), trong đó quy định trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD.

Tại Điều 6, Thông tư 37 cũng quy định quyền và nghĩa vụ của TCTD trong hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, TCTD có các quyền của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

TCTD có các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm: Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD; Quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên trong TCTD trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm; Cung cấp đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp bảo hiểm thông tin về các khoản phí bảo hiểm thu được, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm; Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm thu được cho doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trừ đi hoa hồng đại lý bảo hiểm, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm; Cung cấp đầy đủ, chính xác và đối chiếu với doanh nghiệp bảo hiểm về các thông tin cần thiết từ khách hàng mà tổ chức tín dụng có nghĩa vụ thu thập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD (Điều 7, Thông tư 37).

Trong công tác quản lý, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của NHNN liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vào các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Đồng thời, NHNN đã ban hành một số văn bản cảnh báo, chỉ đạo gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg), trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Yêu cầu các TCTD, CNNHNNg chấp hành nghiêm các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp ép khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định; Các cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm cần phải có chứng chỉ hành nghề, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn/quy định có liên quan. Quán triệt, tuyên truyền phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và các cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

NHNN cũng có văn bản gửi các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, gần đây, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các TCTD, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của TCTD tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm. Để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là TCTD.

Thời gian tới, để đa dạng các sản phẩm và tăng tiện ích cho khách hàng, các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư thiết kế thêm sản phẩm mới riêng biệt, mang tính kết hợp đúng nghĩa giữa ngân hàng và bảo hiểm. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng, cần được đào tạo bài bản hơn, từ đó hoạt động bancassurance đi vào nề nếp và có tính hiệu quả cao hơn.

Bản thân khách hàng phải nắm bắt thông tin về bảo hiểm như: sản phẩm được chào mua là gì, chính sách chi trả, quyền lợi khi tham gia hay người thụ hưởng thế nào cần được làm rõ.... Do đó, nhân viên cần tư vấn rõ ràng, chính xác, tạo lòng tin nơi khách hàng. Để lành mạnh thị trường, ngoài câu chuyện doanh số và lợi nhuận, mảng Bancassurance cần hướng đến đúng nhu cầu thực sự của khách hàng để phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.

Phương Chi